1. Các tác nhân gây hen suyễn cần lưu ý trong mùa hè
TS. Nevin Kishore, Trưởng khoa Phế quản và Cố vấn Cấp cao về y học hô hấp tại Bệnh viện Max, Gurugram, Ấn Độ cho biết một số tác nhân phổ biến gây bệnh hen suyễn trong mùa hè cần chú ý:
1.1. Phấn hoa
Vào mùa hè thường có nhiều phấn hoa, mật độ cao nhất thường trước 9 giờ sáng. Ở những người bị hen suyễn dị ứng, lượng phấn hoa từ cỏ dại, cây và cỏ cao hơn có thể gây ra phản ứng dị ứng.
Các triệu chứng hen suyễn bao gồm ho, thở khò khè và khó thở có thể xuất phát từ việc tiếp xúc với các loại phấn hoa trong không khí.
1.2. Ô nhiễm không khí
Khí hậu mùa hè nắng nóng khiến lượng khí thải xe cộ cao hơn và lượng ôzôn trong không khí tăng cao kèm theo tình trạng ô nhiễm không khí gia tăng, có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng tại đường thở ở những người mắc bệnh hen suyễn.
1.3. Nhiệt độ và hoạt động thể chất
Nhịp thở tăng lên khi nhiệt độ nóng hoặc khi tập luyện, có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng hen suyễn.
1.4. Các hoạt động ngoài trời
Các hoạt động bên ngoài vào mùa hè như làm vườn, đi bộ và cắm trại có thể khiến người bệnh tiếp xúc với nhiều tác nhân gây bệnh như phấn hoa, nấm mốc và ô nhiễm không khí làm khởi phát và khó kiểm soát cơn hen.
Các hoạt động ngoài trời có thể khiến người bệnh tiếp xúc với các tác nhân khởi phát hen suyễn.
2. Các biện pháp kiểm soát bệnh hen suyễn trong mùa hè
2.1. Tránh đi ra ngoài vào thời điểm nắng nóng cao điểm
Trong điều kiện thời tiết nóng và bụi bặm, những người mắc bệnh hen suyễn nên ở trong nhà càng nhiều càng tốt. TS. Kishore cho biết, bụi bặm và nhiệt độ cao có thể gây kích ứng đường thở và gây ra các triệu chứng hen suyễn.
Do vậy, nếu cần phải ra ngoài, người bệnh cố gắng hạn chế tiếp xúc với bụi và ánh nắng gắt bằng cách lên lịch cho các hoạt động ngoài trời vào những giờ mát mẻ hơn trong ngày, chẳng hạn như sáng sớm hoặc tối muộn.
2.2. Dùng khăn ẩm lau quanh mũi và miệng
TS. Kishore khuyên nếu bạn bắt buộc ra ngoài trong thời điểm nắng nóng đỉnh điểm nên mặc quần áo dài tay, đeo khẩu trang hoặc cân nhắc dùng khăn ẩm để che mũi và miệng nhằm loại bỏ một số chất kích thích có trong không khí, tạo ra một rào cản giữa đường thở và các tác nhân khởi phát bệnh tiềm ẩn.
Dùng khăn ẩm lau mũi, miệng để loại bỏ bụi bẩn, tránh khởi phát cơn hen suyễn.
2.3. Tránh tập thể dục dưới nhiệt độ quá cao
Các hoạt động thể chất giúp duy trì lối sống lành mạnh, nhưng tập thể dục trong điều kiện nhiệt độ quá cao có thể gây căng thẳng cho hệ hô hấp và gây ra các triệu chứng hen suyễn.
Do đó, bạn nên chọn tập thể dục trong nhà hoặc chọn những thời điểm mát mẻ hơn trong ngày, chẳng hạn như sáng sớm hoặc tối muộn, để tham gia các hoạt động ngoài trời, tránh khởi phát cơn hen.
2.4 Cung cấp đủ nước
TS. Kishore cho biết, khí hậu nắng nóng mùa hè thường khiến cơ thể bị mất nước qua việc toát mồ hôi. Do đó, bổ sung đủ nước không chỉ giúp tăng cường sức khỏe tổng thể mà uống đủ nước giúp giữ ẩm cho đường hô hấp và giảm nguy cơ tích tụ chất nhầy, nguyên nhân góp phần gây ra các triệu chứng hen suyễn.
Bạn có thể uống nước lọc, trà thảo dược và sử dụng các loại thực phẩm cung cấp nước như trái cây và rau quả.
Sử dụng các loại trái cây chứa nhiều nước bổ sung nước làm ẩm đường thở, hạn chế cơn hen suyễn.
2.5 Các biện pháp khác
- Người bệnh hen phế quản luôn cần sử dụng thuốc hít theo chỉ định của bác sĩ và luôn mang theo người để kiểm soát cơn hen khi cần thiết. Đặc biệt trong mùa hè, khi các tác nhân gây bệnh phổ biến hơn, việc tuân thủ chế độ dùng thuốc của người bệnh càng trở nên quan trọng hơn.
- Nên sử dụng máy điều hòa và máy lọc không khí nhưng không nên để nhiệt độ trong phòng quá lạnh, độ ẩm quá cao.
- Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, giặt giũ chăn, ga, gối, đệm thường xuyên...
Mời bạn xem tiếp video:
5 lý do khiến người ăn mãi không béo, người 'uống nước cũng mập'