1. Axit uric là gì, có vai trò gì với cơ thể con người?
Axit uric là sản phẩm phụ của quá trình tiêu hóa thực phẩm giàu purine. Purin là những chất xuất hiện tự nhiên trong một số loại thực phẩm và cũng được hình thành, phân hủy trong cơ thể.
Thông thường, cơ thể lọc axit uric qua thận và bài tiết qua nước tiểu. Tuy nhiên, khi ăn quá nhiều purine hoặc nếu cơ thể không thể loại bỏ axit uric một cách hiệu quả, có thể tích tụ trong máu, dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau.
Theo Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ, phạm vi bình thường của axit uric là 3,4 - 7 (mg/dL) đối với nam và 2,4 -6 mg/dL đối với nữ. Tuy nhiên, có thể dao động trong khoảng 3,5 - 7,2 mg/dL.
Sự tích tụ axit uric có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe như bệnh gout và sỏi thận.
2. Điều gì xảy ra khi cơ thể tăng axit uric?
Khi nồng độ axit uric trong cơ thể tăng cao sẽ xảy ra tình trạng gọi là tăng axit uric máu, dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau. Nồng độ axit uric cao có thể gây ra sự hình thành các tinh thể urat trong khớp, dẫn đến tình trạng đau đớn (được gọi là bệnh gout). Tăng axit uric máu có liên quan đến việc tăng nguy cơ sỏi thận, bệnh thận, tăng huyết áp, bệnh tim mạch, hội chứng chuyển hóa và một số tình trạng viêm như bệnh vẩy nến.
3. Triệu chứng tăng axit uric trong cơ thể là gì?
Nồng độ axit uric trong cơ thể tăng lên có thể dẫn đến các triệu chứng như đau khớp đột ngột và dữ dội, điển hình là ở ngón chân cái, cũng như sưng, đỏ, nóng ở khớp bị ảnh hưởng.
Các triệu chứng khác có thể bao gồm cứng khớp, hạn chế cử động và khó chịu. Trong một số trường hợp, sự tích tụ axit uric cũng có thể gây sỏi thận, dẫn đến đau lưng hoặc bụng, đi tiểu đau, có máu trong nước tiểu.
4. Một số biện pháp giúp bạn duy trì mức axit uric tối ưu
Duy trì mức axit uric tối ưu là rất quan trọng cho sức khỏe tổng thể. Dưới đây là 5 biện pháp khắc phục tại nhà hiệu quả giúp bạn giảm nồng độ axit uric một cách tự nhiên.
4.1. Tiêu thụ thực phẩm có hàm lượng purine thấp
Thực phẩm giàu purin có thể làm trầm trọng thêm mức axit uric. Thực hiện chế độ ăn ít purine có thể giúp giảm đáng kể nồng độ axit uric trong cơ thể.
Dưới đây là một số thực phẩm có hàm lượng purin thấp nên đưa vào chế độ ăn uống:
- Trái cây: Hầu hết các loại trái cây đều có hàm lượng purin thấp, có thể tiêu thụ thoải mái.
- Rau: Bổ sung nhiều loại rau như ớt chuông, dưa chuột, cà rốt, các loại rau lá xanh trong chế độ ăn uống.
- Sữa ít béo: Chọn các sản phẩm từ sữa ít béo như sữa, sữa đông và phô mai…
Thực phẩm có hàm lượng purin thấp giúp bạn duy trì mức axit uric tối ưu.
4.2. Tránh đồ uống có đường
Đồ uống có đường, bao gồm soda và nước ép trái cây, có thể góp phần làm tăng nồng độ axit uric trong cơ thể. Si-rô ngô có hàm lượng fructose cao, một chất làm ngọt phổ biến trong nhiều loại đồ uống có đường, có liên quan đến nồng độ axit uric tăng cao.
Thay vào đó, hãy bổ sung nước cho cơ thể bằng nước, trà thảo mộc, nước ép trái cây tươi để giúp giảm nồng độ axit uric.
Đồ uống có đường có liên quan đến nồng độ axit uric tăng cao.
4.3. Duy trì cân nặng khỏe mạnh
Cân nặng quá mức có thể dẫn đến nồng độ axit uric trong cơ thể cao hơn do tế bào mỡ tạo ra nhiều axit uric hơn so với tế bào cơ. Thừa cân khiến thận khó lọc axit uric hiệu quả hơn. Do đó, giảm cân có thể làm giảm đáng kể nồng độ axit uric.
Hãy tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng để lập kế hoạch giảm cân lành mạnh phù hợp với nhu cầu của cơ thể bạn; đặt ra các mục tiêu giảm cân thực tế và đưa ra các khuyến nghị về chế độ ăn uống để giảm mức axit uric.
Cân nặng quá mức có thể dẫn đến nồng độ axit uric cao trong cơ thể
4.4 Tăng lượng chất xơ ăn vào
Tiêu thụ một chế độ ăn nhiều chất xơ có lợi cho những người có nồng độ axit uric cao. Chất xơ giúp hấp thụ và loại bỏ axit uric dư thừa ra khỏi máu.
Dưới đây là cách bạn có thể tăng lượng chất xơ trong chế độ ăn uống của mình:
- Ăn nhiều trái cây, rau quả: Bao gồm nhiều loại trái cây, rau quả trong bữa ăn hàng ngày.
- Chọn ngũ cốc nguyên hạt: Hãy chọn các loại ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, bánh mì nguyên hạt, lúa mạch.
- Các loại đậu: Hãy bổ sung các loại đậu như đậu lăng, đậu đỗ, đậu xanh vào chế độ ăn uống.
- Các loại hạt: Ăn nhẹ các loại hạt như hạnh nhân, hạt chia, hạt lanh để tăng thêm chất xơ.
4.5. Cân bằng lượng insulin
Nồng độ insulin cao trong cơ thể có thể dẫn đến tăng sản xuất axit uric. Điều quan trọng là kiểm tra thường xuyên mức insulin. Nếu mức insulin cao, bác sĩ có thể đề nghị thay đổi lối sống và dùng thuốc để giúp cân bằng.
Duy trì mức insulin khỏe mạnh có thể giúp giảm nồng độ axit uric, ngăn ngừa các biến chứng sức khỏe liên quan.
Mời bạn xem thêm video:
Chăm sóc hệ tiêu hóa - Cơ thể khỏe mạnh từ bên trong! | SKĐS