Người trẻ tuổi bị đau lưng, thường gặp nhất là đau thắt lưng có căn nguyên không giống với tuổi trung niên hay người cao tuổi. Những nguyên nhân thường gặp có thể do căng cơ (sai tư thế khi ngủ, mang vác vật nặng hay sai tư thế khi làm việc với máy tính, vận động quá sức…), viêm cột sống, chấn thương…
Với những trường hợp đau lưng không nghiêm trọng, bạn có thể thực hiện một số biện pháp giảm triệu chứng tại nhà.
1. Hoạt động thể chất giúp giảm đau lưng
Hầu hết mọi người đều cho rằng khi bị đau lưng thì nên nghỉ ngơi tại giường nhưng TS. TS. Tara-Lin Hollins, chuyên gia quản lý cơn đau làm việc tại phòng khám ở Ohio, Mỹ cho biết, vận động ở mức độ vừa sức giúp cơ bắp không bị cứng mà còn khỏe mạnh, linh hoạt, ít bị chấn thương hơn.
Ngoài ra, hoạt động thể chất vừa phải cũng có thể giúp quá trình chữa lành chứng đau lưng, cải thiện chức năng cột sống và ngăn ngừa tái phát. Tuy nhiên, nếu cơn đau lưng xảy ra do một chấn thương khi tập thể dục thì cần tránh thực hiện lại hoạt động đó cho đến khi cơn đau biến mất.
2. Liệu pháp chườm lạnh và chườm nóng
Ngay sau khi xuất hiện triệu chứng đau lưng, bạn có thể chườm lạnh giúp giảm sưng và viêm. Bên cạnh đó, túi chườm lạnh còn có thể giúp giảm đau bằng cách làm tê một số dây thần kinh bị đau.
Sau khoảng 48 giờ từ khi bắt đầu đau lưng, bạn có thể chườm nóng bằng cách đặt miếng đệm sưởi hoặc chai nước nóng lên lưng. Hơi ấm có tác dụng làm dịu và thư giãn các cơ đang đau nhức, tăng lưu lượng máu, giúp quá trình chữa lành. Tuy nhiên, liệu pháp nhiệt chỉ hữu ích trong tuần đầu tiên và cần thận trọng khi sử dụng cho trẻ em và người cao tuổi hay người đang ngủ.
3. Thực hiện một số bài tập yoga hỗ trợ giảm đau lưng
Một số bài tập yoga có tác dụng giãn cơ, giúp xoa dịu cơn đau lưng bạn có thể tham khảo và thực hiện hàng ngày.
3.1 Tư thế em bé giúp giảm đau lưng
- Bắt đầu ở tư thế quỳ.
- Di chuyển đầu gối sang hai bên mép thảm nhưng vẫn giữ hai ngón chân cái chạm nhau.
- Uốn cong người, áp bụng, ngực, trán xuống thảm và đưa hai cánh tay ra phía trước, qua đầu hoặc đặt xuôi theo thân.
- Giữ tư thế trong hai đến ba hơi thở chậm và sâu. Sau đó, nhẹ nhàng di chuyển trở lại tư thế quỳ.
3.2 Tư thế siêu nhân (Superman)
- Bắt đầu bằng cách nằm sấp, hai chân duỗi thẳng và hai tay duỗi qua đầu với khuỷu tay ở tai.
- Tiếp theo, kích hoạt các cơ cốt lõi và từ từ nâng cả hai cánh tay và cả hai chân thẳng lên không trung, giữ thẳng đầu gối và khuỷu tay.
- Giữ cổ ở vị trí trung lập.
- Khi đã vươn người ở vị trí cao nhất, giữ tư thế 5-7 giây trước khi từ từ hạ chân và tay xuống.
Ngoài ra, bạn có thể thực hiện các bài tập kéo giãn tập trung vào các phần khác nhau của lưng, chẳng hạn như tư thế con mèo và tư thế cây cầu có thể tập trung nhiều hơn vào chứng đau lưng dưới. Nếu bạn cảm thấy nguyên nhân đau lưng là do ngồi ở bàn làm việc nhiều giờ thì có thể thực hiện những động tác kéo giãn như cúi đầu, ngửa cổ, xoay tròn cơ cổ và xoay tròn bả vai…
4. Giảm căng thẳng
Căng thẳng có thể khiến cơ thể căng cơ một cách vô thức, bao gồm cả các cơ ở lưng, vai và cổ. Để giảm bớt đau lưng do căng thẳng gây ra và giúp thư giãn cơ bắp, bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau:
- Hít thở sâu: Khi căng thẳng, chúng ta có xu hướng thở gấp, hít thở nông. Tuy nhiên, hít thở sâu, chậm rãi 3-4 lần/ngày có thể giúp giảm căng thẳng.
- Thiền: Thực hành thiền nhằm hướng suy nghĩ đến thời điểm hiện tại, tập trung vào hơi thở trong vài phút. Khi bạn bắt đầu sao nhãng và nghĩ về điều gì khác, hãy nhẹ nhàng hướng tâm trí trở lại hơi thở để thư giãn, giảm căng thẳng.
5. Thay đổi tư thế làm việc
TS. Hollins cho biết, nếu bạn phải cúi khom người để thao tác với máy tính hay phải nheo mắt để đọc màn hình và phải ngồi cả ngày thì bạn phải thay đổi tư thế làm việc để tránh bị đau lưng. Bạn có thể thực hiện theo một số lời khuyên sau:
- Ngồi thẳng lưng sao cho đầu, vai và hông thẳng hàng.
- Đặt màn hình ngang tầm mắt để tránh nhìn lên hoặc xuống.
- Đầu gối uốn cong một góc 90 độ, bàn chân đặt phẳng trên sàn.
6. Khi nào cần đi khám bác sĩ vì đau lưng?
Hầu hết các cơn đau lưng nhẹ đều đáp ứng tốt với các biện pháp điều trị tại nhà và thay đổi lối sống, nhưng đôi khi, đau lưng lại là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý khác. Tìm kiếm sự chăm sóc y tế nếu đau lưng của bạn:
- Xuất hiện đột ngột mà không có nguyên nhân rõ ràng.
- Nghiêm trọng hoặc không thể chịu đựng được.
- Kéo dài hơn một hoặc hai ngày và không đáp ứng với thuốc giảm đau không kê đơn.
Mời bạn xem tiếp video:
Đau lưng kéo dài, đi khám phát hiện vi khuẩn lao ăn mòn đốt sống |SKĐS