5 bí quyết sống lâu hơn khi bị suy tim

09-11-2024 06:06 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Suy tim là tình trạng tim bơm máu không đủ tốt để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Suy tim có thể gây ra một số vấn đề nghiêm trọng về sức khoẻ nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Nguyên nhân gây suy tim

Suy tim thường là kết quả của một số vấn đề gây tác động lên tim cùng một lúc. Các nguyên nhân có thể dẫn đến suy tim bao gồm:

  • Bệnh động mạch vành – nơi các động mạch cung cấp máu cho tim bị tắc nghẽn do xơ vữa động mạch, có thể gây đau thắt ngực hoặc đau tim.
  • Cao huyết áp – gây áp lực cho tim, nếu dài lâu có thể gây suy tim.
  • Bệnh tim bẩm sinh – dị tật bẩm sinh gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của tim.
  • Rối loạn nhịp tim (nhanh, chậm).
  • Gặp tổn thương hoặc có vấn đề về van tim.
  • Bệnh thận.
  • Chỉ số khối cơ thể (BMI) >30.
  • Sử dụng thuốc lá, chất kích thích, bia rượu thường xuyên.
  • Đang trong quá trình điều trị ung thư bằng các phương pháp như hóa trị…

5 bí quyết sống lâu hơn khi bị suy tim- Ảnh 1.
Suy tim có thể gây ra một số vấn đề nghiêm trọng về sức khoẻ.

Suy tim có nguy hiểm không ?

Suy tim có thể gây ra một số vấn đề nghiêm trọng.

  • Tổn thương thận hoặc gan là do lưu lượng máu giảm và tích tụ chất lỏng trong các cơ quan trong cơ thể. Khi chức năng bơm máu của tim không được bình thường, cơ thể sẽ cố gắng đối phó bằng cách tăng lượng dịch trong máu.

Chất lỏng có thể tích tụ trong hoặc xung quanh phổi, mắt cá chân, chân hoặc dạ dày gây ra tình trạng phù

  • Suy dinh dưỡng do buồn nôn và sưng tấy ở bụng (khu vực xung quanh dạ dày) khiến người bệnh khó ăn. Giảm lưu lượng máu đến dạ dày có thể khiến người bệnh khó hấp thụ chất dinh dưỡng từ thức ăn hơn.
  • Các tình trạng bệnh lý về tim khác như nhịp tim không đều, hở van tim hoặc ngừng tim đột ngột có thể gây tử vong.
  • Suy tim cũng có thể gây tăng huyết áp phổi.

Điều trị suy tim

Việc điều trị suy tim phụ thuộc vào loại suy tim mà người bệnh mắc phải và nguyên nhân gây ra. Trong phác đồ điều trị, sử dụng thuốc và không sử dụng thuốc hay thay đổi lối sống luôn là phác đồ ưu tiên trong kế hoạch điều trị. Mục đích cuối cùng của việc điều trị là giảm tỷ lệ tử vong, nhập viện, ngăn chặn quá trình phát triển của bệnh và duy trì sự sống của người bệnh.

Vì vậy, ngoài việc dùng thuốc, khám sức khỏe định kỳ theo đúng chỉ định của bác sĩ, người bệnh cần chú ý những điều sau:

  • Theo dõi cân nặng hàng ngày, giám sát tình trạng sức khỏe

Hãy cân vào buổi sáng, sau khi thức dậy và trước khi ăn, cũng như sau khi đi tiểu. Sử dụng cùng một chiếc cân điện tử và mặc cùng một loại trang phục, tốt nhất là không mặc quần áo. Ghi lại cân nặng mỗi ngày, vì nếu tăng gần 0.9 kg/ngày hoặc khoảng 2-3 kg/tuần, có thể là dấu hiệu ứ dịch, có thể là dấu hiệu cần tái khám. Cảnh báo nặng là khi tăng trên 2,2 kg/ngày hoặc 3,2 kg/tuần, đi kèm với phù nhiều, khó thở khi nghỉ ngơi, và cảm giác mệt mỏi.

  • Uống đủ nước

Hãy uống khoảng 1,5-2 lít nước mỗi ngày. Sử dụng bình nước 2 lít để theo dõi lượng nước tiêu thụ và hạn chế thực phẩm mặn để kiểm soát lượng nước nạp vào cơ thể. Nên ưu tiên các loại nước không chứa caffein như nước lọc, sữa, và nước trái cây.

  • Tập thể dục thường xuyên

Thể dục không chỉ tăng cường sức mạnh cơ bắp mà còn giúp cải thiện sức khỏe tim mạch. Đi bộ là một lựa chọn tuyệt vời, người bệnh có thể bắt đầu với 5-10 phút mỗi ngày và tăng dần thời gian. Ngừng tập nếu cảm thấy mệt mỏi, hoa mắt, khó thở hay đau ngực. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ về chế độ tập luyện phù hợp.

  • Giảm lượng muối

Hạn chế tiêu thụ muối, chỉ nên nạp khoảng 1500 mg/ngày. Một muỗng cà phê muối chứa khoảng 2400 mg natri, ăn mặn sẽ giữ nước trong cơ thể dẫn đến quá tải dịch, vì vậy hãy tránh sử dụng máy lắc muối, chọn nêm thay vì chấm nước mắm, và tránh thực phẩm chế biến sẵn. Đọc kỹ nhãn mác thực phẩm và tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng.

  • Bỏ thuốc lá và rượu bia

Việc bỏ thuốc lá sẽ giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư, tim mạch và phổi. Tương tự, tránh rượu bia vì chúng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng suy tim.

5 bí quyết sống lâu hơn khi bị suy tim- Ảnh 2.
Hạn chế tiêu thụ muối trong bữa ăn hàng ngày để phòng suy tim.

Lời khuyên của bác sĩ

Suy tim là một tình trạng mạn tính hoặc có thể kéo dài đến suốt cuộc đời. Để giảm mức độ nghiêm trọng của suy tim người bệnh cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ.

Hãy dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ mà không bỏ qua bất kỳ liều nào, ngay cả khi cảm thấy khỏe hơn. Sử dụng hộp đựng thuốc chia liều và đặt ở nơi dễ nhớ, cài đặt chuông báo giờ uống thuốc.

Sau khi dùng thuốc và thay đổi lối sống, nhận thấy tình trạng bệnh không thuyên giảm, người bệnh cần hỏi ý kiến bác sĩ ngay lập tức để được đưa ra phác đồ điều trị khác phù hợp với tình trạng bệnh.

Khi nhận thấy dấu hiệu suy tim trở nặng như khó ngủ, thường thức dậy nửa đêm để thở; ho khan thường xuyên, có đờm (màu hồng nhạt hoặc lẫn máu); tay chân sưng phù, tim đập quá nhanh, quá mạnh… cần được đi thăm khám ngay.

Chế độ ăn cho người bệnh suy tim cấpChế độ ăn cho người bệnh suy tim cấp

SKĐS - Đối với người bệnh nói chung và người bệnh suy tim cấp nói riêng, một chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng có thể thúc đẩy sức khỏe tổng thể tốt dù ở bất kể mức độ nào.

BSCKI Nguyễn Thị Ngọc
Ý kiến của bạn