Có hai nguyên nhân cơ bản dẫn đến lỗi sai trong Tiếng Anh của trẻ:
Thứ nhất, đó là do ảnh hưởng của tiếng mẹ đẻ. Đây là loại lỗi khá phổ biến và dễ mắc phải trong quá trình học Tiếng Anh của trẻ. Khi học ngoại ngữ, các trẻ thường áp dụng một cách máy móc lối tư duy, cách diễn đạt cũng như cú pháp Tiếng Việt vào trong Tiếng Anh Do đó điều hiển nhiên xảy ra là trẻ sẽ dịch từng từ chứ không phải là việc sử dụng những cấu trúc câu tiếng Anh trong Tiếng Anh
Thứ hai là lỗi bất cẩn. Lỗi này không phải do trẻ không biết các quy tắc ngữ pháp mà do sự bất cẩn và chủ quan của các bé. Trẻ thường viết sai chính tả, phát âm thiếu âm cuối, âm gió. Bên cạnh đó, cũng có những trường hợp do trẻ nói mà không kịp nghĩ nên diễn đạt ý còn chưa rõ ràng.
Những lỗi này tuy khó nhưng không phải không thể sửa được. Cha mẹ hãy thử những cách sau để giúp trẻ sử dụng Tiếng Anh một cách chính xác hơn nhé.
1. Lặp lại câu đúng
Khi trẻ mắc lỗi, không nên sửa trẻ vì sửa lỗi lập tức sẽ làm trẻ chán nản, tự ti, dẫn đến ngại nói vì sợ sai. Thay vào đó, bạn hãy kiên nhẫn lặp lại bằng câu đúng để trẻ dần dần ghi nhớ và sửa theo. Cũng giống như khi học tiếng mẹ đẻ, nếu trẻ có cơ hội nghe người lớn lặp lại nội dung đó một cách chính xác thì chúng sẽ tự biết điều chỉnh cho đúng.
2. Phân loại lỗi sai
Các nhóm lỗi mà trẻ hay mắc phải bao gồm lỗi chính tả, lỗi phát âm và lỗi ngữ pháp. Bạn hãy lắng nghe trẻ nói cũng như xem bài viết của trẻ thường xuyên để tìm ra những lỗi trẻ hay mắc phải. Chỉ khi phân loại rõ ràng những lỗi này, bạn mới có thể tìm ra cách sửa cho trẻ nhanh và đúng nhất.
3. Để trẻ tự tìm lỗi sai
Hãy khuyến khích trẻ tự tìm ra lỗi sai của chính mình. Khi bé nói chưa đúng, bạn có thể nhắc “Câu vừa rồi có sai một lỗi nhỏ, con có biết ở đâu không?”. Nếu bé chưa phát hiện ra, bạn có thể gợi ý thêm “Con xem xem thì của động từ dùng như vậy đã đúng chưa?”. Khi bé đã tự nhìn nhận được lỗi sai của mình, bé sẽ biết cách tự sửa nhanh hơn, đồng thời biết rút kinh nghiệm cho lần sau đấy.
4. Cho trẻ xem sách báo, phim nước ngoài
Những lúc rảnh rỗi bạn có thể cho trẻ những mẩu truyện nhỏ trên sách báo nước ngoài hoặc những bộ phim ngắn có phụ đề Tiếng Anh. Điều này sẽ giúp trẻ tìm ra những cụm từ, cấu trúc câu đặc biệt và cách diễn đạt như người bản ngữ. Bạn cũng nên chú ý nhắc trẻ thường xuyên luyện tập để có thể sử dụng những mẫu câu đó thành thạo.
5. Động viên kịp thời
Khi trẻ có những tiến bộ, biết tránh những lỗi sai đã mắc phải thì cha mẹ cần kịp thời động viên, khen thưởng khuyến khích trẻ. Có như vậy, trẻ mới không nản lòng, càng cố gắng học và yêu thích môn Tiếng Anh hơn.