1. Nguồn năng lượng cân đối
Các nhà dinh dưỡng khuyến cáo ăn uống cân đối dưỡng chất là nền tảng duy trì bảo vệ sức khoẻ, nguồn năng lượng cân đối cụ thể như sau:
Chất bột đường (glucid) khoảng 65 - 70% năng lượng có trong gạo, ngô, khoai sắn tươi mới. Hạn chế ăn các loại ngủ cốc xay sát kỹ quá, thức ăn tinh chế để lâu vì chúng đã mất rất nhiều dưỡng chất cần thiết. Hạn chế ăn bánh kẹo, nước trái cây quá ngọt chứa đường chuyển hoá nhanh dễ gây tăng nhanh đường huyết.
Chất đạm (protein) khoảng 10 - 15% năng lượng có trong các loại đậu, trứng, sữa thịt, cá các loại... Nên ăn đạm nguồn gốc thực vật có trong đậu mè các loại; hạn chế ăn chất đạm nguồn gốc động vật vì khó hấp thu hơn đạm thực vật.
Chất béo (lipid) khoảng 10 - 15% năng lượng có nguồn gốc thực vật như dầu vừng, dầu ô liu, dầu đậu tương và mỡ cá... Đây là chất béo không bão hoà là chất béo tốt. Hạn chế ăn mỡ động vật như bò, cừu, dê và các loài động vật có vú khác chứa nhiều chất béo xấu không có lợi cho tim mạch.
Tăng cường thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất như cà rốt, bí đỏ, súp lơ; các loại rau củ quả có màu xanh đậm, đỏ đậm, vàng đậm. Vì khi tuổi cao chức năng hệ tiêu hoá kém, khó hấp thu vi chất dẫn đến dễ bị thiếu một số các vitamin nhóm B và vi chất. Người cao tuổi nên duy trì chế độ ăn nhiều rau củ quả tươi thường xuyên là rất tốt.
Chế độ ăn uống cân đối dưỡng chất là nền tảng duy trì sức khỏe cho người cao tuổi.
2. Giảm bớt gánh nặng cho hệ tiêu hóa
Khi có tuổi vận đông thể lực giảm, chức năng hấp thu, chuyển hoá đào thải kém nên người cao tuổi cần ăn giảm bớt năng lượng so với lúc còn trẻ. Ví dụ, khi còn trẻ tiêu thụ ngày khoảng 2.000 calo; tuổi 50 - 60 nên giảm khoảng 10%; tuổi 60 - 70 giảm 20%; trên 70 tuổi giảm 30%. Như vậy, khi 70 tuổi chỉ nên ăn khoảng 1.400 calo/ngày là vừa. Những người đang thừa cân, béo phì còn phải giảm bớt lượng calo hơn nữa. Cân nặng tối ưu với nam giới cao 160cm là 54kg, còn đối với của nữ cao 160cm mức cân lý tưởng là 51kg. Vượt quá mức lý tưởng trên sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh rối loạn chuyển hoá lipit và dễ mắc một số bệnh như tim mạch, huyết áp, khó ngủ, đái tháo đường...
3. Ưu tiên lựa chọn thức ăn địa phương
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tốt nhất nên chọn món ăn, thực phẩm ở địa phương, vì chúng đã được cân đối lượng kali và natri và nhiều dưỡng chất cần thiết khác. Kali và Natri là hai dưỡng chất tối quan trọng giúp cân bằng nước và điện giải, điều hòa âm dương, dẫn truyền xung động thần kinh và cơ. Hơn nữa người cao tuổi đã có thói quen ăn uống phù hợp và thích nghi thực phẩm ở địa phương từ nhiều năm trước đây.
4.Chế biến thức ăn mềm, đa dạng
Thực đơn chế biến thức ăn người có tuổi cần đa dạng, giàu dưỡng chất, chế biến dưới dạng mềm, dễ nhai, dễ nuốt, dễ tiêu hoá. Nếu ăn cháo tốt nhất nên ăn cháo đậu xanh, đậu đỏ, đậu ván, cháo mè. Món súp, món hầm tốt nhất dùng cà rốt, khoai tây, đậu, nấm các loại. Nên ăn canh rau ngót, rau dền, hoa lý, đu đủ, cải xoong, bí đao. Ăn cá quả, cá bống và các loại cá nạc ít mỡ dưới dạng nấu canh chua, ăn lẩu… Nói chung người cao tuổi nên ăn uống bổ dưỡng đa dạng, tránh tình trạng thừa chất này mà lại thiếu chất khác. Loại bỏ những thói quen ăn uống không còn phù hợp với thực tế tuổi tác và bệnh tật hiện tại, tự xây dựng cho mình những thói quen ăn uống mới, phù hợp và có lợi cho sức khoẻ.
Bữa ăn cho người cao tuổi cần giàu dưỡng chất và chế biến dạng mềm, dễ nhai, dễ tiêu hóa như các loại cháo, súp…
5. Chọn món ăn theo bệnh lý
Người có tuổi thường dễ mắc một số bệnh mạn tính như huyết áp, đái tháo đường, táo bón. Vì vậy nên lựa chọn món ăn theo bệnh lý mỗi người, cụ thể như:
Thực phẩm giúp phòng ngừa bệnh huyết áp tim mạch: cần tây, cần ta, khổ qua, dưa leo, cà chua, cà tím, ớt xanh đà lạt, hành, bí đao, khoai mỡ, khoai từ, giá đậu, rau diếp, mộc nhĩ, nấm các loại…; chuối, cam, bưởi, dưa hấu, na, đu đủ, dứa…; gạo lứt, ngô tươi, đậu mè, ngũ cốc còn nguyên vỏ lụa; tôm cua cá nhỏ nạc ít mỡ; giảm ăn mặn, giảm chất béo, giảm cay, nóng.
Chế độ nhiều rau quả tươi, ngũ cốc nguyên hạt, gạo lứt; giảm ăn mặn, chất béo, gia vị cay nóng… giúp người cao tuổi ngăn ngừa bệnh tăng huyết áp, tim mạch...
Món ăn giúp ngăn ngăn ngừa táo bón, người nóng: Nên nấu dạng canh như canh cua canh cá, thịt rau đay, mùng tơi, mướp hương, rau lang, đậu bắp, đu đủ chín; trái cây như cam, bưởi đều là vị mát nhuận tràng chữa táo bón. Nếu người gầy ốm mà táo, tốt nhất nên thường xuyên ăn mè đen, canh cua rau mùng tơi, canh mướp nấu lạc; cải xoong xào, hoa lý xào gan heo đều tốt.
Người bị đái tháo đường nên ăn món: Khổ qua xào trứng, khổ qua nhồi thịt heo nấm mèo, ốc nhồi bung chuối đậu, bí xanh hầm với thịt vịt, rau muống đỏ luộc hoặc xào, cật lợn tiềm với mộc nhĩ, rau ngót nấu canh trai, canh bông atiso lá lách lợn, canh lách lợn râu bắp…
Mướp đắng nhồi thịt, vịt nấu bí xanh... thanh mát, rất tốt cho người cao tuổi có bệnh đái tháo đường.