Nguyên nhân gây đau dạ dày phần nhiều do nội nhiệt hay ăn khô, cay nóng, lo nghĩ phiền não mà âm hư dẫn đến vị nhiệt uất kết sinh chứng đau dạ dày.
Vị nhiệt biểu hiện hay đau nóng, xót, cồn cào vùng thượng vị, ăn uống kém, đói ăn không được hoặc ăn được nhưng người vẫn gầy sút, đi cầu táo khó, khát nước, khô miệng, miệng hôi.
Phép trị chứng vị nhiệt chủ yếu thanh vị, mát huyết, sinh tân, nhuận tràng thông tiện…
Tăng cường ăn vị bổ mát, hạn chế vị khô cay nóng, tránh lo lắng căng thẳng thái quá. Vị nhiệt để lâu không chỉ gây đau dạ dày, mà còn sinh nhiều chứng liên quan hưởng xấu đến sức khỏe toàn thân.
Dưới đây là 5 bài thuốc hay chữa vị nhiệt theo đối chứng trị liệu:
1. Bài Thanh vị tán gia giảm trị đau dạ dày
Biểu hiện: Đau lâm râm thượng vị, nóng, xót, cồn cào.
Thành phần bài thuốc: Đương quy 12g, hoàng liên 12g, sinh địa 20g, đơn bì 20g, thăng ma 6g.
Cách dùng: Tán làm hoàn hoặc sắc uống. Viên hoàn bằng hạt ngô đồng. Uống 10-15 viên một lần, ngày uống 2 lần. Nếu sắc ngày sắc 1 thang, chia 2-3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.
Công dụng: Thanh vị, lương huyết, dưỡng âm, chỉ huyết… Trị chứng đau thượng vị do tích nhiệt răng, vị hỏa răng lợi viêm sưng chảy máu, miệng khô lưỡi ráo. Khi vị nhiệt được thanh, vị âm được tư dưỡng, nhờ đó mà đầy đủ bớt nóng xót, đại tràng bớt táo khó, giúp tỳ sinh huyết mà huyết hậu thiên đầy đủ, các chứng vị nhiệt miệng khô khát, cầu táo khó tự giảm.
Bài này còn dùng trị các chứng hay đau khớp hàm dây thần kinh tam thoa, đau đường kinh vị trên mặt.
Kiêng kỵ: Chứng lạnh bụng, đầy bụng, chậm tiêu, tỳ vị hư hàn không dùng.
2. Bài Sinh địa bát vật gia giảm
Biểu hiện: Ăn nhiều, gầy sút, ăn được mà vẫn gầy sút cân, cầu táo khó.
Thành phần bài thuốc: Sinh địa 30g, đơn bì 16g, hoài sơn 16g, mạch môn 14g, tri mẫu 12g, hoàng cầm 10g, hoàng bá 12g, hoàng liên 10g.
Cách dùng: Làm hoàn hoặc sắc uống. Viên hoàn bằng hạt ngô đồng. Uống 10-15 viên một lần, ngày uống 2 lần. Nếu sắc ngày sắc 1 thang, chia 2-3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.
Tác dụng: Thanh vị, dưỡng âm, giáng hỏa… trị chứng vị nhiệt âm hư hỏa vượng. Khi vị nhiệt được thanh, vị âm được tư dưỡng, các chứng thượng vị nóng cồn cào, chứng liên quan vị nhiệt đều giảm…
Bài này dùng trị cho chứng trung tiêu vị nhiệt, ăn nhiều, mau đói, người gầy sút, cầu táo khó, vốn có bệnh đái tháo đường.
Kiêng kỵ: Chứng hư hàn, ăn lạnh hay đi tiêu lỏng, tay chân hay lạnh.
3. Bài Thanh nhiệt cứu âm tiễn gia giảm
Biểu hiện: Cầu táo khó, da khô nổi mụn, trẻ em nóng nhiệt gầy gò.
Thành phần bài thuốc: Sinh địa 20g, tri mẫu 12g, thạch cao 14g, thiên hoa phấn 14g, mạch môn 12g, nhân sâm 10g, xích thược 12g, đơn bì 12g, kim ngân 12g, liên kiều 12g.
Cách dùng: Sắc uống. Ngày uống 1 thang, chia 2-3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.
Tác dụng: Thanh nhiệt sinh tân, nhuận tràng thông tiện... Trị chứng vị nhiệt cầu táo khó, miệng khô, môi khô nứt, miệng lở, chứng can nhiệt, da khô, nổi mụn nhọt, đau dây thần kinh tam thoa.
Kiêng kỵ: Chứng vị hàn bị lạnh bụng đi cầu, chậm tiêu không dùng.
4. Bài Lục vị địa hoàng gia giảm
Biểu hiện: Ăn được nhưng người gầy khô khan "vị nhiệt âm hư".
Thành phần bài thuốc: Sinh địa 20g, hoài sơn 18g, đơn bì 18g, sơn thù 14g, phục linh 12g, trạch tả 10g, mạch môn 14g, thiên hoa phấn 16g.
Cách dùng: Làm hoàn hoặc sắc uống. Viên hoàn bằng hạt ngô đồng. Uống 10-15 viên một lần, ngày uống 2 lần. Nếu sắc ngày sắc 1 thang, chia 2-3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.
Tác dụng: Bổ âm, dưỡng huyết, sinh tân dịch… Bài chủ yếu bổ thận âm dưỡng can huyết. Khi thận âm bổ dưỡng thì vị âm được trợ giúp, các đau, nóng, xót, cồn cào vị nhiệt tự giảm. Bài này còn dùng chữa trị nhiều chứng bệnh liên quan 5 tạng âm hư nội nhiệt suy nhược.
Kiêng kỵ: Tỳ vị yếu dễ đi tiêu chảy, tay chân lạnh nên kiêng.
5. Bài Trúc diệp thạch cao thang
Biểu hiện: Vị nhiệt nôn ọe sau cảm sốt "ngoại tà tổn thương vị âm".
Thành phần bài thuốc: Trúc diệp 20g, gạo tẻ 30g, mạch môn 10g, nhân sâm 10g, thạch cao 20g, bán hạ chế 10g, cam thảo 6g.
Cách dùng: Ngày uống một thang, sắc uống 3 lần trong ngày.
Công dụng: Thanh nhiệt, dưỡng vị, sinh tân chỉ khát; chữa chứng vốn vị nhiệt sau bị cảm sốt, nhiệt chưa thanh hết, khí âm đều bị thương tổn, nôn ọe, miệng khô, môi se. Phương thuốc vừa thanh nhiệt, có bổ chính và dùng sau khi sốt cao, có khí và âm đều hư, người sốt ra mồ hôi không hết, vị khí không hòa giáng. Bài này còn dùng chữa tiêu khát (đái tháo đường), chứng trúng nắng thử nhiệt, trẻ em sốt mùa hè miệng loét, chứng viêm phổi, viêm dạ dày liên quan vị nhiệt.
Kiêng kỵ: Chứng tỳ vị hư hàn hay lạnh bụng đi tiêu chảy.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Vaccine Pfizer và Moderna có thể gây những phản ứng phụ nào cho trẻ 5-11 tuổi?