1. Đặc điểm của rau rút
Rau rút còn gọi là rau nhút, rau dút, quyết thái, thủy hồ điệp... tên khoa học là Neptunia oleracea Lour (N. prostrata Bail).
Rau rút là loại cây thảo, sống ở nước. Thân ngầm, mọc bò, nổi ngang mặt nước. Quanh thân có phao xốp, màu trắng, bén rễ ở các mấu. Lá mọc so le, kép lông chim hai lần. Lá chét nhiều, nhỏ, xếp đều đặn, sít nhau từng đôi một, cuống dài, gấp khúc ở gốc.
Lá rau rút thường khép lại nhanh chóng khi đột ngột chạm vào (do nước rút nhanh từ phiến lá chét vào cuống lá). Hoa hợp thành đầu, màu vàng; đài hình chuông; tràng 5 cánh rời nhau; nhị 10; bầu nhẵn; quả chứa 6 hạt dẹt, nhẵn.

Rau rút được sử dụng làm thuốc chữa bệnh.
Rau rút là cây trồng chỉ sống được ở nước, ưa sáng và thường được trồng theo kiểu thả bè ở các ao, hồ, đầm. Cây sinh trưởng mạnh trong mùa hè nhờ hệ thống rễ chùm đặc biệt phát triển, cây có thể hút các chất vô cơ và hữu cơ hòa tan trong nước. Cây rau rút sinh chồi khỏe, ngắt ngọn chỉ cần sau 7-10 ngày, lại đã có thể thu hoạch lứa khác tiếp theo.
2. Bài thuốc có sử dụng rau rút
2.1. Rau rút chữa sốt cao, khó ngủ, nóng ruột, tim hồi hộp: Rau rút 10-15 ngọn nhặt bỏ rễ và lớp phao trắng bên ngoài, rửa sạch, để ráo, giã lấy nước cốt uống hoặc ăn rau rút nấu với khoai sọ, cua đồng.
2.2. Rau rút chữa bướu cổ: Rau rút 30g, cải trời 20g, mạch môn 15g, sinh địa 15g, sài hồ 8g, kinh giới 8g, xạ can 8g; sắc uống hoặc dùng rau rút ăn hàng ngày, ăn liền một tháng.
2.3. Rau rút trị tiểu buốt, tiểu khó, đại tiện táo: Rau rút khô 200g, sắc với 400ml nước còn 200ml, uống trong ngày, hoặc ăn rau rút sống, hái lấy ngọn non, nhặt bỏ rễ và lớp phao trắng bên ngoài, rửa sạch, để ráo, ăn cả cọng lẫn lá, như các loại rau tươi khác.
2.4. Rau rút chữa nóng trong sinh mụn nhọt, chảy máu cam: Rau rút 1 mớ, tuốt bỏ phần bông trắng, rễ, chỉ giữ lại phần thân và ngọn, rửa sạch, đổ ngập nước, sắc uống thay trà hàng ngày.
2.5. Rau rút chữa đau răng, đau xương khớp: Rau rút tươi, lượng vừa đủ, làm sạch, để ráo, giã nát, lọc lấy nước cốt để ngậm, súc miệng hoặc nhai, đắp trực tiếp lên các khớp bị đau hàng ngày giúp kháng viêm, diệt khuẩn và giảm đau.
Mời bạn xem thêm video:
Có nên uống trà thảo dược giảm mỡ máu? | SKĐS