5 bài tập tốt cho người ung thư bàng quang

10-06-2024 14:36 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Các bài tập rèn luyện thể chất rất tốt cho người ung thư bàng quang, tuy nhiên người bệnh cần được bác sĩ tư vấn bài tập, phương pháp tập phù hợp với thể trạng của mình.

1. Vai trò của tập luyện đối với người ung thư bàng quang

Ung thư bàng quang là một bệnh thường gặp trong các loại ung thư của hệ tiết niệu. Tần suất bệnh gặp ở nam giới nhiều hơn nữ giới. Đa số ung thư bàng quang xuất phát từ tế bào biểu mô chuyển tiếp.

Ở Việt Nam số người mắc bệnh ung thư bàng quang có xu hướng tăng cao. Yếu tố nguy cơ gây bệnh thường gặp là do hút thuốc, bệnh nghề nghiệp, chất lượng nước uống và lượng nước uống.

Ngoài ra, cafe, chế độ ăn, tiền sử gia đình là những yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang.

Ung thư bàng quang ở giai đoạn sớm triệu chứng lâm sàng thường nghèo nàn, bệnh nhân thường vào viện vì đái máu, đái buốt, đái rắt, đau vùng tiểu khung, luôn có cảm giác mót tiểu hoặc tiểu không kiềm chế được.

Bên cạnh đó, có thể gặp một số các triệu chứng toàn thân như gầy sút, thiếu máu, da xanh, niêm mạc nhợt.

Việc chẩn đoán ung thư bàng quang chủ yếu dựa vào siêu âm và nội soi bàng quang.

Phương pháp điều trị chủ yếu là cắt u qua nội soi kết hợp với bơm hóa chất tại chỗ.

Việc mất đi bàng quang sẽ ảnh hưởng tới chất lượng sống của người bệnh, tuy nhiên hiện nay cũng đã có những phương pháp điều trị mới phần nào hỗ trợ cho người bệnh ung thư bàng quang có được cuộc sống chất lượng hơn như: Phẫu thuật cắt bàng quang bán phần, hay tạo hình bàng quang bằng ruột…

Tuy nhiên những phương pháp điều trị này cũng bộc lộ nhiều tồn tại, nhất là ảnh hưởng đến tâm lý và cuộc sống cho người bệnh sau phẫu thuật như đau đớn, mất tự tin, ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày, mệt mỏi, suy nhược cơ thể…

Cơ thể bệnh nhân ung thư thường gặp rất nhiều các triệu chứng khó chịu, đặc biệt đang trong giai đoạn hóa xạ trị thường gặp các biểu hiện như: Buồn nôn, nôn, khó ngủ, mệt mỏi, rụng tóc…

Một chế độ dinh dưỡng phù hợp và một số bài tập nhẹ nhàng sẽ giúp cho người bệnh giảm bớt sự mệt mỏi, cải thiện chất lượng cuộc sống và đẩy nhanh quá trình hồi phục của bệnh.

Khi tập luyện thể dục sẽ giúp cơ thể thúc đẩy quá trình trao đổi chất và kích thích tái tạo tế bào mới. Ngoài ra, các bài tập còn làm kiểm soát tốt áp lực bàng quang và cải thiện tốt các triệu chứng của bệnh nhân như tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu khó.

Các bài tập tập trung vào tăng sức mạnh của các cơ cốt lõi như cơ hông, cơ sàn chậu… từ đó làm giảm tình trạng mót tiểu, tiểu tiện không tự chủ ở bệnh nhân ung thư bàng quang.

5 bài tập tốt cho người ung thư bàng quang- Ảnh 1.

Các giai đoạn của ung thư bàng quang.

2. Các bài tập tốt cho người ung thư bàng quang

Bài tập 1: Bài tập kìm nén và kiểm soát tiểu gấp

- Cách thực hiện:

+ Ngồi xuống nếu được, hít thở sâu và thư giãn.

+ Làm xao lãng cảm giác muốn tiểu thông qua việc suy nghĩ điều khác, chơi trò chơi dùng trí óc, đếm số…

+ Chủ động co thắt cơ đáy chậu vừa phải và giữ khoảng 10 giây (hoặc co thắt mạnh và nhanh 5 - 6 lần).

- Tác dụng của bài tập: Người bệnh ung thư bàng quang thường gặp tình trạng đi tiểu nhiều lần trong ngày, đái xong lại mót đi ngay, gấp vội, đứng ngồi không yên, lo lắng bồn chồn.

Bài tập này giúp ngăn chặn sự giãn nở của cơ thắt niệu đạo trong, tránh để nước tiểu đi xuống niệu đạo. Việc chạy vội đi tiểu là điều không nên vì sẽ làm tăng áp lực trong ổ bụng, do đó càng dễ kích thích bàng quang co bóp dẫn đến són tiểu, tiểu gấp hơn.

Thay vào đó hãy ngồi xuống và thực hiện bài tập này để kiểm soát tốt áp lực trong bàng quang, giúp kìm nén và kiểm soát tiểu tiện hiệu quả.

Bài tập 2: Bài tập co thắt cơ sàn chậu

- Cách thực hiện:

+ Bệnh nhân có thể tự tập cơ sàn chậu, động tác tương tự như thót hậu môn để tránh xì hơi hoặc thót cơ để ngắt cục phân khi đi đại tiện. Lưu ý không gồng cơ bụng hoặc cơ vùng chân khi tập cơ sàn chậu.

+ Thông thường bài tập cần thực hiện 3 lần/ngày, mỗi lần làm khoảng 15 nhịp, mỗi nhịp thót cơ khoảng 10 giây và nghỉ khoảng 10 giây.

Hoặc có thể tập theo phương pháp Kegel như sau:

+ Ngồi trên ghế hoặc nằm trên sàn nhà, cơ mông và bụng hoàn toàn được thả lỏng

+ Khi bàng quang trống rỗng, siết chặt các cơ sàn chậu trong 5 giây và thư giãn trong 5 giây.

+ Lặp lại trình tự này 5 lần vào ngày đầu tiên.

+ Khi đã tự tin hơn với bài tập, hãy tăng lên 10 giây co cơ và 10 giây thư giãn, lặp lại 10 - 15 lần cho một lần tập như vậy ở những ngày tiếp theo.

- Tác dụng: Bệnh nhân ung thư bàng quang thường gặp tình trạng đau vùng tiểu khung và luôn có cảm giác mót tiểu hoặc tiểu không tự kiềm chế được. Cơ sàn chậu có vai trò giữ cho nước tiểu trong bàng quang không bị rỉ ra ngoài, người bệnh ung thư bàng quang thường có cơ sàn chậu suy yếu sẽ hay bị són tiểu, tiểu không tự chủ, không kiểm soát được dòng chảy của nước tiểu.

Bài tập này tập trung làm tăng sức mạnh của các cơ sàn chậu, giúp cải thiện các triệu chứng trên một cách hiệu quả.

5 bài tập tốt cho người ung thư bàng quang- Ảnh 2.

Tư thế xếp cánh bướm.

Bài tập 3: Tư thế ngồi xổm

- Cách thực hiện:

+ Đứng thẳng, hai chân rộng bằng vai. Hai tay chắp trước ngực.

+ Từ từ nhấn hông xuống giống ngồi xổm, các ngón chân xoay hơi hướng ra hai bên.

+ Cố gắng giữ cho bàn chân của bạn cố định trên mặt đất.

+ Đẩy cùi chỏ vào đầu gối để giúp bạn thẳng cột sống. Hít vào sâu và thở ra.

+ Giữ tư thế này trong vòng 15 - 30 giây và tăng thời lượng lên nếu bạn có thể.

+ Kết thúc tư thế bằng cách đứng lên, hai tay buông xuống hai bên, thả lỏng.

- Tác dụng: Bài tập này tốt cho phần lưng, chân, đầu gối dưới, giữ cho vùng cơ sàn chậu luôn khỏe mạnh, từ đó bàng quang giữ được nước tiểu tốt hơn; giúp mở khớp háng, hông; tăng cường sự trao đổi chất trong cơ thể, kiểm soát lượng nước tiểu bài tiết ra hợp lý.

Bài tập 4: Tư thế xếp cánh bướm

- Cách thực hiện:

+ Ngồi trên sàn hoặc thảm, duỗi thẳng chân về phía trước.

+ Thở ra, dần dần gập đầu gối, kéo gót chân hướng phần xương chậu càng sát càng tốt, 2 lòng bàn chân úp vào nhau, đầu gối hướng về phía 2 bên. Không ép đầu gối xuống sàn.

+ Điều chỉnh tư thế để bạn thoải mái nhất có thể. Thẳng lưng.

+ Thở đều, có thể nâng lên, hạ xuống 2 chân dập dình như cánh bướm. Giữ tư thế trong 1 - 5 phút.

- Tác dụng: Bài tập này giúp máu lưu thông đến toàn bộ cơ thể, đặc biệt là vùng xương chậu cung cấp oxy đầy đủ hơn, từ đó kích thích thận, tuyến tiền liệt, các cơ quan như bàng quang và các cơ quan trong ổ bụng làm việc tốt hơn, làm giảm áp lực bàng quang, từ đó kiểm soát dòng tiểu ở bệnh nhân ung thư bàng quang hiệu quả.

Bài tập 5: Tư thế cây cầu

- Cách thực hiện:

+ Nằm ngửa, 2 tay đặt sang hai bên, gập đầu gối, khoảng cách giữa gót chân và cơ mông là một khoảng tầm 20cm, khoảng cách giữa 2 bàn chân nên để rộng bằng vai.

+ Hít sâu, nâng lưng của bạn lên và cảm nhận sự căng cơ ở hông, lưng, cổ. Hai tay đan vào nhau.

+ Giữ tư thế tầm 15 - 30 giây hoặc lâu hơn, trong lúc này nên thở đều và chậm.

+ Kết thúc bằng cách từ từ hạ hông xuống, thở chậm, sâu và thư giãn.

+ Nên lặp lại động tác khoảng 3 - 5 lần.

- Tác dụng: Bài tập này có tác dụng siết chặt cơ vùng mông, tăng cường sức mạnh cơ sàn chậu và cơ thắt bàng quang hiệu quả, giúp người bệnh ung thư bàng quang kiểm soát được triệu chứng tiểu không tự chủ, tiểu rắt.

3. Những lưu ý khi tập luyện

  • Trước mỗi buổi tập nên dành ra 10-15 phút để khởi động và làm nóng cơ thể bằng cách xoay các cơ, các khớp thật kỹ càng để đảm bảo an toàn và tránh những chấn thương.
  • Nếu thời gian đầu thấy khó khăn khi luyện tập, có thể sử dụng một miếng đệm chặn bên dưới mông để hỗ trợ.
  • Phối hợp nhịp thở trong các bài tập, hơi thở có vai trò rất quan trọng. Phải phối hợp với hít thở sâu, đều, chậm để lấy được dung lượng oxy nhiều nhất có thể vào phổi.
  • Nếu bệnh nhân bị ung thư di căn xương cần thực hiện các bài tập ít tác động và thực hiện một cách nhẹ nhàng, không gắng sức mạnh.
  • Thực hiện các động tác chậm rãi để cơ thể kịp thích ứng.
  • Tập luyện mỗi ngày trong khoảng 20 - 30 phút là lý tưởng.
  • Chọn thời điểm tập luyện phù hợp với cơ thể, không tập khi đói hoặc no bụng.
  • Tập luyện phù hợp với sức khỏe và thể trạng cá nhân, mức độ bệnh và giai đoạn bệnh.
  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh: Chế độ ăn hợp lý, kết hợp tập luyện đúng cách sẽ giúp cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần một cách hoàn hảo nhất.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Các yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh ung thư bàng quang.


BSNT. Phan Bích Hằng
Trường Đại học Y Hà Nội
Ý kiến của bạn