Evan Soroka, nhà trị liệu người Mỹ cho biết, các bài tập điều trị bệnh thần kinh ngoại vi ở bàn chân giúp máu lưu thông trơn tru qua bàn chân, giải phóng các cơ bị căng mà vẫn giữ đôi chân thoải mái.
1. Lợi ích của việc tập thể dục đối với bệnh thần kinh ở bàn chân
1.1 Giúp kiểm soát lượng đường trong máu
Theo The Foundation for Peripheral Neuropathy, đái tháo đường là nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh thần kinh ngoại biên. Nếu lượng đường trong máu không được kiểm soát, có thể làm tăng tốc độ tiến triển của bệnh thần kinh ngoại vi.
Do đó, việc tập thể dục với người bệnh đái tháo đường là một phần quan trọng trong việc kiểm soát đường huyết và hỗ trợ quá trình điều trị bệnh thần kinh.
1.2 Có thể làm giảm đau cơ
Các bài tập như yoga có thể giúp giảm chuột rút và giảm đau cơ thường liên quan đến bệnh thần kinh. Nếu bạn đang phải vật lộn với sự khó chịu ở bàn chân, thì một số động tác kéo giãn phần dưới cơ thể có thể giúp ích.
1.3 Hỗ trợ xây dựng cơ bắp và sự cân bằng
Mất và yếu cơ là một triệu chứng phổ biến của bệnh thần kinh ngoại vi, đặc biệt ở bàn chân, mắt cá chân và cẳng chân. Thực hiện các động tác tập thể dục có tác dụng giúp xây dựng sức mạnh cơ bắp và sự cân bằng, làm giảm nguy cơ té ngã và chấn thương.
1.4 Có thể cải thiện sức khỏe thần kinh
Trong một số trường hợp, tập thể dục thậm chí có thể giúp cải thiện sức khỏe thần kinh. Đối với những người mắc bệnh thần kinh ở bàn chân liên quan đến bệnh tiểu đường, tập thể dục có thể giúp cải thiện chức năng thần kinh và giảm đau, tê.
1.5. Làm giảm căng thẳng và giúp ngủ ngon
Tập thể dục cũng là một cách hiệu quả để kiểm soát căng thẳng. Bên cạnh đó, vận động cơ thể mỗi ngày thực sự có thể giúp thúc đẩy giấc ngủ ngon hơn. Tập thể dục không chỉ làm giảm căng thẳng mà còn có thể giúp bạn thư thái hơn.
2. Các động tác tập cho đôi chân
Động tác 1: Lăn bóng
- Đứng sau hoặc ngồi trên một chiếc ghế
- Đặt quả bóng (bóng tennis hay bất kỳ quả bóng cỡ vừa nào) xuống đất và giẫm lòng bàn chân lên quả bóng. Giữu lưng thẳng.
- Lăn quả bóng qua lại giữa hai mép ngoài của bàn chân.
- Thực hiện trong một hoặc hai phút.
- Đổi chân.
Lăn bóng.
Động tác 2: Cuộn mắt cá chân
- Ngồi trên mép ghế với hai chân đặt trên sàn.
- Bắt chéo mắt cá chân phải qua đầu gối trái.
- Xoay tròn cổ chân trái theo hướng ngược chiều kim đồng hồ.
- Sau khoảng 30 giây, chuyển hướng.
- Sau khi bạn hoàn thành 60 giây trên mắt cá chân phải, hãy đổi bên.
Động tác 3: Căng duỗi bàn chân
- Ngồi trên sàn với hai chân duỗi thẳng trước mặt.
- Căng các đầu ngón chân về phía trước, áp ngón chân xuống sàn, nếu được.
- Giữ ở đây trong một vài hơi thở.
- Đảo ngược chuyển động và kéo căng các đầu ngón chân về phía cơ thể.
- Luân phiên trong khoảng 60 giây.
Căng duỗi bàn chân.
Động tác 4: Lăn bóng
- Ngồi trên sàn với chân phải duỗi thẳng hoàn toàn, gập đầu gối trái với bàn chân trái đặt trên sàn, hai tay chống phía sau lưng.
- Đặt một quả bóng cỡ vừa hoặc bóng tennis dưới bắp chân phải.
- Sử dụng tay để giữ thăng bằng, nâng mông khỏi sàn, lăn quả bóng lên xuống theo chiều dài của bắp chân, dừng lại ở những điểm chật hẹp như kheo chân.
- Lăn bắp chân phải trong 60 giây rồi đổi bên.
Lăn bóng.
Động tác 5: Co gập chân dưới
- Nằm trên mặt đất với đầu gối cong, bàn chân đặt trên sàn.
- Nâng chân phải thẳng lên trần, đưa hai tay ôm lấy đùi phải.
- Xoay mắt cá chân theo chiều kim đồng hồ.
- Thực hiện đưa chân lên và hạ xuống. Sau 30 giây, đổi hướng xoay mắt cá chân.
- Sau 60 giây, đổi bên.
Căng gập chân.
3. Lưu ý
Khi điều trị bệnh thần kinh ngoại vi, tốt nhất bạn nên tuân theo kế hoạch điều trị của bác sĩ trị liệu. Thông thường, một kế hoạch điều trị có thể bao gồm các bài tập kéo dài và cân bằng, tập thể dục nhịp điệu và rèn luyện sức mạnh.
Tuy nhiên, khi di chuyển, hãy tập trung vào các bài tập không gây nhiều áp lực lên đôi chân. Khi rèn luyện sức mạnh, tránh xa các bài tập thể hình nhằm giữ cho đôi chân thoải mái và nên chọn các bài tập ngồi nếu bàn chân đang trong giai đoạn nặng của bệnh gây khó khăn khi đứng.
Mời bạn xem tiếp video:
4 sai lầm khi ăn cơm có thể khiến bạn mắc bệnh dạ dày| SKĐS