4,9 triệu người sống với HIV

23-11-2013 11:49 | Thời sự
google news

Ước tính năm 2012 có 4,9 triệu người sống với HIV ở châu Á–Thái Bình Dương. Hơn 90% tổng số người sống với HIV và số nhiễm mới trong khu vực đang sống tại 12 quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Ước tính năm 2012 có 4,9 triệu người sống với HIV ở châu Á–Thái Bình Dương. Hơn 90% tổng số người sống với HIV và số nhiễm mới trong khu vực đang sống tại 12 quốc gia, trong đó có Việt Nam. UNAIDS kêu gọi chú trọng nhiều hơn đến các nhóm nguy cơ cao và dịch ở các địa phương và đầu tư thông minh hơn cho phòng, chống AIDS trong khu vực.

Nam quan hệ tình dục đồng giới làm gia tăng nhanh HIV trong khu vực.

Báo cáo mới của UNAIDS khu vực châu Á – Thái Bình Dương cho thấy, số người tiếp cận được các dịch vụ HIV trong toàn khu vực đã tăng nhanh hơn bao giờ hết. Tuy vậy, việc chưa chú trọng thích đáng đến các nhóm nguy cơ cao và các địa phương có dịch nặng đồng nghĩa với việc hầu hết các quốc gia trong khu vực chưa có các bước tiến đủ nhanh để thực hiện các mục tiêu toàn cầu về dự phòng HIV, điều trị, chăm sóc và hỗ trợ.

Ông Steve Kraus, Giám đốc UNAIDS khu vực châu Á – Thái Bình Dương nhấn mạnh: “Chúng ta cần tăng tốc gấp đôi so với hiện nay để duy trì những thành quả đã đạt được, hướng tới những kết quả mới, và thực hiện các mục tiêu toàn cầu về phòng chống AIDS. Tập trung nhiều hơn vào việc đầu tư một cách thông minh cho những nơi cần nhất và cho những chương trình có thể với được tới những người cần được hỗ trợ nhất. Các nhóm người sống với HIV và có nguy cơ cao lây nhiễm HIV phải tiếp tục là trọng tâm của ứng phó với AIDS trong khu vực.”
 
Những xu hướng mới nổi
 
Theo báo cáo mới công bố, ước tính năm 2012 có 4,9 triệu người sống với HIV ở châu Á – Thái Bình Dương. Hơn 90% tổng số người sống với HIV và số nhiễm mới trong khu vực đang sống tại 12 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tính trong toàn khu vực, số người nhiễm mới HIV đã giảm 26% kể từ năm 2001. Nhưng các dịch HIV mới nổi đang ngày càng hiển hiện: từ năm 2001 đến năm 2012, số người nhiễm mới ở In-đô-nê-xia đã tăng lên 2,6 lần; ở Pakistan là 8 lần và ở Phi-líp-pin là hơn 2 lần. Ở nhiều quốc gia, tỷ lệ nhiễm HIV tại một số địa phương và trong các nhóm nguy cơ vẫn giữ ở mức cao, kể cả ở những quốc gia có tỷ lệ nhiễm trung bình trên toàn quốc đang giảm xuống.
 
4,9 triệu người sống với HIV 1
Ảnh minh họa.
Số người được điều trị kháng HIV trong khu vực đã tăng lên đến 1,25 triệu vào cuối năm 2012. Số người tử vong do AIDS đã giảm 18% kể từ năm 2005, xuống còn 270.000 người trong năm 2012, phần lớn do số người được điều trị đã tăng lên. Tuy vậy, đến năm 2012 vẫn còn gần một nửa số người đủ tiêu chuẩn tham gia điều trị trong khu vực vẫn chưa được điều trị và tỷ lệ tiếp cận điều trị liên tục tăng trong các năm trước đang giảm xuống (tỷ lệ này tăng 20% trong năm 2010-2011 nhưng chỉ còn 13% trong năm 2011-2012).
 
Số nhiễm mới trong trẻ em đã giảm 28% kể từ năm 2001. Tuy nhiên, độ bao phủ của các dịch vụ dự phòng các ca nhiễm mới ở trẻ em còn thấp, chỉ đạt 19%.
 
Nam quan hệ tình dục đồng giới làm gia tăng nhanh HIV
 
Theo báo cáo này, các ca nhiễm mới trong khu vực vẫn tập trung trong các nhóm có nguy cơ cao: những người bán và mua dâm, người tiêm chích ma túy, nam quan hệ tình dục đồng giới và người chuyển giới. Ở Việt Nam, những người tiêm chích ma túy chiếm phần lớn trong tổng số người sống với HIV, với tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm này ở mức 11%. Hai trong ba tỉnh thành có số người sống với HIV cao nhất và tỷ lệ nhiễm HIV cao nhất cả nước trong năm 2012 là Thái Nguyên và Điện Biên - các tỉnh có dịch HIV do tiêm chích ma túy chi phối.
 
Các dịch HIV tiến triển nhanh nhất trong khu vực là dịch trong các nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới. Dịch trong các nhóm này tập trung điển hình tại các đô thị lớn, với ít nhất 10 đô thị ở châu Á có tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới cao hơn 10%. Ở Việt Nam, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm này cao nhất lên tới 19,8% vào năm 2009, với  TP.Hồ Chí Minh là 14%.
 
Hầu hết các chương trình can thiệp nhằm dự phòng lây nhiễm HIV cho các nhóm nguy cơ cao và bạn tình của họ đều là chương trình nhỏ và có độ bao phủ hẹp. Ước tính chi tiêu cho dự phòng trong các nhóm có nguy cơ cao chỉ chiếm 8% tổng chi tiêu cho phòng chống AIDS trong khu vực.
 
Một số quốc gia trong khu vực đã tiến được những bước dài trong việc giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với những người sống với HIV. Từ năm 2010 đến nay có 10 quốc gia đã cải tổ khung pháp lý thông qua việc điều chỉnh và bãi bỏ một số luật và chính sách ảnh hưởng tiêu cực đến người nhiễm HIV và người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV. Năm 2012, Việt Nam đã chấm dứt việc đưa người bán dâm vào các trung tâm chữa bệnh – giáo dục – lao động xã hội. 
 
Chưa huy động đủ nguồn lực ứng phó với HIV/AIDS

Năm 2012, chi tiêu công cho phòng chống AIDS từ nguồn trong nước trên toàn khu vực đạt khoảng 1,3 tỷ đô-la, tương đương 59% tổng chi tiêu cho AIDS trong khu vực trong năm này. Trong số những quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi HIV, Ma-lai-xia đã chi 97% tổng chi tiêu của chương trình phòng chống AIDS quốc gia, còn Trung Quốc chi 88% và Thái Lan chi 85%. Ở Việt Nam, Thủ Tướng Chính Phủ mới đây đã phê duyệt đề án bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2013-2020.
 
Ước tính tổng chi tiêu cho phòng chống AIDS trong khu vực (gồm cả nguồn trong nước và quốc tế) năm 2012 là 2,2 tỷ đô-la, tăng 5% so với năm 2011. Mặc dù đã có những bước tiến này, ứng phó với AIDS trong khu vực vẫn chưa huy động được đủ nguồn lực cần thiết. Để tới năm 2015 thực hiện được mục tiêu về đầu tư hàng năm cho phòng chống AIDS đối với các nước thu nhập thấp và trung bình trong khu vực, UNAIDS ước tính cần huy động được 5,4 tỷ đô-la, nhiều hơn 3,2 tỷ so với chi tiêu trong năm 2012. Cùng với việc cần huy động thêm nguồn lực đầu tư cho phòng chống AIDS, khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng cần nhiều nỗ lực hơn để đảm bảo nguồn lực được đầu tư vào những chương trình can thiệp tạo ra nhiều tác động nhất.

Dương Hải


Ý kiến của bạn