Hà Nội

48 tỉnh đồng ý khôi phục hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh bằng xe ô tô

19-10-2021 14:19 | Doanh nghiệp

SKĐS - Bộ GTVT vừa có báo cáo gửi Chính phủ về công tác triển khai thực hiện tổ chức hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh bằng ô tô, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Theo Bộ GTVT, giai đoạn áp dụng thí điểm từ ngày 13/10 đến hết ngày 20/10/2021: Thực hiện tối thiểu 5% và tối đa không vượt quá 30% số chuyến trong 7 ngày và có giãn cách chỗ trên phương tiện (không áp dụng giãn cách đối với xe giường nằm. Đối với các địa phương nguy cơ thấp và bình thường đến địa phương/khu vực có nguy cơ tương đương thì tổ chức hoạt động vận tải bình thường.

Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam và theo báo cáo của các Sở GTVT đến thời điểm hiện tại đã có 48 địa phương được UBND tỉnh đồng ý cho thực hiện khôi phục hoạt động tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh bằng xe ô tô; 15 địa phương Sở GTVT đã báo cáo UBND tỉnh kế hoạch khôi phục lại tuyến.

Trong quá trình xây dựng dự thảo Hướng dẫn tạm thời, Bộ GTVT nhận thấy có một số vướng mắc như: Yêu cầu đối với lái xe, phụ xe phải tiêm đủ liều vaccine là khó thực hiện, bởi vì thực tế lái xe, phụ xe, nhân viên phục vụ trên xe ở hầu hết các địa phương đều mới được tiêm 1 liều vaccine phòng COVID-19, tỷ lệ tiêm đủ liều (thẻ xanh trên Sổ sức khỏe điện tử/PC - COVID hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vaccine của cơ quan có thẩm quyền) còn thấp .

Tâm lý hành khách còn e ngại, lo lắng nên chưa tự tin đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng; mặt khác nhiều địa phương còn có quy định quá chặt chẽ việc xét nghiệm, cách ly đối với hành khách về địa phương.

48 tỉnh đồng ý khôi phục hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh bằng xe ô tô  - Ảnh 1.

Bến xe Giáp Bát (Hà Nội) sẵn sàng trở lại hoạt động sau thời gian dài “cửa đóng, then cài”.

Trong thời gian hoạt động thí điểm và trong quá trình khai thác tuyến, việc kiểm soát hành khách lên xuống xe dọc đường còn gặp nhiều khó khăn, các phương tiện vận tải còn tồn tại tình trạng đón, trả khách dọc đường, không đúng tại các điểm dừng nghỉ.

Theo Nghị quyết 128/NQ-CP quy định các tỉnh thành phố xác định cấp độ dịch trên địa bàn, tuy nhiên việc công bố cấp độ dịch tại các địa phương còn chưa kịp thời, đến nay mới chỉ có một số tỉnh, thành phố (Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Cao Bằng, Đồng Nai, Quảng Ninh, Quảng Trị, Vĩnh Phúc, Long An, Cần Thơ...) nên dẫn đến việc tổ chức hoạt động vận tải hành khách tại địa phương còn lúng túng, khó khăn trong việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tương ứng với hoạt động vận tải theo quy định. Mặt khác việc công bố cấp độ dịch chưa có tổng hợp chung trên toàn quốc mà mỗi tỉnh công bố tại một trang web riêng, gây khó khăn cho đơn vị kinh doanh vận tải trong việc theo dõi và cập nhật thông tin để có phương án hoạt động phù hợp.

Do điều kiện hành khách khi đi xe phải đảm bảo các quy định tại Quyết định 1777/QĐ-BGTVT nên tại một số tỉnh, đặc biệt là các tỉnh nhỏ, số lượng người được tiêm vaccine mũi hai còn thấp, dẫn đến lượng khách từ các tỉnh nhỏ đi các thành phố lớn như Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng hoặc các tỉnh lớn không cao.

Có một số tỉnh thành phố thuộc vùng xanh nhưng vẫn duy trì chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19 và chưa cho hoạt hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh vào hoạt động bình thường.

48 tỉnh đồng ý khôi phục hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh bằng xe ô tô  - Ảnh 2.

Doanh nghiệp vận tải phải xây dựng phương án vận chuyển hành khách và đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19.

Từ thực tế trên, Bộ GTVT đề nghị Chính phủ xem xét có ý kiến chỉ đạo về Kế hoạch khai thác vận tải hàng không và đường sắt trong thời gian tới của Bộ GTVT.

Chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục ủng hộ việc mở lại hoạt động vận tải hành khách trên các lĩnh vực.

Công bố kịp thời cấp độ dịch tại các địa phương để Sở GTVT các địa phương tra cứu và thống nhất tổ chức hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh cho phù hợp theo quy định tại Nghị quyết số 128/NQ-CP và Quyết định số 4800/QĐ-BYT.

Có kế hoạch khẩn trương tiêm vaccine phòng COVID-19 cho lái xe, nhân viên phục vụ và cán bộ công nhân viên tại bến xe, trạm dừng nghỉ để đảm bảo nhân sự cho công tác tổ chức vận tải.

Nhiều doanh nghiệp vận tải hy vọng việc mở lại vận tải sẽ thông thoáng hơn sau thời gian thí điểm với việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch. Các nhà xe mong rằng cách triển khai mới sẽ đảm bảo được chặt chẽ để sau bước thí điểm này các cơ quan chức năng sẽ nới lỏng để đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân.

Theo ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP Vận tải Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng, quan trọng nhất là tính ổn định của các biện pháp phòng, chống dịch. Khởi động lại, doanh nghiệp phải chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng nếu được vài hôm mà xuất hiện ca nhiễm, tỉnh nào đó lại dừng hoạt động thì doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn.

Quan trọng nhất, hai địa phương đầu và cuối tuyến cần có quy định rõ ràng, thống nhất để hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh được diễn ra thuận lợi nhưng vẫn đáp ứng các yêu cầu phòng chống dịch COVID-19.

* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Bảo Nguyên
Ý kiến của bạn