Số người nghèo cùng cực - được định nghĩa là những người sống dưới 1,90 USD/ ngày - là 24,3 triệu người vào năm 2021, hay 3,7% trong tổng số 650 triệu dân Đông Nam Á - ADB cho biết trong một báo cáo.
Trước đại dịch, số liệu về những người nghèo cùng cực ở Đông Nam Á đã giảm xuống ở mức 14,9 triệu người vào năm 2019, giảm so với 18 triệu người năm 2018 và 21,2 triệu người năm 2017.
Chủ tịch ADB Masatsugu Asakawa cho biết: "Đại dịch COVID-19 đã dẫn đến tình trạng thất nghiệp lan rộng, bất bình đẳng ngày càng trầm trọng và mức độ nghèo đói gia tăng, đặc biệt là ở phụ nữ, lao động trẻ và người cao tuổi ở Đông Nam Á". Theo thống kê của ADB, số lao động có việc làm ở Đông Nam Á vào năm 2021 ít hơn 9,3 triệu do đại dịch COVID-19 gây ra những hạn chế hoạt động kinh tế khiến hàng triệu người không có việc làm.
Dự báo tăng trưởng năm 2021 cho Đông Nam Á là 3,0%. Khu vực này được dự báo sẽ tăng trưởng 5,1% trong năm nay nhưng biến thể Omicron có thể sẽ cắt giảm triển vọng tăng trưởng tới 0,8% nếu nó lan rộng hơn nữa và gây ra các cú sốc cung và cầu - ADB cho biết.
Trước tình hình trên, ADB thúc giục các chính phủ thực hiện các bước để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện hệ thống y tế, hợp lý hóa các quy định để thúc đẩy khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh, thông minh và áp dụng công nghệ để tăng tốc độ tăng trưởng.
Mở cửa du lịch: Việt Nam khôi phục chính sách miễn thị thực, Hà Nội mở lại loạt điểm tham quan