Trước đó khoảng 4 ngày, anh H. xuất hiện đau âm ỉ thượng vị, tiêu phân đen được đưa đến bệnh viện địa phương cấp cứu, truyền dịch, truyền máu.
Kết quả chụp cắt lớp vi tính ghi nhận phình động mạch ở đầu tụy, vôi hóa tụy, nội soi đại tràng ứ đọng máu đỏ và đen, bệnh nhân nhanh chóng được chuyển đến BVĐK Trung ương Cần Thơ theo dõi và điều trị tiếp.
Thầy thuốc tuyến trên đã hội chẩn liên khoa với chẩn đoán: Xuất huyết tiêu hóa do vỡ giả phình động mạch vị tá tràng đi đến kết luận xử trí chụp và nút động mạch điều trị cầm máu các tạng số hóa xóa nền (DSA).
Ổ giả phình trước can thiệp (trái) và hình ảnh sau can thiệp,
Ê-kíp can thiệp do BSCKI. Trần Công Khánh – Phó Khoa Chẩn đoán hình ảnh, BVĐK Trung ương Cần Thơ thực hiện. Kết quả ghi nhận ổ giả phình kích thước lớn khoảng 15x25 mm được cấp máu từ nhánh động mạch vị tá tràng, tiến hành luồn chọn lọc vi ống thông vào ổ giả phình, xác định vị trí và thả 5 coil (vòng xoắn kim loại).
Kiểm tra thấy tắc hoàn toàn ổ giả phình, không ghi nhận dò động mạch tái diễn, kỹ thuật được thực hiện trong 45 phút. Sau can thiệp, dấu hiệu sinh tồn bệnh nhân ổn định, được chuyển khoa Nội Tiêu hóa – Huyết học theo dõi, điều trị tiếp. Bệnh nhân tỉnh tiếp xúc tốt, niêm hồng, không xuất huyết tiêu hóa tái phát.
Theo BSCKII Bồ Kim Phương - Trưởng Khoa Nội tiêu hóa, giả phình mạch máu tạng là một dạng bệnh lý rất hiếm gặp, trong đó túi giả phình thường nằm ở các động mạch thân tạng, động mạch gan, động mạch lách.
Giả phình động mạch vị tá tràng là một trong những dạng hiếm nhất, chỉ chiếm khoảng 1.5% trong các dạng phình mạch máu tạng. Cơ chế sinh ra các túi phình chưa thực sự được hiểu rõ, nhưng đa số các trường hợp khởi phát sau viêm tụy cấp, chấn thương, sau phẫu thuật, tăng huyết áp...
Viêm tụy chiếm đến 80% trong các trường hợp phình mạch này và nguyên nhân của sự hình thành túi giả phình là do sự tổn thương thành mạch của các động mạch lân cận.
Nhìn chung, túi phình thường không có triệu chứng và được phát hiện một cách tình cờ trên các khảo sát hình ảnh học hoặc khi có biến chứng. Tuy nhiên, các biến chứng của nó có thể rất đa dạng và nghiêm trọng.
Tùy thuộc tương quan giải phẫu, kích thước và sự ăn mòn mà túi phình có thể được biểu hiện như tràn máu ổ bụng, xuất huyết tiêu hóa hoặc hiếm gặp hơn là chảy máu đường mật nếu túi phình vỡ vào ống mật chủ và ống tụy chính.
Các túi phình mạch tạng thường không có triệu chứng hoặc là nguyên nhân gây ra các triệu chứng đau bụng mơ hồ cho tới khi có biến chứng vỡ, bệnh nhân sẽ có các triệu chứng như đau bụng cấp, xuất huyết tiêu hóa, nặng hơn là ảnh hưởng về huyết động và thậm chí đe dọa tính mạng.
Phẫu thuật cấp cứu được xem là phương pháp điều trị cổ điển, tuy nhiên đây là phương pháp xâm lấn, có nguy cơ cao và hậu phẫu vất vả.
Với những tiến bộ trong kỹ thuật can thiệp trong vài năm gần đây, các túi phình mạch tạng có thể được điều trị bởi kĩ bằng can thiệp nội mạch, là kỹ thuật ít xâm lấn, sử dụng các dụng cụ thuyên tắc túi phình (Coils) hoặc đặt stent phủ (Covered stent) và y văn trên thế giới đều cho các kết quả khả quan.