Hình ảnh bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ can thiệp cấp cứu
Bà Bùi Thị Mười Ba, 54 tuổi, ở huyện Châu Thành – Hậu Giang được bệnh viện tuyến dưới chuyển đến cấp cứu vào lúc 3 giờ 40 phút ngày 18/4/2020 trong tình trạng đau hông lưng phải, tiểu máu đại thể ồ ạt gây mất máu nặng, vào viện với biểu hiện choáng mất máu nặng; chi lạnh, niêm nhạt, mạch nhanh, huyết áp thấp (70/40 mmHg).
Các bác sĩ Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ nhanh chóng tiếp nhận xử trí cấp cứu thực hiện truyền dịch tốc độ nhanh, truyền máu khẩn (08 đơn vị máu toàn phần), đồng thời thực hiện các xét nghiệm máu, siêu âm bụng, chụp CT Scan bụng chậu có cản quang (dựng hình thận và mạch máu niệu).
Hình ảnh u thận phải trước can thiệp
Kết quả chẩn đoán cho thấy bệnh nhân có u cơ - mỡ - mạch thận (kích thước #12x14 cm) đang chảy máu, kèm mất máu nặng và rối loạn đông máu.
Các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn đơn vị can thiệp mạch và khoa ngoại niệu. Bệnh nhân được chỉ định can thiệp nội mạch cấp cứu thay vì mổ mở cắt thận như trước đây, khi kỹ thuật can thiệp nội mạch chưa phổ biến.
Hình ảnh u thận sau can thiệp
Ê kíp can thiệp do BS.CKI. Trần Công Khánh - Phó Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đã tiến hành chụp và can thiệp: Thực hiện luồn chọn lọc vi ống thông vào động mạch thận phải nuôi u và động mạch có thoát mạch, vài ổ giả phình.
Chụp xác định vị trí. Tiến hành thả 02 coil vào động mạch gây thoát mạch và tiến hành kết hợp tắc mạch máu nuôi u bằng keo sinh học.
Trong 45 phút ê kíp đã khống chế tình trạng chảy máu ồ ạt và ngăn chặn hiệu quả nguồn máu nuôi bướu. Đến hôm nay, bà Ba đã tỉnh táo, không sốt, da niêm hồng, tiểu trong, bụng mềm, tiếp tục được theo dõi điều trị tiếp tại Khoa Ngoại Thận – Tiết niệu.
Bác sĩ thực hiện thăm khám bệnh nhân sau cấp cứu
BS.CKII. Nguyễn Phước Lộc – Trưởng Khoa Ngoại Thận – Tiết niệu cho biết: U cơ mỡ mạch thận (AMLs) là khối u lành tính ở thận, triệu chứng lâm sàng không điển hình nhưng u cơ mỡ mạch thận phát triển ở kích thước lớn có thể gây nguy cơ biến chứng như vỡ u, chảy máu ra xung quanh thận và ổ bụng, đái ra máu ồ ạt... Bệnh nhân có thể tử vong do mất máu, đái máu khi u vỡ.
U cơ mỡ mạch thận kích thước nhỏ không phải tác động điều trị gì .Với khối các u lớn có kích thước trên 4 cm thì việc theo dõi và đánh giá để loại bỏ khối u là cần thiết để tránh cho bệnh nhân những nguy cơ biến chứng nguy hiểm đến tính mạng .
Các u cơ mỡ mạch thận từ 4cm trở lên dễ gây xuất huyết tự nhiên tới 59-60% và hầu hết gây các triệu chứng như trên tới 80-90%.
Vì vậy, việc thuyên tắc động mạch thận để phòng ngừa cho các u từ 4cm hoặc lớn hơn là cần thiết. Thuyên tắc động mạch thận qua catheter được lựa chọn điều trị cho các trường hợp chảy máu cấp tính trong u cơ mỡ mạch thận mà không cần truyền máu hay phẫu thuật.
Phẫu thuật nội soi hoặc mổ mở có thể bóc tách khối u nhưng bệnh nhân sẽ phải trải qua một cuộc phẫu phẫu nặng nề với thời gian kéo dài và có thể tai biến tiềm ẩn như chảy máu, nhiễm trùng vết mổ...
Do u có nhiều búi mạch máu dị dạng và nguồn cấp máu cho u rất phức tạp, tổ chức cơ, mỡ đè lên các cấu trúc xung quanh nên vấn đề bóc tách u gây thách thức lớn cho các phẫu thuật viên.
Bệnh nhân thường sẽ đối diện với nguy cơ cắt bỏ một phần nhu mô thận lành hoặc cắt toàn bộ một bên thận. Vì vậy, can thiệp nút mạch điều trị là lựa chọn ưu tiên trong điều trị các khối u cơ mỡ mạch thận kích thước to hoặc u có biến chứng.
Theo BS.CKII Phạm Thanh Phong -Phó giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ: Cùng với nút mạch điều trị u thận vỡ, bệnh viện đã thực hiện thường quy kỹ thuật nút mạch điều trị nhiều bệnh lý khác như u gan, u xơ tử cung, ho ra máu … và điều trị cấp cứu hiệu quả các trường hợp chấn thương vỡ tạng (gan, lách ,thận), chấn thương gẫy xương khung chậu hay gẫy xương vùng hàm mặt chảy máu nhiều, chảy máu mũi cấp cứu …cứu sống nhiều bệnh nhân nặng, nguy kịch mà trước đây, nếu chưa triển khai kỹ thuật này, bệnh nhân buộc phải chuyển lên tuyến trên.
Điều này càng khẳng định vai trò là bệnh viện tuyến cuối về chuyên môn tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.