Ngày Quốc tế trẻ em gái (11/10) năm nay càng khiến cho chúng ta không khỏi giật mình trước thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam bởi từ 106,2 bé trai/100 bé gái năm 2000 đã tăng lên 113,8 bé trai/100 bé gái năm 2013 và xu hướng này đang tiếp tục gia tăng.
2,3 - 4,3 triệu nam giới Việt sẽ không tìm được vợ!
Liên tục trong những ngày gần đây, Bộ Y tế và các bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội đã cùng phối hợp triển khai các hoạt động của chiến dịch truyền thông “Chung tay giải quyết mất cân bằng giới tính khi sinh” tại Hà Nội và một số địa phương trong cả nước nhằm hưởng ứng Ngày Quốc tế trẻ em gái (11/10).
Chiến dịch này hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức trong cộng đồng về nguyên nhân và hậu quả của việc lựa chọn giới tính thai nhi bởi các chuyên gia về dân số cũng nhận định, nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, dự tính đến năm 2050, Việt Nam sẽ phải đối mặt với thực trạng từ 2,3 đến 4,3 triệu nam giới không tìm được vợ để kết hôn!
Theo thông tin của Tổng Cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình, mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam tuy diễn ra muộn hơn các nước Châu Á nhưng tốc độ gia tăng nhanh chóng. Ông Phạm Năng An- Phó Vụ trưởng Vụ Cơ cấu - Chất lượng dân số (Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình dẫn chứng, nếu như hơn 10 năm trước, tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) tại Việt Nam chỉ tăng 1 điểm phần trăm trong 10 năm thì hiện nay, mỗi năm đã tăng đến 1 điểm phần trăm. Cụ thể, giai đoạn năm 1979 là 105 bé trai/100 bé gái, đến năm 1999 tăng lên 107 bé trai/100 bé gái. Bắt đầu từ giai đoạn 2007 đã là 111,6 bé trai/100 bé gái; năm 2008 là 112,1 bé trai/100 bé gái. Đến năm 2013, tỷ số GTKS là 113,8 bé trai/100 bé gái. Còn 6 tháng đầu năm 2014, tỷ số này đã nhích lên hơn 114 bé trai/100 bé gái, vượt qua chỉ tiêu đề ra vào năm 2015 là khống chế tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh dưới 112 bé trai/100 bé gái.
Tỷ lệ bé trai ở nước ta đang nhiều hơn bé gái. Ảnh Hồng Phú
Cũng theo ông An, số tỉnh, thành phố có tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh vượt quá tỷ số 106 bé trai/100 bé gái đang ngày càng gia tăng. Nếu năm 1999 chỉ có 28 tỉnh, thành phố thì năm 2013 là 35 tỉnh và hiện nay đã có 40 tỉnh, thành phố. Một số tỉnh có tỷ số GTKS đặc biệt cao như: Hưng Yên (130,7 bé trai/100 bé gái), Hải Dương (120,2 bé trai/100 bé gái), Bắc Ninh (119,4 bé trai/100 bé gái)… Cá biệt hơn theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, khi trực tiếp "thị sát" một số xã ở Đồng bằng sông Hồng, ông đã rất lo ngại bởi có xã tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh lên đến gần 150 bé trai/100 bé gái.
Thiếu hụt trẻ em gái - tai họa nghiêm trọng
Theo ông Arthur Erken - Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam, hiện khu vực Châu Á đang thiếu hụt 117 triệu trẻ em gái, đây chính là hậu quả của tình trạng phân biệt giới tính. Đáng báo động là thực trạng này về lâu dài sẽ rất nghiêm trọng. Việc thiếu phụ nữ làm gia tăng nạn buôn bán phụ nữ, gia tăng áp lực buộc các em gái phải kết hôn sớm hơn và có thể bỏ học để lập gia đình… Vấn đề này nếu không giải quyết kịp thời sẽ là tai họa cho mỗi quốc gia.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho rằng, sự phát triển của khoa học kỹ thuật có thể giúp biết giới tính thai nhi. Nhưng đây không phải là lý do chính dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính. “Bằng chứng là khoa học kỹ thuật ở miền Nam phát triển không kém miền Bắc, thậm chí một số mặt còn vượt, nhưng mất cân bằng giới tính khi sinh chủ yếu ở miền Bắc, đặc biệt là ở Đồng bằng sông Hồng, một phần là do tâm lý người miền Bắc rất “khát” con trai”- Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, những biện pháp nhằm giảm sự gia tăng tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh triển khai thời gian vừa qua đáng được ghi nhận, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa thật tốt. Biện pháp can thiệp mới chú trọng về kỹ thuật, cấm siêu âm chẩn đoán giới tính, cấm phá thai lựa chọn giới tính… và tính khả thi không cao. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình Nguyễn Văn Tân dẫn chứng, mặc dù có quy định cấm siêu âm xác định giới tính thai nhi nhưng số người biết trước giới tính con mình trước khi sinh chiếm trên 81%. Mặc dù việc siêu âm xác định giới tính thai nhi phổ biến nhưng do lực lượng thanh tra chuyên ngành mỏng, kinh nghiệm không nhiều nên việc phát hiện, xử phạt các cơ sở vi phạm chưa hiệu quả. Đến nay, lực lượng thanh tra mới phát hiện được 4 trường hợp ở Hưng Yên và Kiên Giang.
“Cần có sự hợp tác của nam giới để giải quyết vấn đề”
Đây là ý kiến của bà Ritsu Nacken, Phó trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam về việc cùng chung tay để giải quyết mất cân bằng giới tính khi sinh. Theo bà Ritsu Nacken, nguyên nhân cốt lõi của vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh không chỉ nằm ở việc lựa chọn giới tính thai nhi mà chính là do sự bất bình đẳng giới và xem thường giá trị của phụ nữ. Hiện tượng lựa chọn giới tính trước khi sinh trở nên nghiêm trọng hơn bởi các quan niệm truyền thống trong gia đình, đặc biệt là hệ thống gia đình phụ hệ cũng như thiếu quyền tự chủ của người phụ nữ về mặt tài chính và xã hội... Khi mà phụ nữ và các em gái được tiếp cận với chăm sóc y tế, giáo dục, cơ hội việc làm một cách bình đẳng như nam giới thì họ sẽ có thể phát triển tốt và làm được những gì mà nam giới làm, thậm chí họ có thể làm tốt hơn.
“Tuy nhiên, nếu chỉ có phụ nữ thì không thể giải quyết được vấn đề, mà cần có sự hợp tác của nam giới. Nam giới phải được khuyến khích để trở thành những tác nhân thay đổi văn hóa-xã hội”- bà Ritsu Nacken bày tỏ.
Đồng quan điểm này, ông Arthur Erken nhấn mạnh, điều cốt lõi của vấn đề lại nằm ở tư tưởng "trọng nam khinh nữ" ăn sâu vào tiềm thức của người Châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng. "Không chỉ giải quyết hiện tượng mà cần giải quyết gốc rễ vấn đề, đó là tăng cường giáo dục giới tính trong trường học, xóa bỏ bất bình đẳng giới, tạo cho phụ nữ quyền bình đẳng; tạo việc làm cho phụ nữ, giúp họ tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động xã hội…", ông Arthur Erken đưa ra giải pháp.
Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến đưa ra quan điểm, biện pháp bền vững để giải quyết mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn là cơ chế phối hợp liên ngành và thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức xã hội trong công tác tuyên truyền vận động nhằm thay đổi tư tưởng, quan niệm trọng nam khinh nữ, ưa thích con trai và các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi, đồng thời đẩy mạnh việc bình đẳng giới.
Thái Bình