Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới về bệnh lao, Việt Nam là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 11 trong 30 nước có người mắc bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Để hướng tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam vào năm 2035, Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm.
Nhân Ngày thế giới phòng chống lao (24/3), phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống đã có cuộc trao đổi với Giám đốc BV Phổi Trung ương, Trưởng Ban điều hành Chương trình chống Lao quốc gia TS.BS cao cấp Đinh Văn Lượng.
Phóng viên (PV): Thưa TS. BSCC Đinh Văn Lượng, được biết chủ đề của Ngày thế giới phòng chống lao năm nay là "Đúng! Việt Nam có thể chấm dứt bệnh lao". Thông điệp này muốn truyền tải điều gì?
TS. BSCC Đinh Văn Lượng: Thông điệp của Ngày thế giới phòng chống lao là "Đúng! Chúng ta có thể chấm dứt bệnh lao" để nhấn mạnh về việc huy động sức mạnh tổng thể, thu hút sự quan tâm, tập trung mọi nguồn lực, sự chung tay của cả cộng đồng nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống bệnh lao. Chủ đề này vừa thể hiện quyết tâm cao độ, nhưng cũng cho thấy sự cấp bách và cần thiết của việc đẩy mạnh đầu tư, mở rộng quy mô, tăng tốc vào hoạt động chẩn đoán, điều trị dự phòng và chăm sóc bệnh lao sẽ cứu sống thêm hàng triệu người. Nếu các quốc gia thực hiện cam kết của mình, sẽ cứu sống khoảng 45 triệu người trong khoảng thời gian từ 2023 đến 2027 và thế giới sẽ tiến tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.
Trên cơ sở thông điệp đó, Chủ đề của Ngày thế giới phòng chống lao của Việt Nam là "Đúng! Việt Nam có thể chấm dứt bệnh lao". Đây là một lời hồi đáp, lời khẳng định những nỗ lực và quyết tâm của Việt Nam trong phòng chống lao, tiến tới chấm dứt bệnh lao, cứu sống hàng chục nghìn người mỗi năm ở Việt Nam. Mục tiêu kết thúc bệnh lao vào năm 2035 chỉ có thể đạt được với sự đồng lòng tham gia của toàn xã hội và người dân.
PV: Thưa ông, thực trạng bệnh lao tại Việt Nam hiện ra sao? Chương trình chống lao quốc gia (CTCLQG) đã đạt được những thành quả như thế nào trong thời gian qua?
TS. BSCC Đinh Văn Lượng: Cùng với CTCLQG, chúng ta có một mạng lưới phòng chống lao của 63 tỉnh, thành phố. Hệ thống đã hoạt động rất khoa học, hiệu quả. Đến nay, các hoạt động phòng chống lao như kiểm soát, sàng lọc, phát hiện và điều trị lao bao gồm lao kháng thuốc, lao tiềm ẩn, lao trẻ em, lao nhạy cảm… đã được triển khai rộng khắp. Nhờ hệ thống này, chúng tôi đã phát hiện số bệnh nhân lao lớn.
Năm 2022, CTCLQG đã phát hiện được khoảng 103.000 ca lao mới, hơn 4.000 ca lao kháng thuốc. Đến năm 2023, CTCLQG đã phát hiện nhiều ca mắc lao hơn với hơn 106.000 trường hợp mắc lao các thể, so với năm 2021 tăng tới 34,4% (năm 2021 là năm chịu ảnh hưởng nặng nhất của dịch bệnh COVID-19). Phát hiện lao kháng đa thuốc năm 2023 là 3.775 bệnh nhân.
Năm 2023, Tổ chức Y tế thế giới ước tính mỗi năm Việt Nam có thêm 172.000 người mới mắc lao và khoảng 13.000 người tử vong do lao, cao hơn số người tử vong vì tai nạn giao thông. Đáng báo động là số bệnh nhân lao được phát hiện mới chỉ chiếm khoảng 60% số bệnh nhân lao ước tính, còn 40% bệnh nhân lao trong cộng đồng chưa được phát hiện, điều trị hoặc báo cáo. Mỗi năm, nước ta có khoảng 9.200 ca bệnh nhân lao đa kháng thuốc mới mắc, chiếm 4,5% trong nhóm bệnh nhân lao mới và 15% trong nhóm đã từng điều trị. So với miền Bắc và miền Trung thì dịch tễ lao tại miền Nam còn nặng nề hơn rất nhiều, đặc biệt tại các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ với khoảng 400 đến 500 ca lao trên 100.000 dân.
Trong số các bệnh nhân lao, khoảng 63% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng đa thuốc và gia đình của họ phải chi trả những khoản chi phí cao, vượt quá 20% thu nhập hàng năm của cả hộ gia đình.
PV: Về chi phí đối với công tác phòng chống lao, được biết việc BHYT thanh toán thuốc điều trị lao trong thời gian qua đã đem lại nhiều lợi ích cho người bệnh. Tuy nhiên nguồn lực dành cho công tác phòng chống lao ngày càng thu hẹp dù gánh nặng bệnh lao ở Việt Nam còn rất nặng nề. Chúng ta đã chuẩn bị những giải pháp gì để giải quyết vấn đề này?
TS. BSCC Đinh Văn Lượng: Chính sách chi trả thuốc lao từ nguồn BHYT là một chính sách bền vững, giúp những người mắc bệnh lao được điều trị bệnh. Tuy nhiên còn những đối tượng mắc lao không có bảo hiểm y tế. Lao là căn bệnh cần điều trị lâu dài. Ước tính có 70% người mắc bệnh lao là người nghèo, nên nếu nhóm người này không có thẻ BHYT, việc theo đuổi điều trị bệnh tạo gánh nặng lớn cho gia đình và xã hội.
Để giải quyết vấn đề này, cần vận động đầu tư đa nguồn cho công tác phòng chống lao bao gồm ngân sách Nhà nước, ngân sách địa phương, tài trợ quốc tế, bảo hiểm y tế, xã hội hoá. Vừa kết hợp vận động tăng nguồn lực trong nước cho công tác phòng chống lao với triển khai hiệu quả các can thiệp kỹ thuật, báo cáo kết quả hoạt động và giải trình chi tiêu minh bạch. Từ đó có thể tăng huy động được các nguồn tài trợ quốc tế cho công tác phòng chống lao trên toàn quốc.
PV: Thưa TS Đinh Văn Lượng, vậy trong thời gian tới, để việc phát hiện và điều trị hiệu quả bệnh lao CTCLQG đã thực hiện như thế nào?
TS. BSCC Đinh Văn Lượng: Trong thời gian tới, để đạt được ngày càng nhiều ca bệnh lao mới cần đẩy mạnh việc sàng lọc lao, phát hiện chủ động tại cộng đồng, phát hiện tích cực tại cơ sở y tế tập trung vào các nhóm nguy cơ cao nhằm tăng cường phát hiện tối đa các bệnh nhân lao trong cộng đồng, đưa vào điều trị sớm, nhằm cắt đứt nguồn lây trong cộng đồng, giảm nhanh dịch tễ bệnh lao. Bên cạnh đó, phối hợp các phương pháp chẩn đoán mới, hiện đại. Khi phát hiện ra ca bệnh lao, người bệnh được điều trị bằng những thuốc mới, phù hợp với người bệnh, với cơ sở y tế… Thông qua 63 tỉnh, thành phố, các bệnh viện lao phổi tỉnh, Trung tâm kiểm soát bệnh tật… chúng ta chủ động phát hiện bệnh lao.
Bắt đầu từ năm nay, CTCLQG sẽ đẩy mạnh phát hiện chủ động tại cộng đồng, phát hiện tích cực tại cơ sở y tế, tăng cường vai trò của hệ thống y tế cơ sở đối với hoạt động phòng chống lao nhằm phát hiện tối đa bệnh nhân lao trong cộng đồng để đưa vào điều trị sớm nhất.
Bệnh viện Phổi Trung ương đã biên soạn và hoàn thành cuốn tài liệu "Hướng dẫn triển khai hoạt động phát hiện chủ động, tích cực bệnh lao, lao tiềm ẩn và một số bệnh hô hấp tại cộng đồng và cơ sở y tế - Tăng cường vai trò của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh" nhằm chuẩn hóa và đồng bộ hoạt động phát hiện chủ động và tích cực bệnh lao và một số bệnh hô hấp trên toàn quốc, phát huy tối đa vai trò của hệ thống y tế nói chung và y tế cơ sở nói riêng trong công tác phòng, chống lao.
Cuốn tài liệu sẽ được sử dụng rộng rãi trên toàn quốc, cung cấp kiến thức và kỹ năng cho cán bộ y tế các cơ sở khám, chữa bệnh và cán bộ chống lao các tuyến trong triển khai hoạt động phát hiện chủ động, tích cực bệnh lao, lao tiềm ẩn và một số bệnh hô hấp tại cộng đồng và cơ sở y tế. Với việc tăng cường phát hiện bệnh nhân lao và hỗ trợ người bệnh cho tới khi được điều trị thành công, tôi tin tưởng rằng mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2035 sẽ sớm đạt được.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!