Ngày Thế giới phòng chống bệnh dại năm nay (28/9), Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam (WHO), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam (FAO), Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ) tiếp tục cam kết cùng với các bộ, ngành và các bên liên quan hướng tới việc loại trừ tử vong do bệnh dại từ năm 2030 trên phạm vi toàn cầu.
Với chủ đề "Một sức khỏe, Không người tử vong", các chuyên gia nhấn mạnh cách tiếp cận "Một Sức khỏe" đang ngày càng trở nên phổ biến trong các chương trình kiểm soát dịch bệnh. Các ví dụ gần đây như đại dịch COVID-19 và kháng kháng sinh đã cho thế giới thấy sức khỏe của con người, động vật và môi trường đều có mối liên hệ chặt chẽ và phụ thuộc lẫn nhau.
Mặc dù đã đạt được một số tiến bộ trong 10 năm qua, Việt Nam vẫn tiếp tục báo cáo từ 70 đến 100 trường hợp tử vong do bệnh dại mỗi năm. Trong 8 tháng đầu năm 2022, Việt Nam ghi nhận đã có 40 trường hợp tử vong.
Số trường hợp tử vong do bệnh dại ở một số tỉnh đã giảm đáng kể, nhưng số trường hợp tử vong từ năm 2017 đến năm 2021 vẫn tăng ở 20 tỉnh so với giai đoạn 2011-2016. Điều này nhấn mạnh sự cần thiết phải áp dụng các bài học kinh nghiệm và hợp tác chặt chẽ với chính quyền địa phương để đảm bảo giảm người tử vong do bệnh dại trong tương lai.
Quyền Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, Tiến sĩ Socorro Escalante nhấn mạnh sự cần thiết phải có cam kết mạnh mẽ vào các lĩnh vực ưu tiên để loại trừ người tử vong do bệnh dại từ năm 2030. "Tăng cường cam kết chính trị để đảm bảo khả năng tiếp cận, tính sẵn có và khả năng chi trả cho các can thiệp đã được chứng minh như các loại vaccine đảm bảo chất lượng, an toàn, và hiệu quả, là yếu tố quan trọng để cứu sống người bệnh cùng với việc đảm bảo cách tiếp cận "Một Sức khỏe" để loại trừ bệnh dại".
Bà cũng nhắc lại về "sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành thú y, y tế và các ngành khác là rất quan trọng để đảm bảo các chương trình phòng chống và kiểm soát được quản lý hiệu quả".
"Ngày càng có nhiều sự ủng hộ chính trị ở cấp cao và từ quốc tế cho "Một Sức khỏe" như một giải pháp bền vững để chống lại các mối đe dọa như bệnh dại. Tiêm phòng cho chó là biện pháp can thiệp đơn giản, tiết kiệm chi phí và hiệu quả nhất để bảo vệ người không bị lây nhiễm bệnh dại. Làm việc cùng nhau theo cách tiếp cận "Một Sức khỏe", tăng tỷ lệ bao phủ tiêm phòng bệnh dại ở động vật đạt ít nhất 70%, chúng ta có thể ngăn chặn sự lây truyền bệnh dại sang người và đẩy nhanh tiến độ hướng tới mục tiêu không còn người tử vong vì bệnh dại từ năm 2030", Tiến sĩ Rémi Nono Womdim, Trưởng đại diện tổ chức FAO tại Việt Nam cho biết.
"Để cải thiện tỷ lệ bao phủ tiêm chủng cho chó, chúng ta cần đảm bảo tính sẵn có, khả năng tiếp cận, và khả năng chi trả đối với vaccine phòng dại" - BS. Lindsay Kim, Giám đốc Chương trình An ninh Y tế Toàn cầu, Văn phòng CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam nhấn mạnh. "Hơn nữa, việc tăng cường giám sát bệnh dại theo cách tiếp cận Một sức khỏe và lồng ghép với hệ thống giám sát dựa trên sự kiện hiện đang được Bộ Y tế triển khai và vận động cũng cần được chú trọng để tiến gần hơn đến mục tiêu "Không còn người tử vong vì bệnh dại từ năm 2030".
Để chủ động phòng chống bệnh Dại, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
1. Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.
2. Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm.
3. Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.
4. Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần:
- Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch - đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn.
- Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine.
- Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương.
- Đến ngay Trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại.
- Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.