Theo Y học cổ truyền, phế ở trong cơ thể là một trong năm tạng, vị trí ở trong lồng ngực bên phải, bên trái mỗi bên một lá, thể chất xốp. Phế thông với yết hầu, xoang mũi, khai khiếu ra mũi.
Phế là tạng nằm ở vị trí cao nhất, có tác dụng bảo hộ cho các tạng phủ bên dưới, giúp chống đỡ ngoại tà từ bên ngoài xâm nhập vào.
Chính vì thế phế được ví như là "Hoa cái"- cái tàn lọng che ở trên đầu. Nhưng phế cũng là một tạng non nớt, mảnh mai mà mềm yếu cho nên hễ có tà khí xâm nhập vào thì rất dễ bị bệnh.
Phế còn chủ khí, chủ bì mao, khi phế chịu tác động của ngoại tà từ bên ngoài xâm nhập vào sẽ ảnh hưởng đến chức năng tuyên phát của phế, chức năng túc giáng của phế (giáng khí xuống, giáng thủy dịch xuống). Phế muốn giáng được thì phải thông. Phế ở trên cao được ví là nắp của ngũ tạng.
Phế thông với khí của mùa thu, đặc tính của phế là ưa thanh nhuận, ghét táo nhiệt. Phế khí vào mùa thu thịnh vượng nhất, nhưng mùa thu cũng phần nhiều thấy bệnh biến của phế nhất. Do đó cần bảo dưỡng phế thật tốt, nhất là vào các mùa khô táo như mùa thu, mùa đông, để tránh các bệnh lý như ho suyễn, viêm phổi, viêm phế quản…
Trong bài viết này, xin giới thiệu một số vị thuốc dưỡng phế giúp phòng tránh các bệnh lý về đường hô hấp trong mùa thu đông.
1. Đông trùng hạ thảo dưỡng phế
Trùng thảo có vị ngọt, tính bình, quy vào kinh phế, thận. Có tác dụng bổ thận ích phế, ôn thận nạp khí và hóa đàm bình suyễn. Có thể nói trùng thảo là vị thuốc tốt nhất cho tạng phế.
Với cách dùng phổ biến nhất hiện nay là dùng đơn độc trùng thảo, thường có thể pha hãm chè để uống nước và ăn cả con, đặc biệt mùa thu đông nấu cháo ăn là tốt nhất hoặc có thể làm thành các món canh dưỡng sinh mùa đông, đều mang lại giá trị dưỡng phế tuyệt vời.
Vì trùng thảo tính bình nên gần như tất cả mọi người, mọi đối tượng ai cũng đều có thể dùng được, đặc biệt tốt với các bệnh nhân có bệnh lý như lao phổi, COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính), hen phế quản…
Lưu ý: Là một vị thuốc tốt bậc nhất để dưỡng phế, tuy nhiên trùng thảo hiện nay cũng là vị thuốc đắt vào hàng bậc nhất trên thị trường và hàng giả khá nhiều. Trùng thảo trên thị trường hiện nay đa phần là nuôi cấy nên tác dụng kém hơn rất nhiều.
2. Tang thầm (dâu ta)
Theo Y học cổ truyền, tang thầm có vị ngọt chua, tính hàn, quy vào kinh phế, can, thận.
Công dụng: Tư âm nhuận táo, bổ dưỡng phế âm, bổ huyết sinh tân và nhuận tràng thông tiện. Nói đến vai trò dưỡng phế của tang thầm, nó là vị thuốc có tác dụng sinh tân nhuận táo, chữa các chứng tân dịch tổn thương như trong trường hợp phế táo mà gây ho khan. Lý do nó có thể nhuận táo, vì tang thầm có tính chất rất nhuận, đặc biệt ai đã từng ngâm siro dâu sẽ thấy, nước tang thầm cực kỳ sánh và dính tay.
Nếu đông trùng hạ thảo là vị thuốc đắt bậc nhất trong Đông y, thì tang thầm lại là một vị thuốc nam cực kỳ dễ tìm. Ngoài tác dụng dưỡng phế âm, đây còn là vị thuốc bổ ích tinh huyết tuyệt vời.
3. Ngọc trúc
Theo Y học cổ truyền, ngọc trúc có vị ngọt, tính hơi lạnh, tính chất nhuận chủ đi vào kinh phế, vị. Có tác dụng tư âm nhuận táo, dưỡng phế âm, sinh tân dịch. Thích hợp chữa các chứng phế âm hư gây ho khan, hen suyễn, ho kèm ít đờm đặc khó khạc…
Vị thuốc này ngoài bổ vào phần âm của phế, còn có tác dụng thanh nhiệt, có thể ứng dụng chữa các chứng ho, phiền khát do âm hư gây ra như sau mắc các bệnh truyền nhiễm, sốt cao làm mất tân dịch.
4. Bách hợp
Bách hợp có vị ngọt mát, thanh nhuận, chủ đi vào kinh phế, tâm. Cho nên giỏi về thanh phế nhuận táo chữa ho, thanh tâm an thần, dẹp yên kinh sợ. Là vị thuốc thường dùng để chữa phế táo sinh ho, hư phiền.
Ngoài tác dụng bổ dưỡng phế âm, bách hợp còn hay được sử dụng với một tác dụng nữa là thanh tâm trừ phiền, nghĩa là được dùng như một vị thuốc có tác dụng an thần. Những trường hợp thần minh không yên, hay mất ngủ, khó vào giấc, người bực bội, phiền táo đều có thể sử dụng rất hay.
Xem thêm video đang được quan tâm:
[LIVE] 💥 🍀 🍀 🍀 Bổ phế trong phòng và trị ho ở người cao tuổi.