Hà Nội

4 vị thuốc bổ huyết ai cũng cần biết

31-01-2024 14:00 | Vị thuốc quanh ta

SKĐS - Trong cơ thể, huyết không chỉ là nguồn dinh dưỡng cung cấp cho các bộ phận khác nhau mà còn là nền tảng cho sự phát triển của tinh, khí và thần. Thuốc bổ huyết là thuốc chữa các chứng bệnh do huyết hư sinh ra.

1. Thế nào là thuốc bổ huyết?

Theo quan điểm Đông y, huyết đóng vai trò quan trọng trong sự duy trì sự sống. Huyết không ngừng lưu thông, cung cấp dưỡng chất đến ngũ tạng, lục phủ, giúp cơ thể hoạt động một cách bình thường.

Việc tuần hoàn huyết không ngừng trong mạch máu dưới ảnh hưởng của Tâm và được hỗ trợ bởi Phế được mô tả như một quá trình quan trọng, khiến cho ngũ tạng, lục phủ, da, lông, cân (gân).

Cân bám vào xương, sự co duỗi của cân làm các khớp xương vận động) và xương nhận được đầy đủ dinh dưỡng và hoạt động bình thường.

Khi sự tuần hoàn này gặp trở ngại như trong trường hợp thiếu huyết, ứ huyết có thể dẫn đến các vấn đề của các cơ quan bộ phận khác nhau. Nếu huyết không nuôi dưỡng được da sẽ dẫn đến chứng tê bì. Chân tay khi không nhận được đủ dưỡng chất qua tuần hoàn có thể trở nên lạnh, trường hợp nặng có thể gây giảm khả năng vận động hay thậm chí gây liệt.

4 vị thuốc bổ huyết ai cũng cần biết- Ảnh 1.

Đương quy có tác dụng bổ huyết.

Huyết trong cơ thể được sản sinh từ hai nguồn chính. Nguồn thứ nhất là từ đồ ăn thức uống được chuyển hóa thành những chất dinh dưỡng cho cơ thể sử dụng, thông qua vận hóa của tạng tỳ. Chất này dồn vào mạch thành huyết. Nguồn thứ hai là từ thận, thận tinh sinh tủy, tủy lại sinh huyết.

Thuốc bổ huyết là những thuốc chữa những chứng bệnh do huyết hư sinh ra. Trong cơ thể, huyết không chỉ là nguồn dinh dưỡng cung cấp cho các bộ phận khác nhau mà còn là nền tảng cho sự phát triển của tinh, khí, và thần. Huyết được xem như phần âm của cơ thể, không chỉ có tác dụng bổ âm mà còn làm cơ sở cho các hoạt động tính dục nữ như kinh nguyệt và thai nghén.

Theo quan niệm âm dương hỗ căn và dương sinh âm trưởng, thuốc bổ huyết thường được kết hợp với thuốc bổ khí. Huyết và khí tương quan chặt chẽ, khí là nguồn gốc của huyết, trong khi huyết là nơi để khí tàng trú. Việc kết hợp giữa thuốc bổ khí và bổ huyết là phù hợp với quy luật âm dương, giúp đẩy mạnh, tăng cường hiệu quả chữa bệnh.

4 vị thuốc bổ huyết ai cũng cần biết- Ảnh 2.

Tác dụng chính của hà thủ ô đỏ là bổ huyết.

2. Ai cần dùng thuốc bổ huyết?

Thuốc bổ huyết thường được kê đơn cho những người thiếu máu, mất máu hoặc sau khi mắc bệnh kéo dài dẫn đến tình trạng suy nhược cơ thể. Các dấu hiệu của suy nhược cơ thể có thể kể đến sắc mặt xanh vàng, da khô, hoa mắt, ù tai, hồi hộp, kinh nguyệt không đều hoặc ít, và mạch tế sác vô lực.

Ngoài ra, thuốc bổ huyết cũng thường được khuyến cáo cho những người mắc các bệnh liên quan đến đau khớp, đau dây thần kinh có triệu chứng teo cơ, cứng khớp, thường được biết đến là chứng huyết hư không nuôi dưỡng được cân. Người mắc bệnh tâm căn suy nhược cũng có thể được cải thiện bệnh nhờ việc sử dụng thuốc bổ huyết, vì huyết có vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng tâm và duy trì sự ổn định tinh thần.

Đặc biệt, thuốc bổ huyết cũng có thể được áp dụng trong điều trị các bệnh phụ khoa do can huyết, thận tinh, tỳ huyết hư gây ra như rối loạn kinh nguyệt, rong huyết, rong kinh, thống kinh, sảy thai và đẻ non.

4 vị thuốc bổ huyết ai cũng cần biết- Ảnh 3.

Tang thầm bổ huyết trừ phong.

3. Một số vị thuốc có tác dụng bổ huyết

3.1. Đương quy

Đương quy là rễ phơi khô của cây Đương quy, có vị ngọt, cay, tính ấm, quy vào kinh tâm, can, tỳ. Đương quy được biết đến với khả năng bổ huyết và hành huyết với liều lượng từ 6 - 12 gam một ngày.

Theo kinh nghiệm truyền thống, phần đầu của đương quy được cho là có tác dụng sinh huyết và chỉ huyết (cầm máu), phần giữa bổ huyết, phần đuôi tăng cường hoạt huyết.

Ứng dụng lâm sàng: Đương quy thường được sử dụng cho phụ nữ để điều trị các vấn đề liên quan đến huyết hư như kinh nguyệt không đều, thống kinh và bế kinh. Đương quy cũng điều trị tình trạng thiếu máu dẫn đến các triệu chứng như hoa mắt, chóng mặt, da xanh, người gầy yếu.

Đồng thời, đương quy có thể được áp dụng trong điều trị mụn nhọt và các vết thương có mủ với khả năng giải độc và hoạt huyết, tiêu trừ huyết ứ.

3.2. Hà thủ ô đỏ

Hà thủ ô đỏ là rễ củ phơi khô của cây Hà thủ ô đỏ. Vị thuốc này có vị đắng, chát và tính ấm, quy vào kinh can, thận. Hà thủ ô đỏ có nhiều tác dụng, các tác dụng chính là bổ ích can thận, bổ huyết và cố tinh. Đặc biệt, khi kết hợp với sinh địa, một loại thảo mộc khác cũng bổ âm nhưng có tính lạnh. Hai vị thuốc này có thể hỗ trợ lẫn nhau.

Các nghiên cứu trên động vật đã chứng minh rằng hà thủ ô có thể hạ cholesterol, giảm nhịp tim, tăng lưu lượng mạch vành, và làm tăng đường huyết. Về ứng dụng lâm sàng, hà thủ ô đỏ thường được sử dụng với liều 12 - 20 gam một ngày trong trường hợp khí huyết đều hư, cơ thể mệt nhọc và có những triệu chứng do thiếu máu như đau đầu, tóc bạc, da xanh, chóng mặt...

Hà thủ ô đỏ cũng có thể được dùng khi chức năng can thận kém, người bệnh phàn nàn về lưng gối đau mỏi, di tinh ở nam hay kinh nguyệt không đều ở nữ. Ngoài ra, hà thủ ô đỏ có thể được sử dụng để nhuận tràng, chữa chứng táo bón do huyết hư giảm tân dịch gây ra.

4 vị thuốc bổ huyết ai cũng cần biết- Ảnh 4.

Thục địa là một thành phần phổ biến trong các bài thuốc bổ huyết.

3.3. Tang thầm

Tang thầm là quả dâu gần chín của cây dâu tằm. Quả này có vị ngọt, chua và tính lạnh, quy vào kinh can, thận. Tang thầm được biết đến với tác dụng bổ huyết và trừ phong. Trong ứng dụng lâm sàng, tang thầm thường được sử dụng để chữa chứng huyết hư sinh phong với biểu hiện hoa mắt, chóng mặt, chân tay run và đôi khi dẫn đến tình trạng liệt nửa người.

Tang thầm cũng có thể giúp làm giảm cơn khát và bổ sung tân dịch bị mất do sốt và nôn gây ra. Tang thầm còn có tác dụng trong việc lợi niệu để chữa phù thũng, nhuận tràng để chữa táo bón do huyết hư và âm hư gây giảm tân dịch với liều lượng khuyến khích là từ 12 - 20 gam một ngày.

3.4. Thục địa

Thục địa là sản phẩm được làm từ rễ cây sinh địa thông qua quá trình cửu chưng cửu sái công phu. Đây là một thành phần phổ biến trong các bài thuốc bổ huyết, dưỡng âm với vị ngọt, tính hơi ấm, quy vào kinh tâm, can, thận.

Trong ứng dụng lâm sàng, thục địa được sử dụng để dưỡng huyết và bổ thận âm, can âm với các triệu chứng như di tinh, ù tai, đau mỏi ở lưng gối, đái dầm, và mồ hôi trộm.

Ngoài ra, thục địa còn được sử dụng trong các trường hợp thiếu máu, chóng mặt, đau đầu và kinh nguyệt không đều. Vị thuốc này cũng có tác dụng làm sáng mắt, chữa quáng gà, giảm thị lực do can thận hư.

Liều lượng thường được khuyến cáo là từ 8 - 16 gam một ngày, tùy thuộc vào tình trạng bệnh cụ thể. Trong một số trường hợp có thể sử dụng liều lượng cao nhất lên đến 30 gam. Nghiên cứu mới đây cũng cho thấy thục địa có tác dụng hỗ trợ tim, lợi tiểu, và điều trị chứng huyết áp thấp.

Thuốc bổ huyết thường được chỉ định khi bệnh nhân trải qua các tình trạng như thiếu máu, mất máu với các triệu chứng điển hình của chứng huyết hư. Tuy nhiên, không nên tự ý sử dụng thuốc bổ huyết mà không có sự hướng dẫn của thầy thuốc. Việc này có thể dẫn đến tình trạng sử dụng không đúng liều lượng, không hiệu quả, thậm chí gây hại sức khỏe.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Nhân sâm - Vị thuốc bổ nhưng không phải ai cũng dùng được | SKĐS

BSNT. Nguyễn Thanh Hằng
Khoa Y học cổ truyền, Trường Đại học Y Hà Nội
Ý kiến của bạn