Bệnh nhân tăng huyết áp đã được bác sĩ chẩn đoán và điều trị phải uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó người bệnh cũng cần có một chế độ làm việc, rèn luyện thể lực, nghỉ ngơi hợp lý, ăn uống lành mạnh nhằm kiểm soát tốt huyết áp.
Song song với các việc làm nói trên, người bệnh tăng huyết áp có thể dùng một số loại thảo dược (nên tham khảo ý kiến bác sĩ) dùng dưới dạng thuốc sắc, uống thay trà hỗ trợ giúp giảm huyết áp.
1. Thảo quyết minh hỗ trợ trị tăng huyết áp
Thảo quyết minh, tên khoa học: Cassia tora L.; thường dùng hạt cây làm thuốc với tên gọi là quyết minh tử.
Theo tài liệu cổ, thảo quyết minh vị mặn, tính bình, vào 2 kinh can và thận; có tác dụng thanh can, ích thận, khử phong sáng mắt, nhuận tràng, thông tiện; thường được dùng để chữa một số bệnh về mắt, nhức đầu, đại tiện táo kết...
Theo nghiên cứu của y học hiện đại, quyết minh tử chứa các hoạt chất có tác dụng làm hạ cholesterol máu, ngăn cản sự hình thành các mảng xơ cứng lòng mạch, chống tăng huyết áp và giúp thư giãn, kháng khuẩn.
Có thể dùng độc vị hoặc phối hợp với các vị thuốc khác như ngưu tất, hoa hòe, cúc hoa… trong hỗ trợ điều trị mỡ máu cao và tăng huyết áp.
Bài thuốc: Quyết minh tử sao thơm 12g, hoa hòe 6g. Hãm với nước sôi trong bình kín, uống thay trà.
Cây và vị thuốc quyết minh tử.
2. Linh chi thảo
Linh chi thảo, tên khoa học: Ganoderma luccidum. Vào thế kỷ 16, Lý Thời Trân cho rằng linh chi là loại "cây cỏ tốt lành, ăn nhiều có thể làm cơ thể nhẹ đi mà không già, sống lâu như thần tiên".
Trong y học hiện đại, tác dụng sinh học của linh chi đã được khoa học chứng minh, đặc biệt là trên hệ tim mạch: Linh chi có tác dụng hỗ trợ làm giảm cholesterol máu, phospholipid máu, tăng sức co bóp cơ tim, phòng ngừa vữa xơ động mạch.
Ngoài ra, linh chi còn có tác dụng điều hòa và ổn định huyết áp, chống co thắt mạch máu, tăng cường lưu lượng tuần hoàn vành.
Bên cạnh đó, linh chi còn có tác dụng giúp hạ đường huyết, bổ phổi, cắt cơn ho suyễn, bổ gan thận, mạnh tỳ vị, kích thích tiêu hóa, giảm mệt mỏi.
Bài thuốc: Thường được dùng dưới dạng thuốc sắc, thuốc hãm. Liều dùng hàng ngày 3-10g, có thể dùng độc vị hoặc phối hợp với các vị khác như thảo quyết minh, ngưu tất, hà thủ ô... để làm tăng tác dụng hạ huyết áp, chống rối loạn mỡ máu.
3. Ngưu tất
Ngưu tất, tên khoa học: Radix Achranthides; thường dùng rễ cây làm thuốc.
Theo y học cổ truyền, ngưu tất vị chua đắng, tính bình, không độc, vào 2 kinh can và thận; dùng sống có tác dụng phá huyết, hành ứ. Dùng chín (qua bào chế) bổ can, thận, mạnh gân cốt.
Kinh nghiệm dân gian thường dùng ngưu tất điều trị bệnh thấp khớp, đau mình mẩy, đau bụng, kinh nguyệt không đều. Liều dùng 4 -16g/ngày.
Theo nghiên cứu của y học hiện đại, ngưu tất có tác dụng hỗ trợ hạ mỡ máu; có thể dùng dưới dạng thuốc sắc hoặc cao lỏng ngưu tất uống hàng ngày.
Trên động vật thí nghiệm, ngưu tất còn có tác dụng gây hạ huyết áp tạm thời. Ngoài ra còn có tác dụng lợi tiểu, giảm sự co bóp cơ trơn.
Bài thuốc: Ngưu tất 12g, hoa đại 10g, cúc hoa 12g. Sắc uống ngày một thang.
Cây và vị thuốc ngưu tất.
4. Dâm dương hoắc
Tên khoa học Epimedium brevicorum, E. Koreapum, E.sagitatum.
Trong y học cổ truyền, dâm dương hoắc có công hiệu bổ thận dương, cường gân cốt, trừ phong thấp... phù hợp với các bệnh liệt dương, di tinh, gân yếu xương mềm, phong thấp tê đau, tê dại, chân tay co quắp, bị tăng huyết áp vào thời kỳ thay đổi lứa tuổi...
Theo các nghiên cứu hiện đại, dâm dương hoắc có tác dụng kích thích tố đối với giống đực, thúc đẩy quá trình sản ra tinh dịch, nên gây hưng phấn về tình dục. Thuốc sắc còn có tác dụng hạ huyết áp và giảm ho, long đờm, hỗ trợ chữa hen, tăng cường chức năng phòng vệ miễn dịch thông thường đối với cơ thể, nâng cao khả năng thực bào của bạch cầu, thúc đẩy sự chuyển hoá của các tế bào lympho.
Ngoài ra, tác dụng sinh học của dâm dương hoắc trên hệ tim mạch là làm giãn mạch nên có tác dụng tăng cường lưu lượng vành, hỗ trợ giảm huyết áp. Người ta thấy rằng có thể dùng dưới dạng chè thuốc và dùng lâu dài.
Bài thuốc: Dâm dương hoắc 12g, trần bì 10g, ngưu tất 12g. Sắc uống hàng ngày, có tác dụng điều trị bệnh đau thắt ngực, tăng huyết áp.
Mời bạn xem thêm video:
Làm gì để giảm huyết áp?