4 tháng đầu năm: 1.200 người nhập viện vì ngộ độc thực phẩm

01-05-2014 16:51 | Thời sự
google news

SKĐS - Theo Tổng Cục thống kê, trong tháng 4, cả nước đã xảy ra 9 vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng làm 542 người bị ngộ độc, trong đó 2 trường hợp tử vong.

Theo Tổng Cục thống kê, trong tháng 4, cả nước đã xảy ra 9 vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng làm 542 người bị ngộ độc, trong đó 2 trường hợp tử vong.

Liên quan đến lĩnh vực này, Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế cho biết, tính chung 4 tháng đầu năm, cả nước đã ghi nhận 38 vụ ngộ độc thực phẩm làm 1.194 người mắc, trong đó có 15 người đã tử vong. Đánh giá của Cục An toàn thực phẩm cũng cho thấy tình hình ngộ độc thực phẩm, bệnh lây truyền qua thực phẩm đang diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng.

Nguyên nhân chính gây ra ngộ độc thực phẩm vẫn do thực phẩm bị ô nhiễm vi sinh vật và do độc tố tự nhiên. Ngộ độc thực phẩm tại bữa ăn đông người (liên hoan, đám cưới, đám giỗ), bếp ăn tập thể trường học có chiều hướng gia tăng; tử vong chủ yếu do nấm độc, cá nóc, so biển, cóc, nấm… “Dự báo trong thời gian tới, nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, xảy ra ngộ độc thực phẩm có chiều hướng gia tăng do thời tiết nóng ẩm của mùa hè; tình trạng thiếu nước sạch để chế biến, vệ sinh dụng cụ; điều kiện bảo quản thực phẩm không bảo đảm; nguyên liệu, thực phẩm không có nguồn gốc, nhập lậu khó kiểm soát; ô nhiễm môi trường gia tăng; nhu cầu sử dụng các thực phẩm tươi sống tăng cao ở cả gia đình, bếp ăn tập thể, bữa ăn đông người, du lịch, lễ hội”- TS Hùng cảnh báo

Hàng loạt công nhân bị ngộ độc thực phẩm do ăn suất ăn nấu sẵn

Hàng loạt công nhân bị ngộ độc thực phẩm do ăn suất ăn nấu sẵn

 

 

Để chủ động bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm trong mùa hè, Cục An toàn thực phẩm đã có công văn số 859/ATTP-NĐ đề nghị Sở Y tế các tỉnh/thành phố tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt và hiệu quả việc tăng cường thông tin, tuyên truyền kiến thức về an toàn thực phẩm, các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm; thực hiện ăn chín uống sôi, rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, sau khi giết mổ, phân phối, chế biến thịt gia cầm, thủy cầm, tiệt trùng các dụng cụ, bát đũa trước khi ăn uống. “Người dân tuyệt đối không thu hái, đánh bắt, kinh doanh, sử dụng nấm lạ, cá nóc, so biển, ốc lạ, bạch tuộc đốm xanh, mực ma… để làm thức ăn”- TS Lâm Quốc Hùng nhấn mạnh.

Cục An toàn thực phẩm cũng yêu cầu Chi cục VSATTP các địa phương chỉ đạo các đơn vị chức năng đẩy mạnh thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong mùa hè, đặc biệt tập trung các cơ sở dịch ăn uống, thức ăn đường phố, khu du lịch, lễ hội, bữa ăn tập trung đông người. Phát hiện sớm và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; trong kinh doanh dịch vụ ăn uống; công khai các vi phạm trên phương tiện thông tin để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng… Cục An toàn thực phẩm yêu cầu các địa phương chủ động chuẩn bị sẵn trang thiết bị chuyên môn trong hoạt động giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm, nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm để phát hiện sớm nguy cơ, dự phòng và sẵn sàng xử lý nhanh, có hiệu quả các sự cố an toàn thực phẩm, các vụ ngộ độc thực phẩm và ca bệnh trong cộng đồng.

Hướng dẫn xử lý khi có ngộ độc thực phẩm của Cục An toàn thực phẩm

- Khi phát hiện hoặc nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm , phải đình chỉ việc sử dụng thực phẩm nghi ngờ và niêm giữ toàn bộ thức ăn đó lại (kể cả chất nôn, phân, nước tiểu…) để xác minh, báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất đến xử trí kịp thời hoặc đưa người bị ngộ độc đi bệnh viện.

-Vệ sinh, tẩy uế khu vực có chất nôn, phân, nước tiểu của người bị ngộ độc thực phẩm và thực hiện chế độ cách ly nghiêm ngặt đề phòng sự lây lan của dịch bệnh.

-Thực hiện các biện pháp diệt ruồi, nhặng, gián, chuột… và các hướng dẫn vệ sinh phòng chống dịch bệnh theo chỉ đạo của ngành y tế.

 

Thái Bình

 


Ý kiến của bạn