4 tác hại của thảo dược trị mất ngủ không phải ai cũng biết

SKĐS- Mất ngủ kéo dài thường khiến người bệnh mệt mỏi, căng thẳng… Nhiều người đã tìm đến các loại thảo dược với mong muốn cải thiện giấc ngủ mà lại an toàn. Tuy nhiên, dù là thảo dược, người bệnh vẫn cần chú ý đến những tác hại có thể xảy ra.

1. Thế nào được coi là mất ngủ?

Mất ngủ là một rối loạn giấc ngủ phổ biến bao gồm ngủ không sâu giấc, khó đi vào giấc ngủ, thời gian ngủ không đảm bảo khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, mất tập trung vào ngày hôm sau.

Ước tính mỗi năm có đến 7% người trưởng thành bị mất ngủ, bệnh thường gặp ở nữ nhiều hơn nam. Mất ngủ có thể là bệnh chính hoặc là một triệu chứng thứ phát của các bệnh lý khác; thường xảy ra ở các cá nhân dễ bị tổn thương tâm lý, chịu nhiều căng thẳng, nhiều bệnh kèm hay có tiền căn gia đình, tiền căn bản thân từng bị mất ngủ.

Mất ngủ kéo dài gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như tinh thần, người bệnh thường xuyên trong trạng thái mệt mỏi, lờ đờ, khó tập trung, thiếu sức sống, ảnh hưởng tới hiệu suất làm việc, học tập và làm giảm chất lượng cuộc sống.

2. Mất ngủ trong y học cổ truyền

Những biểu hiện của mất ngủ được y học cổ truyền mô tả trong phạm vi chứng thất miên hay bất mị. Nguyên nhân gây bệnh thường do thể chất yếu, bệnh lâu ngày, lớn tuổi âm huyết kém không đủ nuôi dưỡng làm dương khí động, do nhiệt làm nhiễu động quấy rối thần minh hoặc do rối loạn cảm xúc, ăn uống không lành mạnh...

Điều trị bằng y học cổ truyền chủ yếu nhằm mục đích an thần, thanh nhiệt hóa đàm, bổ âm huyết.

Một số dược liệu thường được các thầy thuốc y học cổ truyền sử dụng trong điều trị mất ngủ có thể kể đến như tâm sen, lạc tiên, bình vôi, vông nem, nụ tam thất, toan táo nhân...

4 tác hại của thảo dược trị mất ngủ không phải ai cũng biết - Ảnh 2.

Tâm sen có tác dụng chữa mất ngủ.

3. Thảo dược trị mất ngủ có gây hại không?

Mặc dù so với thuốc tân dược, những thuốc có nguồn gốc từ thảo dược an toàn hơn, ít tác dụng phụ hơn nhưng các thuốc này vẫn có khả năng gây ra một số tác hại sau:

  1. Gây buồn ngủ vào ban ngày nếu dùng vào ban ngày hoặc dùng với liều cao.
  2. Gây phụ thuộc thuốc nếu dùng trong thời gian quá dài.
  3. Nguy cơ dị ứng: đối với một số người có cơ địa dị ứng.
  4. Hạ huyết áp tư thế: Đa phần các thuốc ngủ thảo dược sẽ có tác dụng hạ áp nhẹ. Với những người bị huyết áp thấp nên chú ý khi dùng. Nên dùng khi no và có thể cân nhắc kết hợp với nhiều loại thảo dược bổ trợ khác để tránh hạ huyết áp khi thay đổi tư thế với biểu hiện như choáng váng, chóng mặt, xây xẩm...

Ngoài ra, thuốc ngủ thảo dược cũng có nguy cơ gây hại nếu dùng sai cách và lạm dụng. Do đó người bệnh không nên tự ý sử dụng khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

4. Thực hành vệ sinh giấc ngủ hỗ trợ chữa mất ngủ

Ngoài ra, để việc điều trị có hiệu quả, người bệnh cần thực hiện vệ sinh giấc ngủ tốt bao gồm:

  • Giữ cho giờ đi ngủ và giờ thức dậy đều đặn, không dành nhiều thời gian trên giường hơn mức cần thiết.
  • Tránh nằm ngủ vào buổi sáng.
  • Tránh ngủ trưa dài, nên ngủ ngắn dưới 1 giờ và tránh ngủ trưa sau 3 giờ chiều.
  • Giữ một lịch trình ban ngày đều đặn; thời gian thường xuyên cho bữa ăn, thuốc men, công việc và các hoạt động khác giúp giữ cho đồng hồ bên trong cơ thể hoạt động trơn tru.
  • Không đọc, viết, ăn, xem tivi, nói chuyện điện thoại… trên giường.
  • Tránh chất caffeine sau bữa trưa; tránh uống rượu trong vòng 6 giờ trước khi đi ngủ; tránh nicotine trước khi đi ngủ.

Mời bạn xem tiếp video:

Cách nào để giảm cân không cần cardio?


BS. Phạm Đức Thắng
Đại học Y Dược Tp. Hồ Chí Minh
Ý kiến của bạn