Hà Nội

4 sai sót cơ bản trong chữa trị tâm thần

10-07-2014 22:40 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Cũng như các chuyên khoa khác của y học, nhân viên y tế trong chuyên khoa tâm thần cũng có rất nhiều sai sót. Đa số các sai sót này là có thể tránh được.

Cũng như các chuyên khoa khác của y học, nhân viên y tế trong chuyên khoa tâm thần cũng có rất nhiều sai sót. Đa số các sai sót này là có thể tránh được.

1. Sử dụng thuốc quá cũ

Nói thẳng ra thì đó là sử dụng các thuốc quá lạc hậu. Tiếc thay, điều này còn rất phổ biến trong các bệnh viện tâm thần tỉnh, Trung ương, đặc biệt là trong điều trị củng cố chống tái phát bệnh tâm thần, hay được gọi là thuốc chương trình. Nói có sách, mách có chứng, tôi xin phân tích một số thuốc cụ thể sau:

a. Aminazin

Đây là thuốc an thần thuộc nhóm phenothiazin. Thuốc này được tìm ra từ những năm 50 của thế kỷ trước, được dùng điều trị bệnh tâm thần phân liệt và rối loạn cảm xúc lưỡng cực, giai đoạn hưng cảm. Tuy nhiên, thuốc có nhiều nhược điểm, đó là:

- Hiệu lực kém nên liều điều trị phải cao. Do vậy, bệnh nhân phải uống một số lượng thuốc rất lớn khiến họ ngại uống thuốc. Thực tế, các nhân viên y tế tuyến xã thường chỉ cấp cho bệnh nhân liều thuốc chừng 4-8 viên/ngày, còn lâu mới đạt đến liều điều trị và liều chống tái phát. Vì vậy, sau một thời gian điều trị, dù bệnh nhân vẫn uống thuốc đầy đủ nhưng bệnh vẫn tái phát.

- Thuốc có nhiều tác dụng phụ bất lợi. Nếu dùng thuốc đủ liều thì tỷ lệ độc với gan sẽ tăng cao, do đó lại phải cho thêm thuốc bảo vệ tế bào gan, từ đó lại đẩy cao giá thành điều trị.

- Khi dùng aminazin điều trị bệnh tâm thần phân liệt sẽ làm cho các triệu chứng trầm cảm, các triệu chứng cùn mòn cảm xúc, mất ý trí, ngôn ngữ nghèo nàn của bệnh nhân nặng thêm. Tiếc thay, các bệnh nhân này chiếm ít nhất 50% số bệnh nhân tâm thần phân liệt được điều trị ở tất cả các tuyến. Như vậy, sau một thời gian điều trị, các bệnh nhân tâm thần phân liệt tuy hết hoang tưởng, ảo giác, kích động nhưng lờ đờ, chậm chạp, sa sút về trí tuệ, không lao động được gì... và vẫn là gánh nặng cho gia đình, cho xã hội.

b. Amintriptylin

Đây là thuốc chống trầm cảm được dùng phổ biến nhất trong lâm sàng tâm thần do có hiệu lực chống trầm cảm, lo âu và mất ngủ rất tốt. Tuy nhiên, thuốc có tác dụng kháng axetyl cholin mạnh nên gây khô miệng, mệt mỏi, chóng mặt, độc với cơ tim. Nếu dùng quá liều, bệnh nhân có thể tử vong. Nên nhớ rằng hơn 50% số bệnh nhân trầm cảm có hành vi tự sát. Họ có thể dùng thuốc này để tự tử (dễ tử vong hơn nhiều so với seduxen). Chính vì vậy, tổ chức y tế thể giới đã khuyến cáo bỏ thuốc này từ năm 1992.

c. Gardenal

Trong lâm sàng tâm thần, gardenal chủ yếu được sử dụng điều trị động kinh cơn lớn. Đây là thuốc có hiệu quả gây ngủ mạnh, chống co giật yếu. Sau một thời gian điều trị, bệnh nhân có thể hết hoặc vẫn còn nguyên cơn co giật, nhưng trí tuệ của bệnh nhân lại sa sút nghiêm trọng. Kết quả là bệnh nhân trở thành người lờ đờ, chậm chạp và đần độn. Các thử nghiệm lâm sàng cho thấy, sau khi thay gardenal bằng valproat natri thì có hiệu quả chống động kinh tốt hơn và IQ của bệnh nhân hồi phục rõ rệt.

Tư vấn là khâu quan trọng trong quá trình điều trị cho bệnh nhân tâm thần.

Tư vấn là khâu quan trọng trong quá trình điều trị cho bệnh nhân tâm thần.

2. Dùng liều thuốc quá thấp

Như tôi đã nói trên, liều thuốc aminazin, amintriptylin... được sử dụng điều trị thường là rất thấp, vì vậy hiệu quả rất kém. Đây là lỗi hoàn toàn thuộc về nhân viên y tế. Họ có hiểu biết quá kém về tâm thần học, nhiều người trong số họ là bác sĩ, y sĩ chuyên khoa nội chung, đi làm tâm thần không được đào tạo hay không muốn đào tạo về tâm thần nên dẫn đến kết cục trên. Hầu hết nhân viên y tế không ai muốn học và công tác trong ngành tâm thần, do vậy họ không tích cực học hỏi và tự đào tạo bản thân mình. Nhiều người còn cho rằng bệnh tâm thần thì khỏi và ổn định làm sao được mà quên mất rằng nhiều bệnh mạn tính khác như đái tháo đường, tăng huyết áp, suy tim... cũng không khỏi được mà vẫn được tích cực điều trị để bệnh luôn ổn định. Thật ra, nếu được điều trị chu đáo tỷ lệ bệnh nhân tâm thần như tâm thần phân liệt, trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, cơn hoảng sợ kịch phát, mất ngủ tiên phát... có thể khỏi và ổn định lên đến 90%.

3. Ngại áp dụng các kỹ thuật cao

Kỹ thuật cao trong ngành tâm thần khá ít. Hiện nay, một số nơi đã thử nghiệm phương pháp định lượng các chất dẫn truyền thần kinh trung ương để hỗ trợ chẩn đoán bệnh tâm thần phân liệt, trầm cảm... định lượng nồng độ thuốc trong huyết tương để hỗ trợ điều trị. Các kỹ thuật này chưa được phổ cập rộng rãi do giá thành còn tương đối đắt.

Kỹ thuật sốc điện lại là chuyện khác. Đây là kỹ thuật có giá trị điều trị rất cao (cao hơn bất kỳ loại thuốc chuyên khoa tâm thần nào) cho rất nhiều bệnh tâm thần như tâm thần phân liệt, trầm cảm, tự sát, rối loạn cảm xúc, mất ngủ tiên phát, nghiện game online, nghiện ma túy đá (nhóm amphetamin), nghiện cờ bạc... Hầu hết các bệnh viện tâm thần đã “bỏ” kỹ thuật này. Họ có máy móc, có con người đã được đào tạo, nhưng do tâm lý ngại làm (có thể nói thẳng là ngại khó), nên đã “cất” máy sốc điện vào kho. Khi được hỏi thì họ trả lời sợ cơn co giật khi bệnh nhân được làm sốc điện.

Thực chất, sốc điện rất an toàn (tỷ lệ tử vong chừng 0,01% số bệnh nhân, thấp hơn bất kỳ một loại thuốc nào) thì tại sao phải ngại làm?

Ở Khoa Tâm thần, Bệnh viện 103, mỗi năm chúng tôi làm vài nghìn lượt sốc điện (nhiều hơn tất cả các cơ sở y tế khác trong nước cộng lại) trong 40 năm nay đều an toàn, ngày nằm điều trị giảm xuống, tỷ lệ khỏi ra viện tăng lên so với các cơ sở y tế khác rất rõ ràng.

4. Chưa tư vấn đúng cho bệnh nhân và gia đình họ

Rất nhiều bệnh nhân tâm thần sau khi điều trị tại bệnh viện ổn định, đã tái phát sau khi ra viện một thời gian ngắn. Lý do rất dễ thấy là do họ dùng liều thuốc điều trị củng cố quá thấp, quá ngắn ngày hoặc bỏ thuốc. Tư vấn cho bệnh nhân tâm thần rất đơn giản, cụ thể là:

- Phải dùng thuốc điều trị củng cố đủ liều. Cái này thì ngay cả nhân viên y tế còn hạn chế (như đã nói ở trên) thì trách gì được bệnh nhân.

- Phải điều trị kéo dài. Cụ thể với tâm thần phân liệt, rối loạn cảm xúc lưỡng cực, trầm cảm mạn tính... bệnh nhân phải điều trị củng cố bằng thuốc suốt đời. Tuy nhiên, đa số các bác sĩ không biết hoặc không dám nói điều đó. Khi tôi hỏi một bác sĩ có tên tuổi (nay đã nghỉ hưu) tại sao không nói rõ ra cho bệnh nhân và gia đình họ biết phải uống thuốc củng cố suốt đời, ông đã trả lời tôi rằng sợ bệnh nhân bị “sốc”! Tôi chịu thua lập luận đó của ông. Người lãnh đạo ngành tâm thần, người thầy của các bác sĩ tâm thần còn nói vậy thì trách gì được nhân viên, học sinh của mình không biết tư vấn cho bệnh nhân. Ngày nay, luật sức khỏe đã ghi rõ bệnh nhân được quyền biết về bệnh của mình, đến các bệnh hiểm nghèo như ung thư, người ta còn nói ngay cho bệnh nhân biết nữa là bệnh tâm thần phân liệt. Tôi đã tư vấn cho bệnh nhân về thời gian cần điều trị củng cố của họ gần 30 năm nay mà chưa thấy bệnh nhân nào bị “sốc” cả. Trái lại, họ rất biết ơn vì tôi đã nói thẳng, nói thật về bệnh trạng của họ. Vì thế, tỷ lệ bệnh nhân bỏ điều trị, tái phát bệnh của tôi rất thấp.

Phương pháp tư vấn cũng là một vấn đề đối với nhân viên y tế. Ở các chuyên khoa khác (như tim mạch, tiêu hóa...), nhân viên y tế phải nhẹ nhàng, ân cần khuyên bảo bệnh nhân, nhưng trong tâm thần, điều này có vẻ không hiệu quả. Đừng quên rằng bệnh nhân tâm thần (và có thể cả gia đình họ nữa) là những người rất khó tính đến mức ngang bướng. Họ sẵn sàng làm trái lời khuyên của bác sĩ, họ bỏ điều trị để đi cúng bái, uống rượu, bia, hút thuốc lá... Vì vậy, phải đánh giá từng trường hợp cụ thể mà có phương pháp tư vấn cho thích hợp. Có thể ân cần, nhẹ nhàng, nhưng có thể phải quát mắng, đe dọa từ chối khám và điều trị cho bệnh nhân, miễn là đạt được mục đích bắt họ phải uống thuốc đầy đủ và đi khám bệnh đúng theo hẹn.

PGS.TS. Bùi Quang Huy (Chủ nhiệm Khoa Tâm thần - Bệnh viện 103)

 

 


Ý kiến của bạn
Tags: