TS. BS. Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Hô hấp - Dị ứng, Bệnh viện Hữu Nghị cho biết, viêm phế quản chủ yếu do virus gây ra như Adenovirus, Corona virus, hoặc một số vi khuẩn không điển hình như Mycoplasma pneumoniae, Chlamydia pneumoniae. Một số virus cúm A, B cũng có thể gây bệnh viêm phế quản.
Người bệnh viêm phế quản có thể có các biểu hiện ho (có thể ho khan, ho có đờm); sổ mũi, chảy nước mũi, thở khò khè; một số triệu chứng toàn thân như sốt, mệt mỏi, chán ăn, ăn kém…
Trên thực tế, không ít trường hợp thấy triệu chứng nhẹ, có tâm lý chủ quan, không điều trị sớm hoặc mắc phải những sai lầm khi tự chữa viêm phế quản tại nhà dẫn đến các biến chứng như viêm phổi, giãn phế quản…
1. Tự ý sử dụng kháng sinh khi chưa có ý kiến của bác sĩ
Hầu hết các trường hợp viêm phế quản do virus gây ra, do đó việc sử dụng kháng sinh sẽ không có tác dụng. Thuốc kháng sinh chỉ dùng để trị các bệnh do vi khuẩn, không có tác dụng với các bệnh do virus gây ra.
Việc tự ý mua kháng sinh để trị bệnh mà không có đơn của bác sĩ về lâu dài có thể làm tăng tình trạng kháng kháng sinh, gây khó khăn trong điều trị về sau. Thay vào đó, nên đi khám bác sĩ và dùng thuốc theo đúng chỉ định. Thông thường trong điều trị viêm phế quản, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc long đờm (phổ biến trong nhóm thuốc này là guaifenesin), hạ sốt (paracetamol, ibuprofen...), và không cần dùng kháng sinh.
Tự ý dùng kháng sinh để trị bệnh mà không có đơn của bác sĩ về lâu dài có thể làm tăng tình trạng kháng kháng sinh.
2. Dùng thuốc giảm ho khi chưa cần thiết
TS. BS. Nguyễn Tiến Dũng cho biết, ho là một phản ứng có lợi của cơ thể để tống xuất đờm ra khỏi đường hô hấp, khai thông đường thở. Do đó, việc dùng thuốc ho khi chưa cần thiết, có thể vô tình ngăn chặn phản ứng này, kết quả là đờm không được tống ra ngoài, bị giữ lại đường hô hấp và làm gia tăng tình trạng khó thở, thở khò khè.
Thuốc giảm ho chỉ nên sử dụng trong trường hợp ho quá nhiều, ảnh hưởng đến giấc ngủ, khiến cơ thể mệt mỏi. Vì vậy, người bệnh không nên tự ý dùng thuốc ho tại nhà, đặc biệt là cho trẻ nhỏ dưới 4 tuổi, cần có ý kiến của bác sĩ trước khi dùng thuốc.
Khi chăm sóc người bệnh viêm phế quản tại nhà, nên cho người bệnh uống nhiều nước, sử dụng mật ong chanh… để giảm ho một cách tự nhiên. Không dùng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi.
TS. BS. Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Hô hấp - Dị ứng, Bệnh viện Hữu Nghị thông tin về điều trị viêm phế quản.
3. Chữa bệnh bằng các phương pháp dân gian chưa được kiểm chứng
Không nên tự ý chữa viêm phế quản tại nhà bằng các phương pháp dân gian không được kiểm chứng. Bệnh viêm phế quản do virus gây ra và có thể tự khỏi. Nếu các triệu chứng bệnh như ho kéo dài trên 5 ngày không thuyên giảm, sốt cao (từ 38.5 độ C trở lên), khó thở… cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám.
Tại đây, bác sĩ sẽ chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị, trong trường hợp cần thiết người bệnh có thể phải nhập viện để điều trị.
Trẻ mắc viêm phế quản cần được đưa đi khám để điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm.
4. Ngưng sử dụng thuốc giữa chừng khi thấy các triệu chứng giảm nhẹ
Tự ý dừng thuốc giữa chừng khi thấy các triệu chứng viêm phế quản giảm nhẹ là một trong những sai lầm điển hình mà người bệnh mắc phải. Điều này khiến bệnh không được điều trị dứt điểm, có thể tái đi tái lại với các triệu chứng trầm trọng hơn, khó điều trị. Sử dụng kháng sinh không đủ phác đồ cũng làm gia tăng nguy cơ vi khuẩn kháng thuốc.
Vì vậy, cần sử dụng thuốc theo đúng chỉ định liều lượng của bác sĩ. Thông thường người bệnh sẽ được kê đơn thuốc trong 7 ngày hoặc kéo dài hơn tùy thuộc vào tình trạng của mỗi người bệnh.
Mời bạn đọc xem tiếp video:
Viêm tai giữa cấp: Triệu chứng và phương pháp điều trị | SKĐS