Hà Nội

4 quy định về dạy thêm, học thêm giáo viên cần lưu ý

28-11-2023 14:07 | Xã hội
google news

SKĐS - Việc học thêm, dạy thêm hiện nay diễn ra tràn lan và có nhiều biến tướng ngay trong trường học. Vậy việc dạy thêm được quy định như thế nào? Giáo viên có bị cấm dạy thêm ngoài trường học không?

Dưới đây là những quy định về dạy thêm, học thêm mà giáo viên cần nắm rõ.

Các trường hợp không được dạy thêm

Tại Điều 4 Quy định về dạy thêm, học thêm ban hành kèm Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT quy định, các trường hợp không được dạy thêm bao gồm: Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 02 buổi/ngày; Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống; Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề không tổ chức dạy thêm, học thêm các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông.

- Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập: Không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường; Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.

Như vậy, nếu thuộc một trong các trường hợp trên thì giáo viên không được dạy thêm.

4 quy định về dạy thêm, học thêm giáo viên cần lưu ý- Ảnh 1.

Tiết học chính khóa tại một trường THCS ở Hà Nội. Ảnh minh họa

Giáo viên có thể dạy thêm ngoài trường

Điều 3 Quy định ban hành kèm Thông tư 17 quy định về nguyên tắc dạy thêm, học thêm như sau:

- Hoạt động dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh; phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và không gây nên tình trạng vượt quá sức tiếp thu của người học.

- Không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá để đưa vào giờ dạy thêm; không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá.

- Được gia đình đồng ý; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm.

- Không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa; học sinh trong cùng một lớp dạy thêm, học thêm phải có học lực tương đương nhau; khi xếp học sinh vào các lớp dạy thêm, học thêm phải căn cứ vào học lực của học sinh.

- Tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm phải chịu trách nhiệm về các nội dung đăng ký và xin phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm.

Như vậy, chỉ cần không thuộc trường hợp không được dạy thêm (học sinh tiểu học, học sinh học 2 buổi trên ngày,...) và thực hiện đúng nguyên tắc trên thì giáo viên có thể dạy thêm ngoài trường.

Quy định về tổ chức dạy thêm trong trường

Căn cứ Điều 5 Quy định ban hành kèm Thông tư 17 năm 2012, học sinh có nguyện vọng học thêm phải viết đơn xin học thêm gửi nhà trường để được học thêm trong trường.

Cha mẹ học sinh hoặc người giám hộ có con em xin học thêm trực tiếp ký, ghi cam kết với nhà trường về dạy thêm, học thêm vào đơn xin học thêm và chịu trách nhiệm thực hiện cam kết.

Hiệu trưởng nhà trường tiếp nhận đơn xin học thêm của học sinh, tổ chức phân nhóm học sinh theo học lực, phân công giáo viên phụ trách môn học và tổ chức dạy thêm theo nhóm học lực của học sinh.

Giáo viên có nguyện vọng dạy thêm phải có đơn đăng ký dạy thêm; trong đơn có cam kết với nhà trường về việc hoàn thành tốt tất cả các nhiệm vụ của giáo viên theo quy định chung và các nhiệm vụ khác do nhà trường phân công, đồng thời thực hiện nghiêm túc các quy định về dạy thêm, học thêm trong nhà trường.

Hiệu trưởng nhà trường xét duyệt danh sách giáo viên dạy thêm, phân công giáo viên dạy thêm, xếp thời khoá biểu dạy thêm phù hợp với học lực của học sinh.

Mức thu và quản lý tiền học thêm

Đối với dạy thêm, học thêm trong nhà trường: Theo Điều 7 Quy định về dạy thêm, học thêm ban hành kèm Thông tư 17, việc thu tiền học thêm là để chi trả thù lao cho giáo viên trực tiếp dạy thêm, công tác quản lý dạy thêm, học thêm của nhà trường; chi tiền điện, nước và sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm, học thêm.

- Mức thu tiền học thêm do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh với nhà trường.

- Nhà trường tổ chức thu, chi và công khai thanh, quyết toán tiền học thêm thông qua bộ phận tài vụ của nhà trường; giáo viên dạy thêm không trực tiếp thu, chi tiền học thêm.

Đối với dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường: Cũng theo Điều 7, nếu tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài trường thì mức thu tiền học thêm do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh với tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm.

Tuy nhiên, việc tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài trường vẫn phải thực hiện các quy định hiện hành về quản lý tài chính đối với tiền học thêm. Trong đó, mỗi địa phương sẽ có quy định riêng hướng dẫn thu tiền học thêm cụ sao cho phù hợp nhất.

Nên đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện, không nên cấm

TS. Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng: Cấm tuyệt đối dạy thêm, học thêm là không đúng với quy luật kinh tế thị trường. Tức là có "cung" phải có "cầu". Nếu người học có nhu cầu, cần giúp đỡ thì phải đáp ứng yêu cầu của người học. Do không quản lý được dạy thêm, học thêm để kéo dài quá lâu trong thời gian qua khiến dạy thêm, học thêm bị biến tướng.

Chưa kể, có một số giáo viên lợi dụng sự lỏng lẻo này mà "ép buộc" học sinh phải học thêm, khiến các bậc phụ huynh cũng phải "chạy" theo. Cho nên bây giờ phải bàn để làm thế nào ngăn chặn được việc này. "Vì vậy, tôi cho rằng đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện là hợp lý. Khi đưa vào diện kinh doanh có điều kiện, quản lý bằng pháp luật thì sẽ chặt chẽ hơn".

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT mong phụ huynh phối hợp cùng xử lý vấn nạn dạy thêm học thêmBộ trưởng Bộ GD&ĐT mong phụ huynh phối hợp cùng xử lý vấn nạn dạy thêm học thêm

SKĐS - Để có cơ sở pháp lý xử lý các vấn đề phát sinh ngoài trường học, Bộ trưởng GD&ĐT tạo cho rằng, với 53 nghìn trường học trong cả nước, chính quyền địa phương trên địa bàn cần phối hợp để kiểm soát việc này vì nó nằm ngoài nhà trường nên Bộ GD&ĐT sẽ rất khó kiểm soát.


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn