Nhiều người thường gặp khó khăn khi phân biệt các triệu chứng của bệnh cúm A và bệnh cảm cúm thường vì cả hai đều có những triệu chứng như sốt cao, mệt mỏi, đau nhức người, đau rát họng. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, thời điểm xét nghiệm cúm thích hợp nhất là khi có các triệu chứng:
- Sốt cao liên tục trên 38.5 độ C.
- Sốt kèm theo nhức đầu.
- Đau nhức các cơ.
- Bên cạnh đó, một vài trường hợp có thể kèm theo triệu chứng khó thở, ho nhiều, đau tức ngực,...
Việc chẩn đoán và điều trị kịp thời giúp làm giảm tối đa xuất hiện biến chứng của bệnh. Do đó, ngay khi có dấu hiệu nên tiến hành test cúm A càng sớm càng tốt.
Các phương pháp xét nghiệm cúm A
Xét nghiệm RT-PCR
Là xét nghiệm có độ chính xác cao. Xét nghiệm Real time RT-PCR có thể phân biệt được chủng virus mắc bệnh từ các mẫu bệnh phẩm thu được.
Bệnh phẩm bao gồm: Dịch tỵ hầu, dịch phế quản, dịch ngoài họng.
Sau 1-2 giờ bệnh nhân sẽ nhận được kết quả.
Phương pháp sắc ký miễn dịch
Phương pháp sắc ký miễn dịch có thể định tính và phân biệt kháng nguyên của virus cúm A trong các mẫu bệnh phẩm.
Ưu điểm của phương pháp này là cho kết quả nhanh, chỉ sau 10 phút với độ chính xác cao.
Phương pháp nuôi cấy virus
Được thực hiện trong các phòng thí nghiệm có điều kiện. Thời gian cho kết quả lâu. Nuôi cấy virus được thực hiện bằng cách lấy mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân, tiến hành nuôi cấy trong môi trường thích hợp, sau một thời gian, số lượng virus nhân lên nhanh chóng, có thể dễ dàng xác định được nguyên nhân gây bệnh.
Xét nghiệm nhanh (test nhanh)
Đúng như tên gọi, đây là phương pháp cho kết quả nhanh (chỉ từ 10 đến 15 phút) với cách làm dễ thực hiện, chi phí thấp. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là có độ chính xác và độ đặc hiệu không cao, thường sử dụng nhằm mục đích sàng lọc, không xác định được chủng gây bệnh.
Bệnh phẩm của phương pháp xét nghiệm nhanh thường là dịch mũi họng của người bệnh.
Ngoài ra, người bệnh có thể được thực hiện các xét nghiệm cơ bản (xét nghiệm công thức máu, xét nghiệm điện giải đồ, xét nghiệm đánh giá chức năng gan thận, chụp X-Quang tim, phổi), xét nghiệm dịch hầu họng để chẩn đoán.
Hướng dẫn test cúm A bằng que thử
Test nhanh cúm A tại nhà là phương pháp cho kết quả nhanh, dễ thực hiện, người bệnh có thể mua các que test cúm A/B tại các nhà thuốc và tự xét nghiệm ở nhà.
Bước 1: Lấy mẫu bệnh phẩm: Sử dụng que tăm bông trong bộ kit, để đầu bệnh nhân ngửa ra sau một góc 45 độ, nhẹ nhàng đưa đầu que tăm bông vào mũi của bệnh nhân.
Bước 2: Dùng tay xoay nhẹ đầu tăm bông để lấy đủ lượng dịch cần thiết.
Bước 3: Cắm đầu tăm bông vào trong ống nhựa có chứa dung dịch, xoay tròn và ép đầu tăm bông vào thành ống để lấy được nhiều bệnh phẩm nhất có thể, đậy nắp ống nhựa và lắc đều.
Bước 4: Xé bỏ túi nhôm đựng kit xét nghiệm, nhỏ dung dịch trong ống nghiệm vào ô chứa dung dịch trên khay thử.
Bước 5: Chờ kết quả xét nghiệm.
Sau khoảng 10 đến 15 phút, trên kit xét nghiệm nhanh sẽ hiển thị một trong ba kết quả sau:
Kết quả âm tính: Cửa sổ chỉ hiển thị một vạch màu đỏ ở vạch chứng C, điều này đồng nghĩa với việc trong mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân không có sự tồn tại của kháng nguyên virus cúm, người bệnh được sàng lọc không bị nhiễm bệnh cúm.
Kết quả dương tính: Cửa sổ của bộ kit hiển thị một trong số các kết quả sau:
- 2 vạch màu đỏ ở vạch chứng C và vạch thử A: Mẫu bệnh phẩm có chứa kháng nguyên virus cúm A, người bệnh dương tính với chủng virus cúm A.
- 2 vạch màu đỏ ở vạch chứng C và vạch thử B: Mẫu bệnh phẩm có chứa kháng nguyên virus cúm B, người bệnh dương tính với chủng virus cúm B.
- 3 vạch màu đỏ: Mẫu bệnh phẩm có chứa cả kháng nguyên virus A và kháng nguyên virus B, người bệnh dương tính với chủng virus cúm A và cúm B.
Kết quả không có giá trị: Cửa sổ hiển thị kết quả ở vạch thử A hoặc B, không hiển thị kết quả ở vạch chứng C hoặc không hiển thị kết quả. Cần xem xét lại thanh test hoặc quy trình xét nghiệm.
Tuy nhiên, như đã đề cập, xét nghiệm nhanh có nhược điểm là độ chính xác không cao, dễ gây sai số, do đó, để đảm bảo an toàn, người bệnh nghi ngờ mắc cúm A nên được thực hiện thêm những xét nghiệm khác.
Việc chẩn đoán virus cúm góp phần rất lớn trong thời gian điều trị cho người bệnh, ngăn ngừa biến chứng.