Hà Nội

4 phương pháp làm chậm tiến triển bệnh cận thị

19-09-2021 08:21 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Cận thị là một vấn đề sức khỏe khó tránh trong xã hội hiện đại, vậy làm thế nào để làm chậm quá trình cận thị hóa? Bài viết cung cấp một số thông tin để bạn đọc tham khảo.

Cận thị là một dạng lỗi khúc xạ ảnh hưởng đến cơ chế hội tụ của mắt. Do nhãn cầu bị dài ra, tia sáng sẽ hội tụ trước võng mạc thay vì ngay võng mạc. Và kết quả của điều này là những vật thể ở gần thì ta sẽ nhìn thấy rõ còn những vật ở xa thì lại mờ.

4 phương pháp giúp làm chậm tiến triển bệnh cận thị - Ảnh 1.

Thời gian học trực tuyến kéo dài càng làm gia tăng cận thị ở trẻ. Ảnh: Science News for Students

Có nhiều nguyên nhân gây ra cận thị, trong đó việc tiếp xúc quá nhiều với các đồ dùng công nghệ như máy tính, tivi, điện thoại… là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây cận thị. Đặc biệt là trong thời điểm dịch bệnh COVID-19, thời gian tiếp xúc với thiết bị công nghệ nhiều hơn, nhất là thời gian học trực tuyến kéo dài càng làm gia tăng cận thị ở trẻ.

Dự đoán đến năm 2025, tỷ lệ mắc cận thị trên toàn thế giới là 50% và sẽ trở thành một gánh nặng nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng.

Tham khảo 4 phương pháp giúp làm chậm sự tiến triển của cận thị:

Kính gọng và kính áp tròng

Khi ánh sáng đi vào mắt hội tụ tạo thành tiêu điểm nằm phía sau võng mạc (viễn thị võng mạc ngoại biên), điều này sẽ kích thích kéo dài trục nhãn cầu, trong khi nếu tiêu điểm này nằm phía trước võng mạc (cận thị võng mạc ngoại biên) sẽ làm chậm quá trình cận thị hóa.

Kính cận thị thông thường và kính áp tròng tiêu chuẩn gây ra hiện tượng viễn thị võng mạc ngoại biên. Các loại kính đa tròng (PAL), kính đa tròng phi cầu ngoại biên, gồm nhiều vùng quang học khác nhau và kính áp tròng đa tiêu cự đang được thử nghiệm ở trẻ em từ 8 đến 12 tuổi để làm chậm quá trình cận thị hóa bằng cách tạo ra cận thị võng mạc ngoại biên và giảm độ mờ do viễn thị.

4 phương pháp làm chậm tiến triển cận thị - Ảnh 1.

Đeo kính áp tròng ban đêm làm giảm sự tiến triển của cận thị.

Mặc dù chúng ta đã biết được rằng hạn chế được sự dài ra của trục nhãn cầu sẽ hạn chế được sự tiến triển của cận thị, nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi cần phải trả lời: Độ kính cần đeo là bao nhiêu để đạt hiệu quả tối ưu? Thời gian sử dụng mỗi ngày là bao lâu và kéo dài điều trị trong bao nhiêu năm? Khả năng tái phát cận thị sau khi ngừng sử dụng kính là như thế nào?

Phương pháp định hình giác mạc (Ortho-K) sử dụng kính áp tròng cứng đeo qua đêm để làm phẳng bề mặt giác mạc khi ngủ, do đó sẽ không cần sử dụng kính gọng vào ban ngày. Sự thay đổi hình dạng của giác mạc cũng có thể làm chậm sự tiến triển của cận thị bằng cách giữ cho tiêu điểm ảnh hội tụ đúng tại hoàng điểm, đảm bảo được thị lực trung tâm rõ nét trong khi đó ở vùng chu biên tạo thành vùng cận thị ngoại vi.

Thuốc atropine nhỏ mắt

Cơ chế tác dụng mặc dù chưa được biết rõ nhưng không liên quan đến sự điều tiết của mắt. Atropine liều thấp 0,01% đã được sử dụng ở trẻ em từ 5 đến 17 tuổi để làm giảm sự tiến triển của cận thị.

Atropine liều thấp 0,01% được dung nạp tốt hơn so với atropin nồng độ cao hơn trong khi đó lại không có khác biệt đáng kể về hiệu quả và atropin liều thấp giảm tỷ lệ cận thị tái phát sau ngừng thuốc.

Những trẻ đáp ứng kém với thuốc có thể được tăng liều từ từ. Tuy nhiên, người ta cho rằng, sự hiệu quả của atropin là khác nhau giữa các vùng địa lý, chủng tộc vì vậy cần phải có các nghiên cứu đánh giá theo từng khu vực địa lý khác nhau để đưa ra nồng độ và liều lượng thuốc lý tưởng cho từng khu vực.

Cận thị tái phát xuất hiện sau ngưng thuốc có thể khắc phục bằng cách sử dụng liều thấp hơn, giảm liều dần khi đã ổn định và tiếp tục điều trị cho đến hơn 12 tuổi hoặc đến cuối tuổi vị thành niên.

4 phương pháp làm chậm tiến triển cận thị - Ảnh 2.

Không tự ý nhỏ thuốc mắt nếu không có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Huấn luyện thị giác

Ở những bệnh nhân cận thị có thể thấy những bất thường về khả năng điều tiết gây ra bởi tình trạng giảm chất lượng hình ảnh ở võng mạc ngoại vi và điều này cũng làm tăng tiến triển của cận thị. Khi mắt giảm khả năng điều tiết thì cận thị hóa có thể xảy ra.

Ở bệnh nhân đeo kính đa tròng cần thời gian thích nghi với kính và gây ra sự điều tiết non độ của thể thủy tinh. Ngoài ra, kính đa tròng có thể làm giảm chất lượng hình ảnh vùng xung quanh hoàng điểm do bản thân thiết kế của kính và cũng có thể gây ra cận thị khi nhìn gần.

Huấn luyện thị giác nhằm cải thiện sự điều tiết của bệnh nhân, đóng một vai trò quan trọng. Kính áp tròng mềm tùy chỉnh theo từng bệnh nhân đang được nghiên cứu để giúp giảm bớt quang sai cầu, cải thiện khả năng điều tiết và giảm điều tiết non độ. Nghiên cứu CAMS (The Cambridge Anti-Myopia Study) đã sử dụng các biện pháp huấn luyện thị giác và thay đổi quang sai cầu để cải thiện khả năng điều tiết ở trẻ.

Các phương pháp tham khảo nói trên khi áp dụng cho trường hợp người cận thị cụ thể phải được bác sĩ chuyên khoa thăm khám, chỉ định và tư vấn kỹ càng. Tuyệt đối không tự ý thực hiện bất kỳ phương pháp nào để tránh nguy cơ tổn thương mắt.

Thay đổi lối sống

Phương pháp thay đổi lối sống là việc mỗi người cận thị nên chủ động thực hiện để hạn chế sự tiến triển của quá trình cận thị. 

- Hạn chế tiếp xúc với các thiết bị điện tử,

- Nên dành thời gian nghỉ ngơi cho mắt, 

- Bổ sung các vitamin A, vitamin E và Omega 3 có trong thực phẩm hằng ngày.

Các yếu tố môi trường bao gồm thời gian ở ngoài trời, thời gian nhìn gần kéo dài và cường độ cao, sự đô thị hóa… có liên quan đến sự tiến triển của cận thị. Như vậy cần phải có một cách tiếp cận đa hướng, toàn diện để phòng ngừa cận thị mang lại hiệu quả.

Cảnh báo gia tăng trẻ cận thị trong mùa dịch COVID-19Cảnh báo gia tăng trẻ cận thị trong mùa dịch COVID-19

SKĐS - Các chuyên gia y tế cảnh báo với tình hình dịch bệnh phức tạp, thời gian ở trong nhà quá lâu cùng các thiết bị di động, tivi, máy tính, lớp học online và đọc truyện tranh… sẽ khiến trẻ em mắc các tật về mắt ngày càng gia tăng, nếu không can thiệp sớm có thể dẫn đến mù lòa.

Xem thêm video được quan tâm:

Trẻ xem thiết bị điện tử bao lâu thì ảnh hưởng đến mắt?



BS. Vĩnh Tuyên - Trọng Hoàng
Ý kiến của bạn