4 phương pháp điều trị tăng nhãn áp phổ biến

02-12-2021 15:00 | Y học 360
google news

Bệnh tăng nhãn áp nếu không được điều trị kịp thời có thể gây tổn thương dây thần kinh thị giác và dẫn đến mất dần thị lực không hồi phục.


photo-1638431626104

Hãy cùng tìm hiểu tất cả thông tin về bệnh tăng nhãn áp, cũng như các phương pháp điều trị phổ biến trong bài viết bên dưới.

Tăng nhãn áp là gì?

Thủy dịch trong suốt ở phần trước mắt có nhiệm vụ nuôi dưỡng và tạo hình dạng cho mắt. Mắt sẽ liên tục sản xuất thủy dịch và thoát ra ngoài qua hệ thống cố định, giữ cho áp suất trong mắt (hay còn gọi là nhãn áp hoặc IOP) được ổn định.

Tuy nhiên, vì một số nguyên nhân nào đó, hệ thống này không thể hoạt động như bình thường, chất lỏng sẽ chảy khỏi mắt rất chậm và bị tích tụ, gây ra tình trạng tăng áp suất bên trong mắt hay còn gọi là tăng nhãn áp (Glaucoma).

Dưới đây là hai loại tăng nhãn áp phổ biến:

- Tăng nhãn áp góc mở: khi thủy dịch không chảy ra ngoài như bình thường dù cấu trúc dẫn lưu trong mắt (được gọi là lưới trabecular) vẫn tựa như đang hoạt động rất ổn. Đây còn được gọi là bệnh tăng nhãn áp âm thầm và thường không thấy bất kỳ triệu chứng nào, ngay cả khi đã bị mất thị lực nhẹ. Thông thường chỉ được phát hiện khi ở giai đoạn nặng của bệnh hoặc phát hiện khi bệnh nhân đi khám mắt vì một nguyên nhân khác.

- Bệnh tăng nhãn áp góc đóng: Thủy dịch không thể thoát ra ngoài như bình thường do không gian thoát nước giữa mống mắt và giác mạc trở nên quá hẹp, dẫn đến áp suất trong mắt tăng đột ngột. Do đó, người bệnh có thể đột ngột bị đau và giảm thị lực nhanh chóng.

4 phương pháp điều trị tăng nhãn áp

Những tổn thương mà bệnh tăng nhãn áp gây ra có thể không hồi phục được và theo người bệnh vĩnh viễn, nhưng, các loại thuốc và phẫu thuật mắt có thể giúp ngăn chặn các tổn thương thêm trầm trọng. Sau đây là 4 phương pháp điều trị tăng nhãn áp:

Thuốc nhỏ mắt

photo-1638431628120

Thuốc mắt thường được lựa chọn để điều trị trong giai đoạn đầu, giúp giảm lượng chất lỏng trong mắt và cải thiện quá trình thoát thủy dịch. Sau đây là một số loại thuốc được sử dụng trong điều trị Glaucoma, bao gồm:

- Prostaglandin

- Chất ức chế anhydrase carbonic

- Thuốc co đồng tử

- Thuốc chẹn beta

- Chất đồng vận alpha

- Chất ức chế rho kinase

Tuy nhiên, tác dụng phụ của các loại thuốc này thường rất nhiều như:

- Cay mắt

- Đỏ mắt

- Thay đổi màu mắt hoặc vùng da quanh mắt

- Đau đầu

- Khô miệng

- Thỉnh thoảng có thể bị bong võng mạc hoặc khó thở

Nhằm giảm thiểu các tác dụng phụ không mong muốn, hãy nhắm mắt từ một đến hai phút sau khi nhỏ thuốc vào hoặc ấn nhẹ vào khóe mắt gần mũi để đóng ống dẫn nước mắt trong một hoặc hai phút và sau đó, lau sạch những giọt thuốc tràn khỏi mí mắt.

Ngoài ra, vì việc sử dụng thuốc hạ nhãn áp lâu dài, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc sử dụng bổ sung nước mắt nhân tạo để giảm khó chịu cho mắt và hạn chế tác dụng phụ gây khô mắt và tổn thương bề mặt mắt do thuốc hạ nhãn áp gây ra. Các loại nước mắt nhân tạo không sử dụng chất bảo quản, có thành phần gần giống như nước mắt tự nhiên và kết hợp với một vài dưỡng chất tốt cho mắt là một gợi ý dành cho những người tăng nhãn áp.

Đối với thành phần nước mắt nhân tạo, hãy tham khảo thành phần natri hyaluronate - một thành phần có trong nước mắt tự nhiên và được nghiên cứu chứng minh rằng, có thể cải thiện đáng kể các triệu chứng và dấu hiệu tổn thương bề mặt mắt ở những bệnh nhân điều trị bằng thuốc chống tăng nhãn áp.

Điều trị Laser

photo-1638431629511

Khi sử dụng thuốc nhỏ mắt không có hiệu quả, các bác sĩ có thể khuyển nghỉ sử dụng laser để điều trị, bao gồm:

- Laser Trabeculoplasty: tia laser được sử dụng để mở các ống dẫn lưu để nhiều chất lỏng thoát ra hơn và giảm áp suất bên trong mắt.

- Laser Cyclodiode: sử dụng tia laser để phá hủy một số mô mắt tạo ra thủy dịch để, có thể làm giảm áp suất bên trong mắt

- Laser Iridotomy: sử dụng tia laser tạo ra các lỗ trong mống mắt để chất lỏng chảy ra khỏi mắt

Khi điều trị laser, đôi mắt sẽ được gây tê cục bộ để giảm đau hoặc nóng trong quá trình thực hiện, tuy nhiên, người bệnh vẫn trong trạng thái tỉnh táo. Sau khi phẫu thuật laser, có thể bạn vẫn cần sử dụng thuốc nhỏ mắt để tiếp tục điều trị.

Uống thuốc điều trị

Bác sĩ có thể kê đơn một số loại thuốc sau để cải thiện tình trạng tăng nhãn áp bằng cách tăng sự thoát nước hoặc làm chậm lại quá trình tạo dịch trong mắt như:

- Thuốc chẹn beta

- Chất ức chế anhydrase carbonic

Tuy nhiên, bạn cũng nên lưu ý một số tác dụng phụ của các loại thuốc này như đi tiểu thường xuyên, ngứa ran ở ngón tay và ngón chân, trầm cảm, đau dạ dày và sỏi thận.

Phẫu thuật

Nếu việc sử dụng thuốc không hiệu quả, các bác sĩ có thể đề nghị sử dụng phương pháp phẫu thuật. Mục đích của các ca phẫu thuật này nhằm mục đích giảm áp lực bên trong mắt. Sau đây là hai biện pháp can thiệp:

- Phương pháp cắt bè củng giác mạc (Trabeculectomy): Bác sĩ sẽ tạo một khe nhỏ trong củng mạc và một sẹo bọng trong kết mạc để tạo bộ lọc. Thủy dịch có thể sẽ thoát ra khỏi mắt qua khe nhỏ và vào trong sẹo bọng này. Bên trong sẹo bọng, các mô xung quanh sẽ hấp thụ thủy dịch và làm giảm nhãn áp.

- Cấy ghép dẫn lưu (Drainage implant): sử dụng một ống silicon nhỏ chèn vào mắt để cải thiện khả năng dẫn lưu. Phương pháp này thường được sử dụng để điều trị những ca bệnh tăng nhãn áp ở trẻ em hoặc do tình trạng sức khỏe khác.

Mẹo sống chung với tăng nhãn áp

photo-1638431630969

Một số mẹo sau sẽ hỗ trợ kiểm soát nhãn áp cao và tăng cường sức khỏe mắt:

- Chế độ ăn uống lành mạnh: hãy bổ sung một số vitamin và chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe mắt như kẽm, đồng, các vitamin C, E và A.

- Tập thể dục thường xuyên: điều này có thể làm giảm nhãn áp trong bệnh tăng nhãn áp góc mở

- Nâng cao đầu khi ngủ: Sử dụng một chiếc gối mềm giữ cho đầu hơi nâng lên, khoảng 20 độ có thể làm giảm nhãn áp trong khi ngủ.

- Bảo vệ đôi mắt: Đeo kính bảo vệ khi làm việc, ra đường, đứng dưới ánh mặt trời hoặc khi chơi thể thao.

- Uống thuốc theo đơn đầy đủ: điều này giúp đạt được kết quả điều trị tốt nhất có thể.

Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ và biết nhiều thông tin hơn về bệnh tăng nhãn áp.

* Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi BS CKII Phan Tiến Hy - Giám đốc Chuyên môn Trung tâm Mắt Phương Đông, 71 Ngô Thời Nhiệm Quận 3, TP.HCM


PV
Ý kiến của bạn