Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính hiện có khoảng hơn 1 tỷ người trên thế giới mắc bệnh cao huyết áp và con số này đang tiếp tục tăng mạnh, trẻ hóa nhanh chóng về độ tuổi.
Mỗi năm trên thế giới có khoảng 9,4 triệu người bị tăng huyết áp đã tử vong. Tại Việt Nam có khoảng 12 triệu người bị tăng huyết áp, tức là cứ 5 người trưởng thành thì có 1 người mắc. Trong đó có tới gần 60% chưa được phát hiện và trên 80% chưa được điều trị.
Các chuyên gia cũng khẳng định đây là 1 bệnh lý tiến triển âm thầm nhưng gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe, hiệu quả công việc, làm mất khả năng lao động, thậm chí còn là gánh nặng và làm tổn thất rất lớn về kinh tế cho gia đình, cho xã hội. Vì vậy, ngăn chặn bệnh ngay từ trẻ, từ thói quen sinh hoạt và chế độ ăn uống là việc cần thiết mà ai cũng có thể thực hiện được.
Hạn chế nạp chất béo
Theo các chuyên gia, "kẻ thù" đầu tiên của người tăng huyết áp là chất béo. Chất béo từ thịt cũng như chất béo có trong da các loại gia cầm không chỉ làm tăng cân mà còn là yếu tố góp phần quan trọng vào việc gây xơ vữa động mạch, dẫn đến tăng huyết áp, bệnh tim, đột quỵ.
Do đó, người mắc bệnh tăng huyết áp thay vì ăn thực phẩm có chất béo nên dùng các món ăn chế biến từ cá, hải sản để vừa giảm bớt mỡ vừa có thêm các acid béo không no, omega, khoáng chất có lợi cho người tăng huyết áp.
Hạn chế muối ăn
Muối ăn đã được nhiều nghiên cứu chứng minh là nguyên nhân làm tăng huyết áp. Các nghiên cứu cho thấy, ở những quốc gia có chế độ ăn nhiều muối có tỷ lệ dân số bị tăng huyết áp nhiều hơn. Các nhà khoa học cho rằng, khi thừa muối thì lượng dịch trong máu tăng lên gây tăng huyết áp; và lượng muối ứ đọng nhiều trong thành mạch làm thành mạch "cứng hơn" là một yếu tố thuận lợi cho tăng huyết áp.
Để tránh việc sử dụng đồ ăn có nhiều muối, người tăng huyết áp cần hạn chế những món như thịt nguội, dưa muối hay những món kho…
Nói không với nội tạng động vật
Nội tạng động vật có chứa hàm lượng chất béo bão hoà và cholesterol cao hơn nhiều so với thịt. Khi nội tạng động vật được tiêu thụ nhiều sẽ làm tăng mỡ máu, có hại cho tim mạch, tăng huyết áp. Ngoài ra, nội tạng động vật không rõ nguồn gốc còn tiềm ẩn các nguy cơ gây bệnh ung thư, não, giun sán, viêm cơ tim, viêm phổi,…
Nói không với kích thích
Chỉ cần uống 100 ml rượu là đủ để tăng áp lực thành mạch lên 3 mmHg. Do đó, để ngừa tăng huyết áp nên hạn chế uống rượu, nếu có uống thì nên giới hạn ở mức độ không quá 50 ml rượu mạnh, 150 ml rượu vang và 350 ml bia.
Với những người có tiền sử bị cao huyết áp, theo các chuyên gia y tế tốt nhất nên hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cà phê.
Chế độ sinh hoạt tốt cho người tăng huyết áp
Đối với hầu hết bệnh nhân tăng huyết áp, ngoài việc dùng thuốc đúng giờ, cần kết hợp các phương pháp điều trị sau đây:
- Giảm cân: Đối với bệnh nhân béo phì, huyết áp có thể giảm 10 - 20 mmHg cho mỗi lần giảm 5 kg.
- Tập thể dục nhiều hơn: Nếu bạn tập thể dục và đi bộ hơn nửa giờ, huyết áp của bạn có thể giảm 10 mmHg.
- Tâm trạng tốt: Vui vẻ, không lo lắng hay nóng giận, huyết áp có thể giảm 5-10 mmHg.
- Không thức khuya: Nếu bạn không ngủ ngon vào ban đêm dễ dẫn đến tình trạng huyết áp thay đổi bất thường. Bạn không thể phục hồi sức khỏe bằng cách ngủ bù vào ngày hôm sau.
- Không hút thuốc: Sau khi hút một điếu thuốc, nhịp tim sẽ tăng 5-20 lần mỗi phút, huyết áp tâm thu tăng thêm 10-25 mmHg. Nếu bạn hút 2 điếu thuốc thì 10 phút sau do adrenaline và norepinephrine tăng nên tim đập nhanh hơn, huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương đều tăng.
Mời bạn đọc xem video đang được nhiều người quan tâm!
Những điều nên tránh khi tự làm test nhanh COVID-19 tại nhà.