Hà Nội

4 nhóm thực phẩm dễ gây dị ứng nhất bạn đã biết chưa?

10-02-2024 16:39 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Tất cả các loại thực phẩm nói chung đều có thể gây dị ứng. Tuy vậy, dị ứng thực phẩm cũng chỉ xảy ra trên số ít người “nhạy cảm” với một số loại thực phẩm nhất định.

Phòng ngừa và xử trí dị ứng thức ănPhòng ngừa và xử trí dị ứng thức ăn

SKĐS - Dị ứng thức ăn thường phát triển trong vòng vài phút đến một giờ sau khi ăn. Phản ứng dị ứng với một loại thức ăn đặc biệt có thể khó chịu, có thể rất nặng, thậm chí đe dọa tính mạng.

Dị ứng thực phẩm là một phản ứng miễn dịch đối với một số loại thực phẩm. Tỷ lệ dị ứng thực phẩm phản ứng không dung nạp qua trung gian miễn dịch là khoảng 2% đến 5% ở trẻ em và người lớn, ở một số nước phương Tây thậm chí còn cho thấy tỷ lệ mắc bệnh là 10%. 

Hầu hết các dị ứng qua trung gian IgE (Immunoglobulin E là một trong 5 loại kháng thể được hệ miễn dịch tạo ra trong phản ứng dị ứng) chủ yếu xảy ra ở trẻ em và thường tự khỏi trong độ tuổi từ 5 - 10 tuổi. Một số dị ứng có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành.

Có hơn 70 thực phẩm được ghi nhận là nguyên nhân gây dị ứng thức ăn. Cách tốt nhất để phòng tránh đối với những người bị dị ứng thức ăn là không ăn những thực phẩm gây dị ứng.

Một số loại thực phẩm những người có cơ địa dị ứng hay quá nhạy cảm nên tránh

- Nhóm thực phẩm lên men chứa histamin

Tất cả loại thực phẩm lên men có lượng histamin cao là một trong những chất dinh dưỡng có thể làm nặng thêm hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng dễ phát ban ngứa đã tiềm ẩn sẵn, thường gặp ở những người có cơ địa dị ứng, cụ thể: cá đóng hộp, cá hun khói, nước tương, rượu sâm banh, bia, giấm, nước sốt, rượu vang, xúc xích và nhiều thực phẩm khác nữa. Vì vậy, những người có cơ địa dị ứng trước khi dùng cần đọc danh sách các thành phần của thực phẩm trên bao bì.

- Nhóm thực phẩm hải sản

Dị ứng với hải sản có vỏ cứng như tôm cua thường xuất hiện ở trẻ lớn và người lớn, nhất là ở những vùng người dân hay ăn tôm cua. Người dị ứng với tôm cua cũng thường dị ứng với các loài nhuyễn thể như trai, sò, ốc, hến, ngao, mực, bạch tuộc… Vì vậy, nếu có cơ địa dị ứng cần tránh thực phẩm hải sản vì có thể làm tăng vấn đề về da (hàu, cá biển, cua, mực, tôm).

- Nhóm thực phẩm tăng cường bài tiết histamin

Tránh trái cây có xu hướng kích thích lượng histamine trong cơ thể bao gồm sôcôla, dâu tây, các loại hạt....

Theo nghiên cứu, các loại hạt như hạt dẻ, hạt điều, hạnh nhân, óc chó, hạt dẻ cười, hạt thông… được coi là thực phẩm có tiềm năng gây dị ứng lớn nhất, nghĩa là chỉ cần một lượng rất nhỏ cũng đủ gây phản ứng dữ dội. Khoảng 0,5% dân số dị ứng với các hạt này, bệnh hiếm khi tự khỏi.

Trẻ dị ứng với một loại hạt cây thường cũng sẽ dị ứng với các loại hạt cây khác và có thể dị ứng chéo với lạc. Dị ứng hạt điều được cho là nặng hơn dị ứng lạc.

Triệu chứng lâm sàng bao gồm các dấu hiệu phản ứng nhẹ như nổi mẩn quanh miệng hoặc toàn thân, đau bụng, nôn. Trường hợp nặng có thể gây ho, thở khò khè, khó thở, khàn giọng... do dị ứng đường hô hấp. Trường hợp nặng có thể gây ngất, thậm chí là sốc phản vệ dẫn tới tử vong.

Phản ứng dữ dội với hạt có thể bị kích hoạt bởi một lượng thực phẩm cực nhỏ (đôi khi chỉ là tiếp xúc qua da hoặc qua hít thở), người bị dị ứng cần tuyệt đối tránh các thực phẩm này.

4 nhóm thực phẩm dễ gây dị ứng nhất bạn đã biết chưa?- Ảnh 2.

Dị ứng thực phẩm là một phản ứng miễn dịch đối với một số loại thực phẩm.

- Sữa bò và sản phẩm từ sữa

Sữa bò là thủ phạm chính gây dị ứng thức ăn ở trẻ nhỏ. Khoảng 2 - 3% trẻ dị ứng với sữa. Rất may khi lên 6 tuổi, 90% số trẻ này tự khỏi.

Dị ứng sữa bò liên quan tới phản ứng miễn dịch chống lại một trong hai hoặc cả hai protein của sữa là casein và protein huyết thanh (whey protein). Các protein này cũng có mặt trong sữa của động vật có vú khác, vì vậy trẻ dị ứng sữa bò thường cũng sẽ dị ứng với sữa dê, sữa cừu.

Dị ứng với protein sữa bò thường gây biểu hiện ngoài da (ban đỏ, mày đay, viêm da, chàm), triệu chứng tiêu hóa (đau bụng, rối loạn tiêu hóa), và hô hấp (khó thở, hen) ngay trong giờ đầu sau khi sử dụng.

Trường hợp dị ứng nặng có thể gây sốc phản vệ, nguy cơ tử vong cao. Trên lâm sàng, dị ứng sữa bò thường bị nhầm với không dung nạp sữa bò, một bệnh lý có nguyên nhân di truyền, do thiếu men tiêu hóa đường lactose.

Dị ứng sữa bò làm tăng nguy cơ dị ứng với các thức ăn khác. Có tới 10% trẻ dị ứng sữa bò sẽ phản ứng với thịt bò.

Khi đang bị nổi mẩn ngứa trên da, thì cần phải tránh những sản phẩm sữa hoàn toàn. Từ sữa chua và pho mát cho đến các loại kem, quên chúng trong một thời gian cho đến khi thành công trong việc chữa các bệnh về da. Ở đây sữa tách kem và các sản phẩm từ sữa ít chất béo cũng không được khuyến khích.

Tóm lại: Dị ứng thực phẩm là một phản ứng có hại của cơ thể đối với một thực phẩm với sự tham gia của cơ chế miễn dịch. Biểu hiện của dị ứng thực phẩm rất khác nhau từ khó chịu nhẹ đến nặng hoặc những phản ứng gây chết người, đòi hỏi sự can thiệp y tế ngay tức thì.

Trong đó, một số thực phẩm chứa histamin, bia, rượu sâm banh, hải sản, sữa, trứng... có thể gây ngứa phát ban ở những người có cơ địa dị ứng. Vì vậy, ngày Tết cũng cần chú ý đến những thực phẩm này.

Các triệu chứng dị ứng thực phẩm phổ biến nhất có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi. Thậm chí chúng ta có thể dị ứng với loại thực phẩm đã ăn trong nhiều năm qua không có vấn đề gì. Sau khi ăn nếu thấy xuất hiện phát ban ngứa… thì cần nghĩ đến tình trạng dị ứng, nên được thăm khám và điều trị. Bởi các phản ứng dị ứng (đặc biệt là sốc phản vệ) không phụ thuộc số lượng ăn vào nhiều hay ít, mà phụ thuộc vào độ mẫn cảm của từng cá thể, gây nguy hại tới sức khỏe, thậm chí tử vong.

BS Lê Hải
Ý kiến của bạn