Ớt chuông có màu sắc rực rỡ và hương vị đặc trưng đã trở thành một nguyên liệu phổ biến trong nhiều món ăn trên khắp thế giới. Giàu vitamin C, A, chất chống oxy hóa và chất xơ, ớt chuông mang lại nhiều lợi ích sức khỏe đáng kể, từ tăng cường hệ miễn dịch, cải thiện thị lực đến hỗ trợ tiêu hóa.
Tuy nhiên, giống như bất kỳ thực phẩm nào, ớt chuông không phải là lựa chọn lý tưởng cho tất cả mọi người. Một số người cần đặc biệt lưu ý và cân nhắc khi đưa ớt chuông vào chế độ ăn uống của mình.
1. Những người nên tránh hoặc hạn chế ăn ớt chuông

Ớt chuông có lợi cho sức khỏe nhưng không phải là lựa chọn lý tưởng cho tất cả mọi người.
Mặc dù ớt chuông thường được coi là an toàn cho người trưởng thành khỏe mạnh bình thường nhưng chúng có thể gây ra tác dụng phụ ở một số người.
1.1. Người có tiền sử dị ứng hoặc nhạy cảm với ớt chuông
Tuy cực kỳ hiếm gặp nhưng vẫn có một số người bị dị ứng với ớt chuông. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người bị dị ứng phấn hoa có thể nhạy cảm với các hợp chất trong ớt chuông hoặc những người đã từng có phản ứng dị ứng với các loại ớt khác (như ớt cay) cũng cần thận trọng vì có thể có phản ứng chéo. Các biểu hiện thường là:
- Phản ứng ngoài da: Nổi mề đay, phát ban, ngứa, sưng tấy.
- Vấn đề hô hấp: Khó thở, thở khò khè, nghẹt mũi.
- Vấn đề tiêu hóa: Buồn nôn, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy.
- Triệu chứng toàn thân: Mệt mỏi, chóng mặt, thậm chí sốc phản vệ trong trường hợp nặng.
Do đó, nếu nghi ngờ bị dị ứng ớt chuông, điều quan trọng là phải tham khảo ý kiến bác sĩ để được chẩn đoán và tư vấn cụ thể.
1.2. Người có vấn đề về tiêu hóa và dạ dày nhạy cảm
Ớt chuông, đặc biệt là khi ăn sống, chứa một lượng đáng kể chất xơ. Mặc dù chất xơ tốt cho hệ tiêu hóa nhưng đối với những người có hệ tiêu hóa nhạy cảm hoặc đang mắc các bệnh lý về đường ruột, dạ dày, việc tiêu thụ quá nhiều chất xơ, đặc biệt là chất xơ không hòa tan, có thể gây ra những khó chịu:
Hội chứng ruột kích thích: Ớt chuông có thể kích thích các triệu chứng của hội chứng ruột khích thích như đầy hơi, chướng bụng, đau quặn bụng, tiêu chảy hoặc táo bón.
Viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản: Mặc dù ớt chuông không cay như ớt hiểm nhưng vẫn có thể kích thích tăng tiết acid dạ dày, làm trầm trọng thêm tình trạng viêm loét hoặc gây ra cảm giác nóng rát, ợ chua.
Khó tiêu, đầy hơi: Lượng chất xơ trong ớt chuông có thể khó tiêu hóa đối với một số người, dẫn đến cảm giác đầy bụng, chướng hơi, đặc biệt khi ăn sống hoặc với số lượng lớn.
Đối với những trường hợp này, nếu muốn ăn ớt chuông, nên chế biến kỹ (luộc, hấp, nấu chín mềm) và ăn với lượng vừa phải để giảm bớt gánh nặng cho hệ tiêu hóa.
1.3. Người mắc bệnh thận
Ớt chuông chứa một lượng kali nhất định. Mặc dù kali là khoáng chất cần thiết nhưng đối với những bệnh nhân suy thận, đặc biệt là những người đang chạy thận nhân tạo, việc tiêu thụ quá nhiều kali có thể gây ra tình trạng tăng kali máu, dẫn đến những biến chứng nguy hiểm cho tim mạch.
Ngoài ra, một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc lạm dụng ớt chuông có thể không tốt cho chức năng của thận, làm tăng nguy cơ tích tụ sỏi ở ống niệu quản. Do đó, người mắc bệnh thận cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để điều chỉnh lượng ớt chuông phù hợp trong chế độ ăn.
1.4. Trẻ nhỏ dưới 3 tuổi
Hệ tiêu hóa của trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi, còn non yếu và chưa hoàn thiện. Ớt chuông không cay nhưng hàm lượng chất xơ và một số hợp chất thực vật có thể gây khó tiêu, đầy bụng cho trẻ. Do đó, khi đưa ớt chuông vào thực đơn cho trẻ nhỏ, các bậc phụ huynh cần cân nhắc kỹ, nên nấu chín mềm, nghiền nhỏ và cho bé ăn với lượng rất ít để xem phản ứng của cơ thể.
2. Lượng tiêu thụ hợp lý và lưu ý quan trọng

Nên ăn 1 - 2 quả ớt chuông vừa mỗi ngày để tránh những tác dụng phụ có thể xảy ra với cơ thể.
Đối với những người không thuộc các nhóm trên, ớt chuông vẫn là một thực phẩm tuyệt vời cho sức khỏe. Tuy nhiên, việc tiêu thụ hợp lý là chìa khóa.
Lượng khuyến nghị: Mặc dù không có con số cố định nhưng việc tiêu thụ khoảng 100 - 200 g ớt chuông mỗi ngày (khoảng 1 - 2 quả vừa) thường được xem là an toàn và đủ để hấp thụ các chất dinh dưỡng mà không gây ra tác dụng phụ.
Chế biến phù hợp: Đối với những người có hệ tiêu hóa nhạy cảm hoặc muốn giảm thiểu nguy cơ khó tiêu, nên nấu chín ớt chuông thay vì ăn sống. Nấu chín giúp làm mềm chất xơ và dễ tiêu hóa hơn.
Tránh ăn hạt: Hạt ớt chuông gây khó tiêu ở một số người.
Rửa sạch: Luôn rửa sạch ớt chuông dưới vòi nước chảy hoặc ngâm trong nước muối loãng trước khi ăn để loại bỏ bụi bẩn, thuốc trừ sâu và vi khuẩn.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Lợi ích đáng kinh ngạc của lá ổi đối với sức khoẻ.