Hà Nội

4 nguyên tắc phòng ngừa nấm da vào mùa hè bạn cần biết

20-05-2021 15:00 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Nấm da xuất hiện nhiều vào mùa hè, gây các tổn thương ở nhiều vị trí như trên da, tóc và móng. Bệnh có đặc điểm dễ lây lan và có khả năng tái phát nếu không được điều trị dứt điểm và phòng ngừa đúng cách.

Thời tiết nóng nực khiến da thường ra nhiều mồ hôi dẫn đến việc rất dễ mắc một số bệnh da do nấm như hắc lào, lang ben, nấm kẽ...

Bệnh nấm da có thể bị ở mọi nơi trên da nhưng thường gặp ở một số nơi như bàn tay, bàn chân, bẹn, nách... nơi da ẩm ướt và nóng, gây ngứa ngáy khó chịu, trường hợp nặng có thể gây nhiễm khuẩn, xuất hiện mụn mủ, sưng tấy, sốt.

Chú ý các biểu hiện của nấm da

Tại Khoa Xét nghiệm Vi sinh - Nấm - Ký sinh trùng, Bệnh viện Da liễu Trung ương, trung bình mỗi ngày có khoảng 40 – 50 bệnh nhân nhiễm nấm tới thăm khám.

Chị Huỳnh Tú L. (Quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) cho biết: Sau khi sinh em bé đầu lòng, phần da ở má, cổ và lưng của người phụ nữ này xuất hiện những đốm trắng, không đều màu. Dù không ngứa hay gây khó chịu nhưng các vết loang ngày càng lan rộng ra nhiều vị trí khiến chị không khỏi lo lắng. Tới bệnh viện thăm khám, chị được các bác sĩ chẩn đoán xác định mắc nấm da và cần phải điều trị.

Theo TS.BS. Trần Cẩm Vân - Trưởng Khoa Xét nghiệm Vi sinh, Nấm, Kí sinh trùng của Bệnh viện Da liễu Trung ương, nấm da có nhiều chủng, mỗi chủng đều có sự thích nghi, gây nhiễm bệnh, do đó, mọi vùng da đều có nguy cơ mắc.

Tuy nhiên, những vùng da ẩm ướt, nhiều mồ hôi có nguy cơ nhiễm cao hơn như bẹn, kẽ ngón chân, ngón tay, xung quanh thắt lưng, nách, cổ, da đầu… Các bệnh thường gặp có thể kể đến như nấm thân, nấm kẽ, nấm móng, nấm tóc, lang ben.

Biểu hiện lâm sàng của bệnh là các đám tròn, đỏ, ranh giới rõ, bờ đa cung, có thể có mụn nước nhỏ ở bờ viền. Tuy nhiên, một số người vẫn còn chủ quan, không thăm khám kịp thời khiến tình trạng bệnh nặng hơn.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân tại BV Da liễu Trung ương.

Cũng theo chuyên gia da liễu, bệnh nấm da là bệnh có thể lây truyền qua 3 con đường từ người sang người, từ động vật sang người và từ đất. Vì vậy, để phòng bệnh, người dân cần cần giữ gìn vệ sinh cá nhân, không mặc quần áo ẩm ướt, không dùng chung quần áo, tránh tiếp xúc với vật nuôi nhiễm bệnh như chó mèo. Lưu ý cần điều trị sớm ngay khi phát hiện bệnh.

TS.BS. Trần Cẩm Vân chia sẻ những nguyên tắc quan trọng để phòng ngừa nấm da gồm:

1. Trước tiên cần phải tránh tiếp xúc với nguồn lây nhiễm bằng cách không dùng chung các vật dụng cá nhân như nón mũ, áo quần, giày dép, cát móng tay, khăn mặt và khăn tắm.

Ngoài ra tránh tiếp xúc trực tiếp với các vật nuôi có thể là nguồn lây bệnh nấm da như chó, mèo...

2. Thường xuyên vệ sinh thân thể sạch sẽ, tắm gội và giặt giũ quần áo, chăn màn thường xuyên là cách hữu hiệu để phòng ngừa bệnh nấm da, đặc biệt là ở những nơi nóng ẩm. Nên phơi đồ trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời.

3. Mặc những loại vải mỏng và thoải mái như cotton, đặc biệt với đồ lót. Những nơi dễ bị nấm như bộ phận sinh dục, bàn chân, ngón chân, nách cần được vệ sinh thường xuyên và giữ cho da luôn khô thoáng..

4. Khi có dấu hiệu bị nấm da cần đến khám bác sĩ chuyên khoa da liễu để được chẩn đoán lâm sàng và làm các xét nghiệm cần thiết. Từ kết quả xét nghiệm sẽ được chỉ định điều trị đúng bệnh, đúng thuốc, đủ thời gian.

Lưu ý: Chỉ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa da liễu, tránh tự ý mua thuốc dùng hoặc theo hướng dẫn của người không phải là bác sĩ da liễu để tránh gặp phải các biến chứng.


Dương Hải
Ý kiến của bạn