1. Vì sao người bệnh đái tháo đường dễ bị biến chứng loét bàn chân
Đái tháo đường là một bệnh chuyển hóa làm tăng nồng độ Glucose trong máu, dẫn đến làm cứng và thu hẹp các mạch máu. Điều này kéo dài gây bệnh xơ vữa động mạch, giảm cung cấp máu và oxy đến mô bàn chân, dẫn đến chậm lành vết thương. Do đó, nếu bệnh không được điều trị, chăm sóc đúng, tổn thương thiếu máu này có thể dẫn đến cắt cụt chi.
Theo nghiên cứu, có nhiều nguyên nhân khiến cho người bệnh đái tháo đường dễ bị biến chứng loét bàn chân, trong đó thường thấy là tổn thương mạch máu. Khi đó các mạch máu bị hẹp hoặc tắc sẽ làm giảm lượng máu đến bàn chân, làm các vết loét bàn chân đái tháo đường lâu lành.
Các tổn thương thần kinh ngoại biên ở người bệnh đái tháo đường sẽ làm giảm khả năng cảm nhận cảm giác ở bàn chân.
Ngoài ra, do đường trong máu cao làm vi khuẩn phát triển và do tổn thương vi mạch, thiếu máu mô thường trực. Vì vậy, người bệnh đái tháo đường dễ bị nhiễm trùng hơn so với người bình thường. Chỉ cần một vết thương nhỏ cũng có thể gây ra nhiễm trùng và loét bàn chân đái tháo đường, nếu nhiễm trùng kết hợp với thiếu máu thì nguy cơ cắt cụt chân là rất cao.
2. Các dấu hiệu cảnh báo loét bàn chân ở người đái tháo đường
Dấu hiệu đầu tiên của loét bàn chân là chảy nước từ bàn chân, làm bẩn tất hoặc mùi khó chịu. Khi nhìn xuống chân người bệnh có thể thấy biểu hiện của tổn thương là các mô đen quanh vết loét. Đối với trường hợp quanh các vết chai chân đỏ và gây đau, da đổi màu hoặc tiết dịch có mùi hôi… thường là dấu hiệu chỉ điểm có thể mắc bệnh đái tháo đường.
Nếu người bệnh nhận thấy sự đổi màu da, đặc biệt là khi các mô đã chuyển sang màu đen hoặc cảm thấy đau đớn bất thường quanh một khu vực vết chai trên da.
Ngoài ra, người bệnh có biểu hiện sưng chân cũng là triệu chứng ban đầu phổ biến của loét chân ở người đái tháo đường.
3. Người bệnh đái tháo đường phải làm gì?
Việc chăm sóc phòng ngừa loét bàn chân ở người đái tháo đường là vô cùng quan trọng. Dưới đây là những nguyên tắc giúp người bệnh giảm nguy cơ mắc phải biến chứng này.
Nguyên tắc 1: Cần kiểm tra bàn chân hàng ngày
Việc phát hiện sớm biến chứng loét bàn chân ở người bệnh đái tháo đường sẽ giảm được nguy cơ cắt cụt chân. Vì vậy, người bệnh cần tự kiểm tra hàng ngày để phát hiện vết loét bàn chân đái tháo đường. Cụ thể, người bệnh cần kiểm tra cả kẽ chân, kẽ móng xem có vết xước, vết chai sạn, vết rộp. Xem da ở bàn chân có bị khô nứt, bị đỏ, nóng hay bị căng khi sờ bất cứ vùng nào bàn chân. Người bệnh cần kiểm tra sự phát triển của móng chân, xem có móng quặp vào trong không.
Nếu phát hiện vết loét chảy máu, nhiễm trùng, xuất hiện mủ hoặc đốm đen cần đi khám ngay.
Nguyên tắc 2: Cần vệ sinh vùng vết loét tại chỗ và vệ sinh bàn chân hàng ngày
Do người bệnh đái tháo đường dễ bị nhiễm khuẩn, dễ tái phát lại vết loét, nên việc vệ sinh tổn thương là vô cùng quan trọng. Theo nghiên cứu cho thấy, nguy cơ tái lại vết loét rất cao ở người bệnh đái tháo đường. Khoảng 40 % trường hợp tái phát sau 1 năm, 66 % trường hợp tái phát sau 3 năm, 75 % trường hợp tái phát sau 5 năm. Vì vậy, để tránh nhiễm trùng và tái phát, người bệnh cần dùng xà phòng nhẹ và nước ấm lau khô, không cọ xát mạnh. Cần rửa vết thương bằng nước muối sinh lý hoặc Povidon iod > 2 lần mỗi ngày. Nếu da quá khô có thể sử dụng kem giữ ẩm da, đặc biệt chú ý vùng gót chân, không thoa lên kẽ chân.
Nguyên tắc 3: Cần bảo vệ đôi chân với giày tất
Với đặc điểm đường trong máu cao nên người bệnh đái tháo đường dễ bị vi khuẩn phát triển và gây tổn thương. Chính vì lẽ đó cần mang tất để giữ ấm, thay tất sạch và giữ bàn chân luôn khô ráo mỗi ngày. Luôn mang giày dép để tránh dẫm lên các mảnh chai, vật sắc nhọn, ngoài ra, mang giày dép để giảm áp lực lên bàn chân, nhưng lưu ý tránh mang giày quá chật, vì dễ gây các vết phồng rộp ở da.
Người bệnh đái tháo đường không để chân bị ẩm, không đi chân trần dù ở trong nhà và không nên mang dép kẹp, vì có thể gây loét ở giữa kẽ các ngón chân.
Nguyên tắc 4: Cần giữ cho mạch máu được lưu thông dễ dàng hơn
Với người đái tháo đường việc đứng quá lâu hoặc ngồi quá lâu cũng không tốt, vì vậy cần nâng cao chân khi nằm và ngồi. Người bệnh không ngồi bắt chéo chân quá lâu và không dùng tất chật hoặc thắt nút quanh cổ chân. Cần cử động bàn chân thường xuyên 2 - 3 lần/ngày, nên ngâm nước muối ấm. Hàng ngày cần tập vận động bàn chân để tăng lưu thông mạch máu ở bàn chân như: Đi bộ, đạp xe…
Tóm lại: Loét bàn chân là một trong những biến chứng hay gặp ở người bệnh đái tháo đường. Mặc dù vậy người bệnh hoàn toàn có thể kiểm soát và phòng tránh được biến chứng này nếu chăm sóc đúng và phát hiện sớm tổn thương nếu có. Từ đó để điều trị kịp thời tình trạng viêm loét, giảm nguy cơ cắt cụt chân.
Mời độc giả xem thêm video:
Một ngày bạn nên ăn bao nhiêu hộp sữa chua để không bị tăng cân-