Hà Nội

4 nguyên nhân khiến viêm loét dạ dày hay tái phát

02-10-2024 15:54 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Viêm loét dạ dày là một trong những bệnh lý đường tiêu hóa phổ biến. Bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm như chảy máu dạ dày, thủng dạ dày, hẹp môn vị, thậm chí là ung thư dạ dày nếu không phát hiện và điều trị kịp thời.

Viêm loét dạ dày rất dễ tái phát

Viêm loét dạ dày là tình trạng niêm mạc dạ dày bị tổn thương viêm sưng, loét dần tạo thành những vết loét gây biến chứng. Bệnh có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào kể cả nam và nữ, thường gặp ở người trên 50 tuổi. 

Một số người có nguy cơ cao dễ mắc viêm loét dạ dày như: 

  • Người thường xuyên hút thuốc lá, thường xuyên uống rượu hay các thức uống có cồn khác. 
  • Thường xuyên rơi vào tình trạng căng thẳng, lo lắng. 
  • Người có chế độ ăn uống và sinh hoạt không điều độ...

Có 2 loại viêm dạ dày:

  • Viêm loét dạ dày cấp: Là biểu hiện sưng, viêm đột ngột ở niêm mạc dạ dày, xuất hiện những cơn đau dữ dội và theo từng đợt ngắn.
  • Viêm loét dạ dày mạn: Viêm loét dạ dày cấp tính không được điều trị sẽ khiến tình trạng viêm sưng kéo dài, sau một thời gian sẽ chuyển sang mạn tính. Các tổn thương lan tỏa, có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm như: viêm teo, hẹp môn vị, xuất huyết, thủng, ung thư dạ dày...

Bệnh viêm loét dạ dày có thể điều trị khỏi bằng các phương pháp điều trị nội khoa (thuốc uống), ngoại khoa (phẫu thuật cắt ổ loét nếu tình trạng viêm loét đã ở giai đoạn nặng), song song với việc điều chỉnh lối sống. Tuy vậy, bệnh có thể dễ tái phát khiến người bệnh lo lắng.

4 nguyên nhân khiến viêm loét dạ dày hay tái phát- Ảnh 1.

Hiện nay viêm loét dạ dày là một trong những bệnh lý đường tiêu hóa phổ biến.

Lý do khiến viêm loét dạ dày tái phát

1. Do không tuân thủ phác đồ điều trị

Khá nhiều người bệnh viêm loét dạ dày thường không tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, hay bỏ dở giữa chừng khi thấy triệu chứng thuyên giảm hoặc tự ý mua kháng sinh để trị bệnh.

Tuy nhiên, các ổ viêm loét bên trong dạ dày vẫn chưa hoàn toàn được phục hồi. Điều này làm tăng nguy cơ tái phát bệnh khi có các điều kiện thuận lợi. Nhất là trong trường hợp viêm loét dạ dày có dương tính với vi khuẩn Hp (Helicobacter pylori).

Người bệnh cần điều trị đủ liệu trình kháng sinh. Việc ngưng thuốc giữa chừng sẽ không thể tiêu diệt hoàn toàn vi khuẩn. Hơn nữa còn làm tăng nguy cơ gặp phải tình trạng vi khuẩn kháng kháng sinh. Điều này gây ra rất nhiều bất lợi cho các đợt điều trị về sau.

2. Do ăn uống, sinh hoạt không khoa học

Không tuân thủ điều trị không phải là nguyên nhân duy nhất khiến bệnh dạ dày tái phát. Thực tế, nhiều người bị tái nhiễm viêm loét dạ dày sau khi đã được điều trị làm liền vết loét thành công. Nguyên nhân khi này là do thói quen ăn uống, sinh hoạt không lành mạnh, khoa học: thức ăn nhiễm khuẩn; ăn không đúng bữa; ăn quá no hoặc để quá đói; thói quen vừa ăn vừa xem tivi...

3. Stress, căng thẳng quá mức

4 nguyên nhân khiến viêm loét dạ dày hay tái phát- Ảnh 2.

Stress quá mức có thể khiến cho dạ dày tăng tiết acid dịch vị và co bóp mạnh.

Áp lực công việc, cuộc sống dẫn đến stress, căng thẳng thần kinh quá mức là yếu tố ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe tổng thể nói chung và hoạt động của hệ tiêu hóa nói riêng. Stress quá mức có thể khiến cho dạ dày tăng tiết acid dịch vị và co bóp mạnh. Điều này sẽ cản trở quá trình hồi phục tổn thương ở niêm mạc. Hơn nữa nhiều trường hợp còn khiến cho các ổ viêm loét tái phát sau khi đã được chữa lành.

4. Có các thói quen xấu

Nếu sau quá trình điều trị viêm loét dạ dày mà người bệnh vẫn tiếp tục duy trì các thói quen xấu thì khả năng tái phát bệnh là rất cao. Các thói quen xấu thường gặp nhất bao gồm:

  • Hút thuốc lá: Đây là thói quen xấu phổ biến ở nam giới. Thói quen này không chỉ nguy hại cho sức khỏe mà còn ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động tiêu hóa. Hàm lượng nicotine trong khói thuốc có thể kích thích dạ dày bài tiết nhiều acid clohydric và pepsin trong dịch vị. Từ đó thúc đẩy quá trình ăn mòn niêm mạc và tái phát tình trạng viêm loét.
  • Uống nhiều nước ngọt có ga, thức uống có cồn: Việc lạm dụng bia rượu, nước ngọt, cà phê đều là những nguyên nhân gây hại cho dạ dày nói riêng và sức khỏe của cơ thể nói chung. Trong đó, nước ngọt có ga và cà phê có khả năng làm tăng lượng axit có trong dạ dày. Bia – rượu lại khiến lớp màng ngoài bảo vệ niêm mạc dạ dày bị ăn mòn do chứa nhiều chất cồn.

Thậm chí những loại thức uống này còn gây nên hiện tượng chướng hơi, trào ngược dạ dày thực quản cùng nhiều tác nhân gây hại nguy hiểm khác đối với sức khỏe người bệnh.

Cần làm gì để kiểm soát nguy cơ tái phát viêm loét dạ dày?

Để giảm nguy cơ tái phát viêm loét dạ dày bệnh nhân cần sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Người bệnh thực hiện theo một chế độ ăn uống hợp lý, sinh hoạt khoa học: không ăn các chất chua, cay, hạn chế sử dụng rượu bia hoặc đồ uống có gas, không hút thuốc lá. Nên ngủ đủ giấc, tránh thức khuya…

Người bệnh sau khi khỏi viêm loét dạ dày cần tránh căng thẳng thần kinh, lo lắng kéo dài; tập thể dục đều đặn; giữ vệ sinh sạch sẽ trong sinh hoạt và ăn uống…. sẽ giảm được nguy cơ tái phát bệnh.

Nhận biết dấu hiệu, nguyên nhân viêm loét dạ dày ở trẻNhận biết dấu hiệu, nguyên nhân viêm loét dạ dày ở trẻ

SKĐS - Bệnh lý viêm loét dạ dày tá tràng ở trẻ, đặc biệt là lứa tuổi đi học ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, sự phát triển về thể chất, tinh thần của trẻ.

BS. Nguyễn Phương Anh
Ý kiến của bạn