4 nguyên nhân gây mụn trứng cá đỏ cần biết

29-04-2024 10:15 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Mụn trứng cá đỏ là tình trạng viêm da mạn tính với các đặc trưng là dát, sẩn đỏ, mụn mủ, giãn mạch ở mặt. Bệnh thường gặp ở người lớn nhưng cũng có thể gặp ở trẻ em. Tuy nhiên thường bị nhầm lẫm dẫn tới tự ý điều trị sai cách. Bệnh có thể gây ra nhiều thương tổn nặng nề cho người mắc.

Lý do gây mụn trứng cá đỏ

Mụn trứng cá đỏ có nhiều nguyên nhân, trong đó có thể là do những nguyên nhân sau:

  • Do tính chất gia đình:
Đây là yếu tố đóng vai trò quan trọng việc xác định khả năng phát triển mụn trứng cá ở mỗi người. Nếu người trong gia đình có tiền sử mụn trứng cá đỏ, nguy cơ mắc bệnh của các thế hệ sau cũng sẽ cao hơn.
  • Do ô nhiễm:
Việc tiếp xúc với môi trường ô nhiễm như bụi bẩn, khói xe, hay hóa chất từ không khí có thể làm tắc nghẽn lỗ chân lông khiến dầu tự nhiên của da không được bài tiết ra bên ngoài một cách hiệu quả, dẫn đến sự phát triển của vi khuẩn và dần hình thành mụn trứng cá đỏ.


4 nguyên nhân gây mụn trứng cá đỏ cần biết- Ảnh 1.

Da mặt tổn thương do mụn trứng cá đỏ

  • Do hóa chất:
Tình trạng sử dụng sản phẩm làm đẹp chứa hóa chất có thể kích thích da và gây ra kích ứng, góp phần vào việc hình thành mụn trứng cá đỏ.
  • Do thói quen sinh hoạt:
Thói quen sinh hoạt không lành mạnh như ăn uống không cân đối, thiếu ngủ, stress, hút thuốc lá,… có thể làm tăng nguy cơ phát triển mụn trứng cá đỏ.


Dấu hiệu nhận biết mụn trứng cá đỏ

Mụn trứng cá đỏ thường xuất hiện dưới dạng những đốm đỏ nhỏ ở nhiều vị trí trên khuôn mặt như má, thái dương, thậm chí có thể lan ra khắp khuôn mặt. Tùy vào cơ địa của mỗi người mà hình ảnh mụn trứng cá đỏ có thể có kích thước và mức độ nghiêm trọng khác nhau.


Để nhận biết biểu hiện mụn trứng cá đỏ, bạn hãy chú ý đến các đặc điểm sau:

  • Da mặt xuất hiện các sẩn màu đỏ hoặc mụn mủ. Thương tổn có hình vòm. Bệnh không có mụn đầu đen, không có mụn đầu trắng, hoặc mụn bọc. Vùng tổn thương đỏ, phù nề, có vảy tiết. Có thể nhìn rõ các mạch máu tại vùng da đỏ.
  • Trên mũi, trán, má, cằm có xuất hiện sẩn mủ và mụn mủ, có thể xuất hiện tại chi trên và thân người.
  • Da mặt khô, nứt nẻ, nếu uống rượu, ăn thức ăn cay nóng, tiếp xúc với ánh nắng làm bệnh trầm trọng hơn.
  • Vùng tổn thương nhạy cảm: cảm giác rát bỏng, đau, đặc biệt rõ khi trang điểm hoặc dùng kem dưỡng da. Mắt có biểu hiện đỏ, đau, viêm bờ mi, viêm kết mạc.
  • Mũi dày da, phì đại, biến dạng, lỗ nang lông giãn rộng gọi là mũi sư tử. Sưng phù, dày bờ mi gọi là bờ mi sư tử. Đỏ da, phù nề lâu ngày ở trên mặt do tắc nghẽn bạch huyết.
4 nguyên nhân gây mụn trứng cá đỏ cần biết- Ảnh 2.

Khi ra nắng cần đội mũ rộng vành, che kín vùng hay bị mụn, dùng kem chống nắng để hạn chế tổn thương da.

Cần làm gì?

Bệnh trứng cá đỏ ở những giai đoạn đầu gần như không gây nguy hiểm gì ngoại trừ mặt thẩm mỹ. Nhưng nếu bệnh không được điều trị, chúng có nguy cơ tiến triển thành những vấn đề nghiêm trọng hơn. Giãn mao mạch, hoại tử da hay mũi sư tử là những tổn thương cần các liệu pháp can thiệp chuyên sâu mà mất thời gian, chi phí hơn rất nhiều so với điều trị bệnh ngay từ ban đầu.

Vì vậy. nếu thấy bản thân mình có những triệu chứng bất thường, tốt nhất hãy tới gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu để được thăm khám và chẩn đoán chính xác bệnh.

Sau khi thăm khám các bác sĩ sẽ chỉ định phù hợp. Nếu bị mụn trứng cá vừa và nhẹ, bác sĩ sẽ chỉ định cho sử dụng thuốc bôi tại chỗ. Tuy nhiên, nếu mụn trứng cá ở dạng nang, sẩn cục thì bác sĩ sẽ kê toa thuốc uống để kiểm soát và ngăn ngừa mụn lây lan rộng.

Khi da bị sẹo hoặc xuất hiện trình trạng mũi sư tử sẽ được chỉ định điều trị bằng các liệu pháp thẩm mỹ công nghệ cao. Thông thường việc điều trị bệnh sẽ gồm việc kết hợp nhiều phương pháp khác nhau để nâng cao hiệu quả điều trị. Điều trị đúng cách sẽ giúp cải thiện làn da nhanh chóng và an toàn.

Một số lưu ý

  • Nếu da xuất hiện những nốt sẩn đỏ và ngứa, cố gắng đừng cào gãi chúng vì có thể gây tổn thương, nhiễm trùng da, thậm chí gây sẹo.
  • Hạn chế tiếp xúc với các chất kích ứng như hóa chất trong sản phẩm làm đẹp, và các tác nhân gây kích ứng khác. Điều này giúp giảm nguy cơ tái phát của mụn và giữ cho làn da luôn khỏe mạnh.
  • Tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh để tăng cường sức khỏe của làn da từ sâu bên trong.
  • Cần rửa mặt đúng cách để loại bỏ hết bụi bẩn và vi khuẩn trên da mặt. Nắng làm tăng mụn trứng cá đỏ. Cần tránh tiếp xúc với nắng (không ra nắng vào những giờ cao điểm từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều).
  • Khi ra nắng cần đội mũ rộng vành, che kín vùng hay bị mụn, dùng kem chống nắng. Cần tránh tâm lý sợ hãi, lo lắng, bối rối, stress dễ làm tình trạng mụn nặng thêm.
7 sai lầm khi điều trị mụn trứng cá ở tuổi teen7 sai lầm khi điều trị mụn trứng cá ở tuổi teen

SKĐS - Mụn trứng cá thường thấy ở thanh thiếu niên khi trải qua tuổi dậy thì. Nhiều bạn cảm thấy thiếu tự tin trong giao tiếp khi bị mụn trứng cá nghiêm trọng. Một số sai lầm dưới đây là nguyên nhân gây ra tình trạng mụn kéo dài…

BS. Nguyễn Văn Thắng
Ý kiến của bạn