Hà Nội

4 người tử vong vì viêm não vi rút: Cách phòng bệnh người dân cần biết ngày hè

30-04-2019 13:00 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Từ đầu năm đến nay nước ta đã ghi nhận 1 ca tử vong vì bệnh tay chân miệng; 3 ca tử vong do sốt xuất huyết và 4 ca tử vong do viêm não vi rút; 2 ca tử vong vì sởi; 3 ca tử vong vì ngộ độc thực phẩm. Các chuyên gia cảnh báo, bệnh viêm não và viêm màng não mắc quanh năm, tuy nhiên bệnh hay xảy ra vào mùa nắng nóng, đặc biệt từ tháng 5 - 8, do đó người dân cần hết sức lưu ý.

Theo số liệu về tình hình dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm của Tổng cục Thống kê, trong tháng 4/2019, cả nước có 2,9 nghìn trường hợp mắc bệnh tay chân miệng; 9,5 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (1 trường hợp tử vong).

67 trường hợp mắc bệnh thương hàn; 46 trường hợp mắc bệnh viêm não vi rút (4 trường hợp tử vong); 1 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do mô cầu và 413 người bị ngộ độc thực phẩm.

Tính chung 4 tháng đầu năm, cả nước có 11,4 nghìn trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (1 trường hợp tử vong); 51,5 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (3 trường hợp tử vong); 130 trường hợp mắc bệnh viêm não vi rút (4 trường hợp tử vong); 7 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do mô cầu và 586 người bị ngộ độc thực phẩm (3 người tử vong).

Người dân cần đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ và và đúng lịch để phòng bệnh. Ảnh minh họa.

 

Đáng lưu ý là bệnh sởi có dấu hiệu gia tăng vào thời điểm giao mùa đông xuân, trong tháng 4/2019 (từ 19/3 đến 18/4/2019), cả nước đã phát hiện 5,9 nghìn trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 942 trường hợp mắc sởi dương tính (1 trường hợp tử vong).

Tính chung 4 tháng đầu năm, cả nước có 16,1 nghìn trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó 2,2 nghìn trường hợp mắc sởi dương tính (2 trường hợp tử vong). Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến dịch sởi bùng phát là nhiều trường hợp không tiêm phòng sởi hoặc tiêm không đúng lịch quy định.

Tổng số người nhiễm HIV của cả nước hiện còn sống tính đến thời điểm 18/4/2019 là 209,2 nghìn người và số trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS là 96,04 nghìn người; số người tử vong do HIV/AIDS của cả nước tính đến thời điểm trên là 98,26 nghìn người.

 

Chủ động phòng chống bệnh viêm não vi rút trong mùa hè

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, bệnh viêm não vi rút là một tình trạng bệnh nguy hiểm do nhiều loại vi rút gây nên thường gây tổn thương ở não, để lại di chứng thần kinh và tử vong cao.

Biểu hiện chính của bệnh là có sốt cao và kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương bao gồm: nhức đầu dữ dội, buồn nôn và nôn mửa, cứng cổ, lú lẫn, mất định hướng, thay đổi nhân cách, co giật, rối loạn nghe nói, ảo giác, mất trí nhớ, đờ đẫn, hôn mê...

Người già và trẻ em là những người có nguy cơ cao bị mắc bệnh nặng, biến chứng và tử vong.

Tuy nhiên hiện nay đang vào mùa dịch nên để chủ động phòng chống bệnh viêm não vi rút, trong đó có Viêm não Nhật Bản, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp sau:

1. Đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ và và đúng lịch.

2. Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, chuồng gia súc phải xa nhà, diệt muỗi tại các chuồng trại gia súc, loại bỏ các ổ bọ gậy.

3. Nằm màn kể cả ban ngày và ban đêm, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi; không để trẻ em chơi gần chuồng gia súc.

4. Thường xuyên rửa tay với xà phòng, đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín, uống chín.

5. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh và đeo khẩu trang khi chăm sóc người bệnh.

6. Nếu có các dấu hiệu: sốt cao và kèm theo những rối loạn ở hệ thống thần kinh trung ương (co giật, rối loạn vận động, lơ mơ, hôn mê …) phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời.

D.Hải
Ý kiến của bạn