Hà Nội

4 món cháo thuốc cho người viêm dạ dày

SKĐS - Trong Đông y, viêm dạ dày thường gọi là vị quản thống. Việc điều trị nguyên nhân và chế độ ăn uống ở giai đoạn bệnh và sau bệnh có vai trò rất quan trọng.

1. Nguyên nhân gây viêm dạ dày

Viêm dạ dày là tình trạng viêm, kích ứng hoặc xói mòn niêm mạc dạ dày; có thể xảy ra đột ngột (cấp tính) hoặc dần dần (mạn tính).

Viêm dạ dày có thể do kích ứng (uống quá nhiều rượu, nôn mửa mạn tính, căng thẳng hoặc sử dụng một số loại thuốc như aspirin hoặc các loại thuốc chống viêm khác) hoặc có thể được gây ra bởi bất kỳ điều nào sau đây:

- Vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori): Đây là một loại vi khuẩn sống trong niêm mạc dạ dày. Nếu không được điều trị, nhiễm trùng có thể dẫn đến loét và ở một số người có thể dẫn tới ung thư dạ dày.

- Trào ngược mật: Xuất hiện triệu chứng trào ngược vào dạ dày từ đường mật (kết nối với gan và túi mật).

- Nhiễm trùng do vi khuẩn và virus...

Nếu viêm dạ dày không được điều trị, nó có thể dẫn đến mất máu nghiêm trọng và có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư dạ dày.

Các triệu chứng của viêm dạ dày khác nhau ở mỗi người và ở nhiều người không có triệu chứng. Tuy nhiên, các triệu chứng phổ biến nhất bao gồm: Buồn nôn, đau bụng, khó tiêu hoặc đau bụng tái phát; cảm giác nóng rát hoặc cồn cào trong dạ dày; ăn không ngon miệng; nôn ra chất giống như bã cà phê...

2. Một số món cháo tốt cho người viêm dạ dày

Dưới đây xin giới thiệu một số món ăn bài thuốc dùng cho người viêm dạ dày:

2.1. Cháo phụ tử tốt cho người viêm dạ dày

- Thành phần: Lương khương, phụ tử mỗi loại 9g, cho nước vào sắc, lọc lấy nước, bỏ bã, thêm gạo tẻ 100g, cho nước vừa đủ, nấu thành cháo. Chia làm 2 lần ăn trong ngày.

- Công dụng: Dùng cho những người viêm dạ dày thể hư hàn với biểu hiện vùng dạ dày đau âm ỉ. Ấn vào chỗ đau có cảm giác dễ chịu, lúc đói cơn đau tăng; hoặc thể khí trệ với biểu hiện: Dạ dày chướng đau lan đến hai bên sườn, thường có hiện tượng ợ hơi.

photo-1688744717969

Vị thuốc phụ tử trong bài thuốc trị viêm dạ dày.

2.2. Cháo sa nhân, phật thủ

- Thành phần: Sa nhân 3g, trần bì, chỉ xác, phật thủ mỗi loại 6g, nấu với nước rồi chắt lấy nước bỏ bã. Cho 100g gạo tẻ, đổ lượng nước vừa phải, nấu thành cháo, ăn 2 lần trong ngày,

- Công dụng: Dùng cho người viêm dạ dày thể khí trệ. Biểu hiện: Dạ dày chướng đau lan đến hai bên sườn, thường có hiện tượng ợ hơi, khi cáu gắt bệnh đau tăng lên; rêu lưỡi mỏng trắng, mạch trầm huyền.

2.3. Cháo thần khúc sơn tra

- Thành phần: Thần khúc 12g, sơn tra 12g sắc với nước, sau đó lọc lấy nước, bỏ bã rồi dùng trần bì 6g, gạo tẻ 100g, cho lượng nước vừa phải nấu cháo. Chia làm 2 lần ăn trong ngày.

- Công dụng: Dùng cho những người viêm dạ dày thể thực tích. Biểu hiện: Dạ dày no căng và đau, có cảm giác buồn nôn, ợ hơi nặng mùi, nuốt chua hoặc nôn ra thức ăn chưa tiêu hóa, nôn được thì dễ chịu; rêu lưỡi dày, nhớt; mạch huyền hoạt.

photo-1688744719336

Vị thuốc thần khúc

2.4. Cháo tam thất ngó sen hầm trứng gà

- Thành phần: Trứng gà 1 quả đập vào bát, nước cất ngó sen 30ml, tam thất bột 3g, đánh đều cho vào nồi hầm cách thủy. Ngày ăn từ 1- 2 lần.

- Công dụng: Dùng cho những người viêm dạ dày thể huyết ứ. Biểu hiện: Dạ dày đau dữ dội hoặc đau như kim châm. Vùng đau cố định, nặng thì nôn ra máu, đi ngoài phân đen; lưỡi tím và có những nốt huyết ứ; mạch huyền sáp.

Người bệnh viêm dạ dày cần lưu ý một số vấn đề sau:

- Tránh ăn những thức ăn khó tiêu: Thức ăn giàu đạm và béo cần thời gian tiêu hóa lâu hơn các thức ăn khác. Khi ăn cần ăn chậm, nhai kỹ, tránh ăn nhanh, nhai dối, tránh vừa ăn vừa tập trung vào việc khác như đọc sách báo trong khi ăn... Ăn chậm, nhai kỹ giúp cho thức ăn trở nên đồng nhất đi vào dạ dày dễ tiêu hóa hơn.

- Tránh các chất kích thích làm tăng tiết dịch vị: Tránh uống rượu, bia, thuốc lá, cà phê, chè đặc. Hạn chế ăn nhiều gia vị chua, cay, nóng, chanh, ớt, gừng, nước xốt, chiên xào.

- Cẩn thận với các thức ăn gây ma sát làm tổn thương niêm mạc như tôm cua, cổ cánh, chân gà, vịt, cá rán...

‎- Tránh ăn quá nóng, quá lạnh, ăn quá no, quá đặc, quá loãng: Thức ăn nóng quá làm niêm mạc dạ dày xung huyết, lạnh quá hoặc đói quá làm dạ dày co bóp mạnh hơn gây đau. Khi ăn quá nhiều, dạ dày giãn nở và co bóp kém gây cản trở quá trình nhào trộn thức ăn. Nếu ăn đặc quá thì dịch vị rất khó thấm vào giữa khối thức ăn. Ngược lại, nếu ăn nhiều chất lỏng và nước, dịch vị sẽ bị loãng, giảm khả năng tiêu hóa.

Mời bạn xem thêm video:

Nội Soi Đường Miệng Cắt Khối U Ác Tính Thực Quản | SKĐS


BS Vũ Quốc Trung
Ý kiến của bạn