Mùa xuân là mùa đầu tiên trong bốn mùa, thời điểm dương khí trong vạn vật cũng như trong nhân thể từ từ hồi sinh và thăng phát sau một thời gian dài liễm tàng dưới tiết trời mùa đông lạnh giá. Vạn vật bừng tỉnh thay cũ đổi mới, cây cối đâm chồi, trăm hoa đua nở.
1. Bí quyết dưỡng sinh mùa xuân
Vào mùa xuân, để có sức khỏe tốt cần chú ý một số vấn đề sau:
- Điều tiết tinh thần
Mùa xuân thuộc hành Mộc, tương ứng với tạng Can. Can thích điều đạt, có công năng sơ tiết. Mộc lại có đặc tính sinh phát, chí của Can là Nộ (giận), ghét uất ức mà ưa điều đạt.
Vì vậy, vào mùa xuân chúng ta hạn chế giận dữ, giải tỏa uất ức, khiến cho cảm xúc được rộng mở, giữ cho thần chí được bình hòa thoải mái.
2. Chú ý sinh hoạt
Khí của mùa Xuân là sinh phát nên da thịt của con người cũng thưa lỏng theo, phế khí yếu ớt, khả năng đề kháng phong hàn tà suy giảm nên rất dễ mắc bệnh ngoại cảm khi tiết trời thay đổi. Ăn mặc nên vừa đủ ấm, nhưng cũng vừa thông thoáng để hòa hợp với cái tính thông đạt của mùa xuân.
Ngoài ra, về phương diện sinh hoạt, khí - huyết trong cơ thể cũng giống như tự nhiên giới, cần thoải mái điều đạt. Do vậy cần ngủ dậy sớm, buông lỏng quần áo, vận động thư thái nhẹ nhàng, tham gia các hoạt động ngoài trời giúp cho thân tâm hài hòa, tinh lực sung mãn.
3. Ăn uống
Tránh ăn nhiều vị chua vì chua nhập can, tính thu liễm nên không tốt cho sự sinh phát của dương khí và sự sơ tiết của can khí. Vị cay giúp thuận theo cái tính thăng phát của dương khí. Để phòng tránh can khí thăng phát quá mức gây hại cho tỳ vị nên bổ sung vị ngọt để bổ dương Trung thổ (Can mộc khắc Tỳ thổ).
2. Một số món canh dưỡng sinh mùa xuân
2.1. Canh ý dĩ nhân nấu bí xanh
Thành phần: Bí xanh 500g, ý dĩ nhân ngâm nở 100g, gừng 10g, hành củ 3g, hành lá 7g, rượu 5g, muối 2g, mỡ gà 10g.
Chế biến: Bí gọt vỏ, rửa sạch, thái miếng, gừng rửa sạch, đập dập, ý dĩ rửa sạch, hành rửa sạch bó lại. Bắc nồi, đun lửa vừa nước đun sôi. Sau đó cho bí, ý dĩ nhân, hành, rượu, nấu chín, vớt hành gừng, cho mỡ, muối, hành hoa.
Công dụng: Thanh nhiệt lợi thủy, kiện tỳ lợi tiêu hóa.
Phạm vi dùng: Dùng như món canh trong bữa ăn hàng ngày giúp lợi tiêu hóa, lợi thấp, bồi bổ sức khỏe.
2.2. Gà nấu nấm
- Thành phần: Gà 1 con 750g, nấm 120g, gừng tươi 3 nhánh, hoàng kỳ 30g.
- Chế biến: Gà giết mổ, vặt lông, bỏ ruột, rửa sạch, thái miếng; hoàng kỳ rửa sạch. Tất cả cho vào nồi nước vừa đủ, đun nhỏ lửa 2 giờ, vớt hoàng kỳ ra, nấm rửa sạch thái nhỏ cho vào, thấy sôi cho gia vị là được.
- Công dụng: Bổ thận ích khí, trợ tiêu hóa, bồi bổ sức khỏe.
- Phạm vi sử dụng: Sử dụng như món canh ăn hàng ngày để tăng cường sức khỏe trong những ngày trời lạnh, giao mùa, hơn nữa còn chữa dạ dày, tá tràng viêm loét, viêm dạ dày mạn.
- Cách dùng: Ăn kèm trong bữa.
- Chú ý: Người vị nhiệt, nê trệ không dùng được.
3. Canh phổi lợn nấu hạnh nhân
- Thành phần: Phổi lợn 200g, hạnh nhân 10g, củ cải 60g, muối vừa đủ.
- Chế biến: Phổi thái miếng nhỏ, ép rửa sạch; hạnh nhân giã nát; củ cải rửa sạch thái nhỏ. Tất cả cho vào nồi đất, nước vừa đủ nấu thành canh, thấy phổi chín nhừ cho gia vị là được.
- Công dụng: Bổ phế, dưỡng phế trừ ho.
- Phạm vi dùng: Dùng để phòng bệnh hô hấp hoặc chữa những bệnh liên quan đến hô hấp thể nhẹ.
- Cách dùng: Ăn phổi, củ cải uống canh, ngày 1 bữa, mỗi tuần duy trì từ 1 - 2 bữa.
4. Nước tía tô củ cải
- Thành phần: Tía tô 3g, trần bì 3g, củ cải thái lát 5g, đường đỏ 20g.
- Chế biến: Tất cả cho vào xoong quấy bột, nước 400ml, đun to lửa tới sôi chuyển đun nhỏ lửa còn 200ml, lọc lấy nước là được.
- Công dụng: Tán hàn, trừ ho, giải tỏa biểu, điều khí.
- Phạm vi dùng: Phòng mắc bệnh hô hấp, cảm lạnh, viêm đường hô hấp trên, trẻ ho sợ gió, mũi ngạt không thông.
- Cách dùng: Uống lúc đang nóng, ngày 1 thang, mỗi tuần dùng 1 - 2 thang.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Những món canh rẻ tiền giúp thanh lọc cơ thể | SKĐS