Chức năng sinh lý cơ bản của thận là lọc máu, tạo ra nước tiểu và bài tiết các chất cặn bã, để duy trì sự cân bằng của môi trường bên trong cơ thể. Thông qua chức năng tạo nước tiểu, thận giúp cơ thể giữ lại nước, các chất điện giải và các chất chuyển hóa quan trọng; đồng thời đào thải những sản phẩm có hại, như u-rê, creatinin, acid uric...
Chức năng của thận bị tác động rất nhiều từ chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng hằng ngày và khi dùng các loại thuốc trong điều trị bệnh cấp tính hoặc mạn tính… Do đó, việc sử dụng món ăn bài thuốc theo phương pháp ẩm thực liệu pháp của Đông y giúp cho thận khỏe mạnh và nâng cao sức khoẻ.
Vị thuốc kỷ tử giúp cho thận khỏe mạnh
1. Cháo kỷ tử tốt cho chức năng thận
- Thành phần: Kỷ tử 15g, gạo nếp 60g, đường phèn vừa đủ.
- Cách dùng: Cả 3 vị cho vào nồi, thêm 500ml nước, nấu nhỏ lửa đến khi gạo nếp chín nhừ quánh lại, tắt bếp, ủ thêm 5 phút nữa là được.
- Tác dụng: Ôn thận bổ tỳ, ích khí dưỡng huyết. Dùng trong trường hợp chức năng thận suy yếu, khám Tây y phát hiện thấy u-rê niệu và creatinin tăng cao; có biểu hiện mệt mỏi, bồn chồn, thở ngắn, móng tay nhợt, tức ngực, chán ăn, đại tiện lỏng, da khô, hơi phù, miệng khô họng háo, lưng mỏi; lưỡi nhợt khô, mạch nhược.
2. Cháo hạt cau
- Thành phần: Tân lang (hạt cau) 12g, gạo tẻ 80g.
- Cách dùng: Tân lang sắc với nước, nấu sôi trong 10 phút, lọc lấy nước (bỏ bã), cho gạo vào nấu thành cháo ăn.
- Tác dụng: Thanh nhiệt, trừ thấp và giải độc. Dùng trong trường hợp chức năng thận suy yếu; khám Tây y phát hiện các triệu chứng tăng huyết áp, thiếu máu, u-rê niệu cao. Người bệnh biểu hiện miệng khô, đầy bụng, lợm giọng, nôn, đại tiện bí, hôi miệng và hơi thở có mùi a-mô-ni-ắc, nước tiểu trắng trong; lưỡi to, sắc lưỡi nhợt, chất lưỡi khô xám; rêu dầy nhớt; mạch hư huyền.
Vị thuốc tân lang hỗ trợ, tăng cường chức năng thận
3. Cháo hồ đào nhân
- Thành phần: Hồ đào nhân16g, gạo tẻ 80-100g, cá mực hành, gừng, gia vị lượng thích hợp.
- Cách dùng: Cá mực ngâm nước, bỏ mai, làm sạch; cho cá mực và đào nhân vào nồi, thêm nước lượng thích hợp, cùng gạo, gừng, gia vị... nấu to lửa cho sôi, sau nấu nhỏ lửa cho đến khi cháo chín nhừ là được.
- Tác dụng: Thanh nhiệt, lương huyết, hoạt huyết thông lạc. Dùng trong trường hợp chức năng thận suy yếu; Biểu hiện sắc diện trắng nhợt, chân tay vô lực, chán ăn, da khô, đại tiện lỏng, nước tiểu trong, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi ít, mạch nhược.
4. Cháo bạch truật
- Thành phần: Bạch truật 12g, tân lang (hạt cau) 10g, dạ dày lợn 1 cái, gạo tẻ 80g, gừng tươi lượng thích hợp.
- Cách dùng: Dạ dày làm sạch, cắt thành miếng nhỏ, cùng bạch truật, tân lang, gừng sắc lấy nước, sau đó cho gạo vào nấu cháo.
- Tác dụng: Ích tinh, bổ thận dưỡng huyết. Dùng trong trường hợp chức năng thận suy yếu; khám Tây y phát hiện thấy u-rê niệu và creatinin tăng cao; có biểu hiện sắc diện kém tươi, mệt mỏi, bồn chồn, thở ngắn, móng tay nhợt, tức ngực, nôn mửa, kém ăn, đại tiện lỏng, da dẻ tiều tụy, da khô bong vẩy, mi mắt phù, miệng khô họng háo, lưng mỏi; lưỡi nhợt khô, mạch nhược.
Mời bạn xem thêm video:
Phòng ngừa bệnh thận bằng cách nào? | SKĐS