4 món ăn, bài thuốc dễ làm từ đậu đỏ trị phù thũng, tiêu viêm

02-01-2023 06:28 | Vị thuốc quanh ta
google news

SKĐS - Đậu đỏ - một thực phẩm bổ dưỡng, vừa tốt cho sức khỏe lại làm đẹp da. Theo y học cổ truyền, đậu đỏ là một vị thuốc chữa bệnh.

1. Đặc điểm của đậu đỏ

Theo sách Những vị thuốc và cây thuốc Việt Nam của GS.TS. Đỗ Tất Lợi, đậu đỏ nhỏ còn gọi là xích tiểu đậu, mao sài xích, mễ xích.

Tên khoa học Phaseolus angularis Wight; thuộc họ Cánh bướm Fabaceae (Papillionaceae).

Đậu đỏ chủ yếu mọc ở những vùng miền Bắc Trung Quốc như Hà Bắc, Liên Ninh, Sơn Đông.

Vào mùa thu khi quả chín người ta hái lấy quả đem về đập lấy hạt. Có nơi dùng loại phan xích đậu thay. Hạt phan xích đậu rộng, ngắn, không có rốn lồi cao, còn hạt đậu đỏ nhỏ, hẹp, dài, có rốn hơi lồi cao.

Cần phân biệt với hạt cam thảo dây (tương tư tử) có rốn màu đen. Khi dùng phơi hay sấy khô, tán nhỏ.

Trong đậu đỏ nhỏ có chất protid, chất béo, glucid, canxi, phốt pho, sắt, vitamin B và một số chất khác.

4 món ăn bài thuốc dễ làm có đậu đỏ  - Ảnh 1.

Đậu đỏ chữa phù thũng.

2. Công dụng và liều dùng của đậu đỏ

Theo tài liệu cổ, đậu đỏ nhỏ có vị ngọt, chua, tính bình, vào hai kinh tâm và tiểu trường; có tác dụng lợi thủy, hành huyết, tiêu thũng, bài nùng (loại mủ); dùng trị thủy thũng cước (phù) khi tả lỵ, ung nhọt, sưng tấy.

Thường dùng hiện nay chữa phù thũng, dùng ngoài giã nát đắp lên nơi mụn nhọt, sưng tấy. Ngày dùng 20 đến 40g dưới dạng thuốc sắc hay thuốc bột, dùng ngoài không kể liều lượng.

Chữa đái ra máu: Xích tiểu đậu, đương quy tán (kim quỹ). Đậu đỏ nhỏ, đương quy hai vị bằng nhau, tán bột. Ngày uống 10 đến 20g bột này.

3. Món ăn bài thuốc có đậu đỏ

TS. Nguyễn Đức Quang – Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Khoa học thực nghiệm Viện Y học cổ truyền quân đội giới thiệu một số món ăn bài thuốc có đậu đỏ:

4 món ăn bài thuốc dễ làm có đậu đỏ  - Ảnh 3.

Cá chép hầm đậu đỏ tốt cho người bị phù.

3.1 Cá chép hầm đậu đỏ

Thành phần: Xích tiểu đậu 100 - 200g, cá chép 1 con (trên 300g).

Cách làm: Cá chép đánh vảy, bỏ lòng ruột, rửa sạch cho vào nồi, thêm nước, nấu nhừ, nêm gia vị.

Cách dùng: Chia ăn 2 - 3 lần trong ngày (ăn nóng).

Công dụng: Dùng tốt cho người bị phù ở bụng và chân.

3.2 Đậu đỏ hầm chương não căn

Thành phần: Xích tiểu đậu 200g, rễ long não một nắm.

Cách làm: Hai thứ cho vào nồi, đổ nước nấu chín nhừ.

Cách dùng: Ăn đậu khi đói, khi khát uống nước canh.

Công dụng: Dùng tốt cho người cao tuổi tay chân phù nề, đầy tức vùng ngực bụng.

3.3 Đậu đỏ bung bạch mao căn

Thành phần: Xích tiểu đậu 200g, bạch mao căn một nắm.

Cách làm: Hai thứ cho vào nồi, đổ nước nấu chín nhừ đậu, lấy bỏ bã bạch mao căn. Ăn đậu bung.

Công dụng: Món này thích hợp cho người bị cổ trướng phù nề.

3.4 Cháo bí đao ý dĩ đậu đỏ

Thành phần: Xích tiểu đậu 60g, bí đao 100g, ý dĩ 60g.

Cách làm: Đậu đỏ và ý dĩ ngâm nước khoảng 4 - 6 giờ cho mềm, vớt ra nấu cùng bí đao đã gọt vỏ bỏ ruột thành cháo, thêm đường và gia vị.

Cách dùng: Chia 2 lần ăn trong ngày (sáng, chiều).

Công dụng: Dùng tốt cho người bệnh eczema, chàm, chốc lở.

Kiêng kỵ: Người âm hư mà không bị thấp nhiệt hạn chế dùng.

Mời bạn xem thêm video đang được quan tâm:

3 nhóm người cần hạn chế ăn đậu phụ để không ảnh hưởng đến sức khỏe.


Mai Phương
Ý kiến của bạn