Trong y học cổ truyền, nghệ là loại gia vị có nhiều đặc tính chữa bệnh. Theo Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM, nghệ vàng không những có tác dụng giúp bình phục sức khỏe cho phụ nữ sau khi sinh, hỗ trợ chữa bệnh đau dạ dày như viêm loét dạ dày, hành tá tràng mà nó còn có tác dụng với một số bệnh mạn tính...
Củ nghệ không chỉ mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe, thêm màu sắc cho thực phẩm mà còn làm tăng hương vị cho món ăn. Nhờ chứa nhiều đặc tính chống viêm và chống vi khuẩn, nghệ có thể là một sự bổ sung tuyệt vời cho chế độ ăn uống trong mùa đông.
1. Nghệ và chất curcumin
Nghệ đã được sử dụng hàng ngàn năm như một loại gia vị tạo nên màu vàng hấp dẫn cho nhiều món ăn và có giá trị dược liệu. Nghiên cứu đã chỉ ra nghệ có chứa các hợp chất có đặc tính chữa bệnh. Những hợp chất này được gọi là curcuminoid. Chất curcumin, hoạt chất chính trong củ nghệ có lợi ích hỗ trợ điều trị bệnh. Có thể sử dụng nghệ để giúp giảm đau và giảm viêm. Tuy nhiên, chất curcumin trong nghệ rất khó hấp thụ. Do đó, lượng nghệ mà mọi người thường tiêu thụ trong thực phẩm khó có thể mang lại nhiều lợi ích đáng chú ý.
2. Giá trị dinh dưỡng của nghệ
Nghệ xay hoặc tươi là một thành phần trong nhiều món ăn. Theo Cơ sở dữ liệu dinh dưỡng quốc gia của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), 1 muỗng canh (thìa canh) bột nghệ xay có chứa:
- Calo: 29,3 kcal
- Protein: 0,91 g
- Chất béo: 0,31 g
- Carbohydrate: 6,31 g
- Chất xơ: 2,1 g
- Đường: 0,3 g
Nghệ còn cung cấp một số chất dinh dưỡng khác như: canxi, sắt, magie, phốt pho, kali…
Đây là lượng vi chất dinh dưỡng tương đối nhỏ so với lượng mà người lớn cần mỗi ngày, ngoại trừ sắt. Nam giới trưởng thành và phụ nữ sau mãn kinh cần 8mg sắt mỗi ngày, vì vậy khẩu phần nghệ này cung cấp hơn một nửa lượng khuyến nghị hàng ngày.
3. Một số lợi ích sức khỏe hàng đầu của nghệ cho mùa đông
Có thể giúp kiểm soát cơn đau khớp
Viêm khớp là chứng rối loạn khớp phổ biến và đầu gối thường là khớp đầu tiên bị ảnh hưởng bởi tình trạng này. Nghiên cứu cho thấy ở những người trên 60 tuổi, hơn 10% nam giới và 13% phụ nữ có triệu chứng viêm khớp ở đầu gối.
Các chuyên gia cho biết ngày càng có nhiều bằng chứng rõ ràng cho thấy hoạt chất trong nghệ có thể có lợi cho sức khỏe. Tiến sĩ Nagendra Gupta - bác sĩ nội khoa tại Bệnh viện Texas Health Arlington Memorial cho biết, chất curcumin, thành phần hoạt chất trong củ nghệ có đặc tính chống viêm và chống oxy hóa. Và vì lý do này, nó thường được nhiều người sử dụng như một chất bổ sung để giúp giảm các triệu chứng về khớp.
Hỗ trợ chức năng miễn dịch, giảm triệu chứng cảm lạnh hoặc cúm
Các nghiên cứu chỉ ra rằng chất curcumin có đặc tính chống virus và giúp làm giảm mức độ nghiêm trọng của virus cúm A. Nghệ có thể làm giảm mức độ viêm, giúp cải thiện chức năng miễn dịch.
Củ nghệ là chất chống viêm tự nhiên có thể giúp giảm viêm trong hệ hô hấp. Nó cũng là một chất khử trùng tự nhiên giúp chống lại các bệnh nhiễm trùng gây cảm lạnh và ho.
Giúp chống lại chứng viêm
Curcumin là hợp chất chống viêm tự nhiên, là một chất hoạt tính sinh học có thể giúp chống lại chứng viêm, mặc dù cần phải có liều lượng đủ để tạo ra kết quả chữa bệnh. Tuy nhiên, điều đó có nghĩa là nó góp phần chống lại chứng viêm, có vai trò trong nhiều tình trạng sức khỏe và bệnh tật.
Giúp giảm các triệu chứng viêm xoang
Nghệ chứa nhóm hợp chất curcuminoid, chất này đã được khoa học chứng minh là có đặc tính chống viêm, kháng khuẩn, kháng virus, trong đó curcumin có khả năng hỗ trợ giảm tình trạng sưng nề các xoang, giảm đau và áp lực lên xoang, bảo vệ các tế bào ở niêm mạc mũi xoang; Ngăn chặn phản ứng dị ứng gây tổn hại đến xoang, giảm ngứa mũi, nghẹt mũi; Giúp tổn thương trong xoang nhanh được chữa lành.
4. Những cách sử dụng nghệ cho sức khỏe mùa đông
Gia vị thực phẩm
Nghệ là gia vị rất phổ biến, được xem là một trong những gia vị quen thuộc trong nấu ăn, có thể thêm nghệ vào các món ăn như canh cá, cá kho, cá nướng, lươn, ốc om, xào; gà rang, thịt lợn rang, bò hầm… vừa có lợi cho sức khỏe lại vừa tăng hương vị cho món ăn.
Sữa nghệ
Sữa nghệ là nguồn cung cấp chất chống oxy hóa mạnh mẽ. Có thể uống một cốc sữa nghệ trước khi đi ngủ. Nó sẽ giữ ấm cho cơ thể và có thể giúp làm dịu cơn đau họng, giảm nghẹt mũi và giảm ho.
Trộn một thìa cà phê bột nghệ với một cốc sữa ấm để làm sữa nghệ. Thêm mật ong cho vừa miệng.
Trà nghệ
Có thể thay trà thông thường bằng trà nghệ để uống vào buổi sáng để tăng cường khả năng miễn dịch và giúp ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe khác nhau liên quan đến thời tiết lạnh.
Để pha trà nghệ, trước tiên cần đun sôi 3-4 cốc nước. Thêm một ít bột nghệ hoặc vài lát nghệ tươi vào. Đun sôi nước này một lúc. Sau đó, thêm một ít mật ong hoặc chanh vào để dễ uống hơn và tăng hương vị.
Sinh tố nghệ
Xay 1 – 2 lát nghệ tươi cùng kết hợp với 1 lát gừng, 1 quả chuối, 1 thìa cà phê bột quế và 1 muỗng cà phê mật ong. Xay nhuyễn cho đến khi các thành phần này tạo thành hỗn hợp mịn. Món sinh tố này giúp điều hòa sức khỏe.
Theo BS. Trần Đức Cảnh, Bệnh viện K, có một số nhóm người không nên sử dụng tinh bột nghệ như phụ nữ mang thai, người bị thiếu máu, đái tháo đường, người bệnh sỏi thận, người chuẩn bị phẫu thuật...
Tốt nhất khi muốn sử dụng tinh bột nghệ nên hỏi ý kiến bác sĩ về liều lượng, cách sử dụng để tránh những rủi ro cho sức khỏe.
Xem thêm video đang được quan tâm:
7 công thức trà thảo mộc tăng cường miễn dịch.