Su hào có tên khoa học là Brassica caulorapa Pasq hoặc Brassica oleracea var.caulorapa. Thân của cây phát triển phình to ra thành củ chứa rất nhiều chất dinh dưỡng và được dùng làm thực phẩm. Có một số chủng loại giống su hào đang được trồng phổ biến tùy theo mùa vụ và địa phương như:
- Su hào dọc tăm (su hào trứng): Củ bé, tròn, cọng lá nhỏ, phiến lá nhỏ và mỏng, do đó có thể trồng xen vào mép luống cải bắp, khoai tây.
- Su hào dọc trung (su hào dọc nhỡ): Củ tròn, to, mỏng vỏ, cọng và phiến lá to hơn, dày hơn loại su hào dọc tăm.
- Su hào dọc đại (su hào bánh xe): Củ to hơi dẹt, vỏ rất dày, cọng và phiến lá rất to, dày.
1. Thành phần dinh dưỡng của su hào
Su hào là một nguồn dinh dưỡng tuyệt vời. Một cốc (135 g) su hào thô cung cấp:
- Lượng calo: 36
- Carb: 8 g
- Chất xơ: 5 g
- Chất đạm: 2 g
- Vitamin C: 93% giá trị hàng ngày (DV)
- Vitamin B6: 12% DV
- Kali: 10% DV
- Magie: 6% DV
- Mangan: 8% DV
- Folate: 5% DV
Su hào là nguồn cung cấp vitamin C tuyệt vời, một chất chống oxy hóa giúp bảo vệ cơ thể khỏi tác hại của gốc tự do, đóng vai trò chữa lành vết thương, tổng hợp collagen, hấp thụ sắt và sức khỏe miễn dịch.
Hơn nữa, đây là nguồn cung cấp vitamin B6 dồi dào, hỗ trợ sức khỏe miễn dịch, chuyển hóa protein, sản xuất hồng cầu. Su hào còn cung cấp kali, khoáng chất, chất điện giải quan trọng đối với sức khỏe tim mạch và cân bằng chất lỏng.
1 cốc (135 g) su hào cung cấp khoảng 17% nhu cầu chất xơ hàng ngày. Chất xơ giúp hỗ trợ sức khỏe đường ruột, quản lý lượng đường trong máu.
2. Một số lợi ích sức khỏe của su hào
Giàu chất chống oxy hóa
Su hào chứa nhiều chất chống oxy hóa, chẳng hạn như vitamin C, anthocyanin, isothiocyanates, glucosinolates. Các hợp chất thực vật này bảo vệ tế bào chống lại tổn thương gốc tự do có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Chế độ ăn nhiều rau giàu chất chống oxy hóa như su hào có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, bệnh chuyển hóa.
Thúc đẩy đường ruột khỏe mạnh
Su hào là nguồn cung cấp cả chất xơ hòa tan và không hòa tan.
Loại thứ nhất hòa tan trong nước, giúp duy trì lượng đường và cholesterol trong máu khỏe mạnh. Mặt khác, chất xơ không hòa tan không bị phân hủy trong ruột giúp bổ sung khối lượng lớn vào phân, thúc đẩy nhu động ruột thường xuyên.
Hơn nữa, chất xơ là nguồn nhiên liệu chính của vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh, chẳng hạn như bifidobacteria và lactobacilli. Những vi khuẩn này tạo ra acid béo chuỗi ngắn, giúp nuôi dưỡng các tế bào trong ruột, góp phần bảo vệ chống lại bệnh tim, béo phì.
Ngoài ra, hệ vi sinh vật đường ruột khỏe mạnh có thể liên quan đến hệ thống miễn dịch khỏe mạnh hơn, giảm nguy cơ béo phì và bệnh đường ruột.
Có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim
Su hào chứa các hợp chất thực vật mạnh mẽ được gọi là glucosinolates và isothiocyanates, chủ yếu được tìm thấy trong các loại rau họ cải.
Lượng glucosinolate cao có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim do hợp chất này có khả năng mở rộng mạch máu và giảm viêm. Hơn nữa, isothiocyanate có đặc tính chống oxy hóa có thể ngăn ngừa sự tích tụ mảng bám trong động mạch.
Một nghiên cứu dài hạn bao gồm 1.226 phụ nữ từ 70 tuổi trở lên cho thấy rằng ăn một chế độ ăn nhiều rau họ cải có liên quan đến việc giảm 13% nguy cơ tử vong do bệnh tim khi tăng 10 g chất xơ mỗi ngày.
Chế độ ăn nhiều chất xơ có thể bảo vệ chống lại bệnh tim. Một đánh giá của 15 nghiên cứu cho thấy chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng này giúp giảm 24% nguy cơ tử vong do bệnh tim so với chế độ ăn ít chất xơ.
Hỗ trợ hệ thống miễn dịch khỏe mạnh
Các chất dinh dưỡng trong su hào có thể hỗ trợ hệ thống miễn dịch. Loại rau này chứa nhiều vitamin B6, rất quan trọng đối với nhiều chức năng, bao gồm chuyển hóa protein, phát triển hồng cầu và chức năng miễn dịch.
Vitamin B6 tham gia vào quá trình sản xuất tế bào bạch cầu và tế bào T, là những loại tế bào miễn dịch chống lại các chất lạ và là chìa khóa cho hệ thống miễn dịch khỏe mạnh. Sự thiếu hụt chất dinh dưỡng này có liên quan đến hệ thống miễn dịch suy yếu.
Su hào là một nguồn vitamin C, vitamin này có thể hỗ trợ chức năng tế bào bạch cầu, tăng cường hệ thống miễn dịch.
3. Cách bảo quản su hào
Bảo quản củ su hào trong túi kín để trong tủ lạnh. Nếu đã cắt một phần của củ su hào và muốn bảo quản phần còn lại, hãy bọc chặt nó bằng màng nhựa. Những miếng su hào thái lát hoặc cắt nhỏ nên được bảo quản trong hộp kín để trong tủ lạnh. Nếu được bảo quản đúng cách, cả su hào nguyên củ và đã cắt nhỏ đều có thể bảo quản được tối đa một tuần.
Su hào còn cả thân và lá cũng nên được bảo quản trong túi kín để trong tủ lạnh. Thân và lá có thể bắt đầu héo trong vòng vài ngày nhưng củ sẽ tồn tại lâu hơn. Thân hoặc lá hơi héo vẫn có thể sử dụng được nhưng nên loại bỏ nếu chúng bị đổi màu hoặc có mùi lạ, vì vậy nên sử dụng sớm.
Su hào đã nấu chín có thể bảo quản trong hộp kín để trong tủ lạnh. Tùy thuộc vào cách chế biến, ví dụ su hào kho cá, kho thịt có thể để đến vài ngày trong ngăn mát.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Những loại rau củ trợ giúp người bị táo bón.