4 lý do để xem Ai là thủ phạm

28-01-2015 8:00 AM | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Ai là thủ phạm - vở kịch được Lưu Quang Vũ viết cách đây hơn 30 năm do Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng và biểu diễn đang làm nóng không khí sân khấu kịch Hà Nội ...

Ai là thủ phạm - vở kịch được Lưu Quang Vũ viết cách đây hơn 30 năm do Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng và biểu diễn đang làm nóng không khí sân khấu kịch Hà Nội trong những ngày đầu năm 2015 này.

Tính thời sự của vở kịch được viết từ  hơn 30 năm trước - liều vaccin nuôi dưỡng tâm hồn

Kịch mở ra với câu chuyện bao gồm 7 “phân đoạn” về cuộc sống ở một khu tập thể thời bao cấp những năm 80 của thế kỷ trước. Những chung cư xưa cũ của cuộc sống chung đụng đủ thứ, từ cái nhà vệ sinh chung, khoảng sân chung, bể nước công cộng… Sống trong không khí bức bí ấy, con người đôi khi thiếu cả cái sự “thoáng” với nhau. Ở đó, có một lớp trẻ được sinh ra và lớn lên với nhiều cách giáo dục và hoàn cảnh sống khác nhau, nhưng đa phần lệch lạc. Nguyên nhân có cả do chúng nhìn thấy những ứng xử thiếu chân thật, thậm chí thô thiển của cha mẹ mình. Và chất thiện, niềm tin vào cuộc sống trong con người chúng đã ít dần kể từ khi không còn cảm thấy phục bố/mẹ mình nữa. Những đứa trẻ ngày đó, hôm nay đã trở thành những bậc làm cha, làm mẹ, làm ông, làm bà, thậm chí giữ những trọng trách trong xã hội. Giống như một sự “dội lại” của quá khứ tới hiện tại, nhân cách được hình thành và giáo dục từ tuổi thơ ấy đã dẫn tới những hệ lụy của ngày hôm nay. Những chuyện “cũ” thế mà bao năm nay chúng ta đâu giải quyết nổi, để tới hôm nay, nó vẫn là chuyện “mới” khi xã hội chưa vơi đi nạn tham nhũng, giả dối, những chuyện “ngồi sai chỗ”, “con ông cháu cha”… Vì vậy, vở kịch được đánh giá là vẫn còn nguyên tính thời sự. Vở diễn kia đã sang phần kết/ Cuộc sống này vẫn mãi cứ trôi/ Ngẫm chuyện xưa lòng thấy bồi hồi/ Nát thời nay… Ai là thủ phạm? Đạo diễn, NSưT Chí Trung chia sẻ: “Vở diễn ấy, giống như liều vaccin giúp nuôi dưỡng tâm hồn của chúng ta trong cuộc sống hôm nay, giúp cho tâm hồn chúng ta luôn khỏe mạnh”.

​Một cảnh trong vở Ai là thủ phạm - tác giả Lưu Quang Vũ - đạo diễn NSƯT Chí Trung.

Phù hợp với tâm cảm của khán giả hiện đại

Vẫn là hồn cốt đậm chất kịch tâm lý, nhân văn của kịch tác gia tài hoa Lưu Quang Vũ nhưng đạo diễn đã thả vào rất nhiều mảng miếng hài, được gia giảm vừa vặn, phù hợp với gu thưởng thức của khán giả ngày hôm nay, khi người ta đến với Nhà hát không để được cười với những màn pha trò dễ dãi nhưng cũng không muốn bị quá… mệt với kịch tính đôi khi căng thẳng tới mức phi lý. Sự hài hước từ những câu thoại hóm hỉnh, ngôn ngữ hình thể chuẩn xác lành nghề khiến khán giả được thư giãn trong quá trình thưởng thức, cũng khiến vốn sống, vốn từ vựng được mở rộng. Phần mở đầu và kết thúc bằng những bản nhạc rap do nhạc sĩ Tuấn Nghĩa viết cũng có thể tính là một sáng tạo, mang đến không khí tươi mới, hiện đại. Không gian sân khấu được thiết kế kỹ lưỡng, bật lên được cái màu xưa cũ, mang tính biểu cảm cao. Cảm xúc của khán giả còn được đánh thức bởi những thanh âm da diết được nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc phổ vào lời thơ của Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ. Mây đen tới trời chẳng còn xanh nữa/ Nắng không trong như nắng buổi ban đầu/ Ngày mai chúng mình ra sao em ơi…

Dàn diễn viên 3 thế hệ của Nhà hát Tuổi trẻ

Giám đốc Trương Nhuận cho biết, trong năm 2014, Nhà hát Tuổi trẻ đã có hơn 600 suất diễn, là Nhà hát công đỏ đèn nhiều nhất. Khán giả đến với nghệ thuật là đến với những nghệ sĩ mà mình yêu mến và thần tượng, đôi khi từ những ngày thơ bé. Với Ai là thủ phạm, khán giả được gặp cả 3 thế hệ diễn viên của Nhà hát. Từ NSND Lê Khanh, NSƯT Ngọc Huyền, Minh Hằng, Đức Khuê, các diễn viên Vân Dung, Quỳnh Dương, Thanh Dương… tới những diễn viên trẻ măng vừa ra trường. Điều này cho thấy sự đầu tư của cả ê-kíp để thực hiện một vở diễn “ra tấm ra món” - một nỗ lực rất đáng trân trọng trong bối cảnh sân khấu hiện nay.

Tư duy hiện đại:

Đưa sân khấu đến với cộng đồng

Đạo diễn Chí Trung chia sẻ cảm giác đau xót khi những vở kịch rất “ổn”, dàn dựng công phu nhưng không kéo được khán giả đến rạp. Trước thực trạng đó, các nghệ sĩ không thể cứ ngồi yên trong tháp ngà nghệ thuật nữa. Họ chủ động tìm các mạnh thường quân để có kinh phí dựng những vở kịch đảm bảo chất lượng để nuôi thói quen xem kịch cho công chúng trước khi điều đó trở thành nhu cầu tinh thần của họ. Chương trình xã hội hóa nghệ thuật “Chắp cánh niềm tin” của Nhà hát Tuổi trẻ với sự tài trợ của một doanh nghiệp trong năm 2014 đã dành tặng 100 suất diễn dành cho các sinh viên, giảng viên các trường ĐH-CĐ tại Hà Nội; cũng với kịch mục của Lưu Quang Vũ. Khán giả không những được thưởng thức nghệ thuật miễn phí mà còn có cơ hội được nhận nhiều quà tặng hấp dẫn ngay tại đêm diễn và tham gia các hoạt động với câu lạc bộ bạn yêu sân khấu. Năm nay, hành trình lại bắt đầu, nhưng không chỉ bó hẹp ở Thủ đô mà đã được mở rộng ra 15 tỉnh, thành phố trong cả nước, trải dài từ miền Bắc tới miền Trung; bao gồm Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Thái Bình, Ninh Bình, QuảngNinh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Lào Cai, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Nghệ An, Huế và Đà Nẵng. Tổng số vé miễn phí dành tặng sẽ là 70.000 vé và được mở rộng cho tất cả đối tượng khán giả. Cùng với đó là 1.000 suất học bổng hướng nghiệp dành cho các học sinh, sinh viên trong cả nước. “Dụ” khán giả bằng nhiều cách, hẳn là thế, có lẽ đó là con đường duy nhất đúng trong thực tế hiện nay.

Võ Hồng Thu

 

 


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH