Hãy mạnh dạn đặt nguyện vọng ở ngành phù hợp nhất
Để giúp thí sinh đặt nguyện vọng xét tuyển đại học đạt kết quả tốt nhất, GS.TSKH.Vũ Hoàng Linh - Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết có 4 điểm thí sinh cần lưu ý sau:
Thứ nhất, nếu thí sinh đã trúng tuyển theo các phương thức xét tuyển sớm vào một ngành và trường ưng ý (phù hợp năng lực, sở thích, học phí chấp nhận được) thì thí sinh hãy đặt nguyện vọng 1 vào ngành đó và đợi nhập học.
Thứ hai, nếu thí sinh đã trúng tuyển sớm, nhưng chưa thực sự ưng ý với ngành đã trúng tuyển, điểm thi THPT tốt (so với điểm chuẩn 2023, phổ điểm 2024 và dự báo điểm chuẩn 2024) thì vẫn mạnh dạn để các ngành, trường mong muốn nhất ở nguyện vọng 1, nguyện vọng 2. Tiếp theo nên đặt nguyện vọng vào ngành đã trúng tuyển sớm mà thí sinh hài lòng nhất.
Thứ ba, nếu thí sinh đã trúng tuyển sớm, nhưng kết quả thi THPT không thực sự tốt thì hãy làm như trường hợp 1 với ngành ưng ý nhất trong số các ngành đã trúng tuyển sớm và đợi nhập học.
Cuối cùng, nếu chưa trúng tuyển sớm thì căn cứ kết quả thi tốt nghiệp THPT và dự báo điểm chuẩn, thí sinh nên lựa chọn các ngành, trường mình mong muốn, có khả năng trúng tuyển và sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên.
Lưu ý thêm tới thí sinh, GS.TSKH Vũ Hoàng Linh cho rằng, ngành yêu thích được hiểu là ngành thí sinh thích (chứ không phải bố mẹ yêu thích) và có khả năng theo học, cộng cơ hội trúng tuyển (năng lực, học phí, điểm thi gần hoặc vượt điểm chuẩn dự kiến). Nhiều thí sinh lo ngại về vấn đề điểm mấp mé so với dự báo điểm chuẩn, hoặc điểm chuẩn những năm trước cũng vẫn nên mạnh dạn đăng ký ngành mình yêu thích.
"Giai đoạn vàng" để thí sinh chốt nguyện vọng đăng ký
PGS.TS Nguyễn Văn Thụy - Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Ngân hàng TPHCM lưu ý: Các em phải luôn nhớ trường hợp đã trúng tuyển sớm bằng các phương thức xét học bạ, đánh giá năng lực..., nhất định phải đăng ký nguyện vọng lên hệ thống của Bộ GD&ĐT.
Hiện chỉ còn 4 ngày để các em thực hiện. Các em có thể đăng ký không giới hạn số nguyện vọng, bao gồm cả nguyện vọng xét tuyển sớm và nguyện vọng sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Sau thời hạn trên, hệ thống sẽ đóng lại, thí sinh không thể bổ sung, điều chỉnh được nữa.
Hệ thống sẽ xét từ trên xuống, thí sinh đỗ ở nguyện vọng nào sẽ dừng ở nguyện vọng đó, không xét tiếp nữa. Vì thế, nếu thí sinh để nguyện vọng đã trúng tuyển sớm ở cuối nhưng các nguyện vọng xếp ở trên không đậu thì hệ thống vẫn xác định thí sinh đỗ nguyện vọng này.
Còn theo ThS Cao Quảng Tư - Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, thời gian này được xem là "giai đoạn vàng" thí sinh chốt nguyện vọng đăng ký, sau khi có thời gian suy nghĩ và những ngày sau để dự phòng.
Thời gian công bố điểm chuẩn
Bộ GD&ĐT lưu ý, để được hệ thống ghi nhận đăng ký thành công, thí sinh cần hoàn thành đúng, đủ quy trình đăng ký trên hệ thống, bao gồm cả việc nộp lệ phí xét tuyển nguyện vọng. Thời gian nộp lệ phí từ ngày 31/7 - 17h ngày 6/8. Nếu không hoàn thành việc nộp lệ phí trong khoảng thời gian này, thí sinh coi như chưa đăng ký nguyện vọng xét tuyển.
Sau khi các thí sinh hoàn thành đăng ký nguyện vọng, hệ thống sẽ triển khai việc xét tuyển và xử lý nguyện vọng, thời gian lọc xử lý nguyện vọng kéo dài từ 13/8 đến 17h ngày 17/8.
Chậm nhất đến 17h ngày 19/8, các trường đại học trên cả nước sẽ công bố điểm chuẩn và thông báo kết quả trúng tuyển đợt 1 cho thí sinh.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, các trường đại học được tuyển sinh nhiều đợt trong năm. Sau đợt 1, nếu còn chỉ tiêu, các trường sẽ tiếp tục tổ chức tuyển sinh bổ sung đến hết năm 2024. Tuy nhiên, thực tế các năm trước cho thấy, hầu hết các trường tốp trên đều tuyển sinh đủ chỉ tiêu ngay trong đợt 1.