Khi trẻ bị tim bẩm sinh thì hoạt động tim bình thường bị thay đổi và trẻ có biểu hiện bệnh với nhiều triệu chứng:
- Tím ở mặt trong má, nướu, lưỡi.
- Ăn bú kém, chậm tăng cân, vã mồ hôi nhiều lúc ăn.
- Thở nhanh, khò khè, viêm phổi tái đi tái lại.
- Tiếng tim không bình thường (ví dụ như tim đập nhanh, hồi hộp…)
Do vậy, nếu phát hiện ra bất kỳ triệu chứng nghi ngờ mắc tim bẩm sinh, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay các bệnh viện chuyên khoa để thăm khám và chữa trị kịp thời.
Ngoài ra, việc tuân thủ điều trị chăm sóc của cha mẹ sẽ đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với trẻ bị bệnh tim bẩm sinh, điều này sẽ giúp con có thể sống khỏe mạnh và phát triển bình thường.
Những lưu ý quan trọng khi chăm sóc trẻ bị tim bẩm sinh
Cần tái khám định kỳ
Trẻ bị tim bẩm sinh cần được tái khám định kỳ mỗi tháng, 2 tháng, 3 tháng hay 6 tháng tùy theo chỉ định của bác sĩ. Cho dù sức khỏe của trẻ vẫn bình thường cũng nên đi tái khám theo đúng lịch hẹn để bác sĩ đánh giá diễn tiến của bệnh, phát hiện sớm các biến chứng nếu có, cũng như điều chỉnh lại liều lượng thuốc cho phù hợp với cân nặng tăng dần của trẻ.
Nếu trẻ có bất kỳ triệu chứng khác thường như: Bú kém, ăn kém hơn hoặc bỏ bú, bỏ ăn, nôn ói, sốt cao, tiêu chảy… thì cần đưa trẻ đi khám lại ngay.
Tuân thủ điều trị
Sử dụng thuốc điều trị bệnh tim bẩm sinh theo đúng chỉ định, có rất nhiều loại thuốc điều trị bệnh tim bẩm sinh, tùy vào mỗi loại bệnh tim và mức độ nặng nhẹ của bệnh, bác sĩ sẽ cho trẻ sử dụng các loại thuốc khác nhau. Những thuốc này nếu dùng không đúng chỉ định đều có thể có hại cho trẻ. Chính vì thế, cha mẹ cần lưu ý chỉ cho trẻ uống thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, không được tự động ngưng thuốc vì sẽ khiến bệnh nặng hơn, cũng không tự động tăng hoặc giảm liều thuốc vì sẽ gây nguy hiểm cho trẻ. Trong khi dùng thuốc nếu trẻ xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào khác thường, gia đình cần thông báo ngay cho bác sĩ.
Lưu ý về sinh hoạt đối với trẻ bị tim bẩm sinh
Trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh thường dễ bị mệt mỏi do thiếu oxy. Vì vậy, cha mẹ cần lưu ý tránh để trẻ quấy khóc, bú hoặc ăn quá no, chơi đùa lâu, rặn khi đi tiêu do táo bón… vì có thể làm tăng nhu cầu oxy của cơ thể, khiến trẻ bị mệt, khó thở, tím tái nhiều hơn.
Nên cho trẻ nằm đầu cao, chếch khoảng 30 – 45 độ, nhất là khi trẻ đang mệt và khó thở. Tránh các tác nhân kích thích như tiếng động lớn, tã ướt, bụng đói, ánh sáng chói… để trẻ được nghỉ ngơi yên tĩnh, ngủ ngon giấc.
Nếu trẻ khó thở cần nới rộng quần áo và đặt trẻ nằm theo tư thế quay sang một bên với hai đầu gối co lên ngực (tư thế này giúp tăng lượng máu lên phổi, trẻ sẽ đỡ mệt). Sau đó lập tức đưa trẻ đến bệnh viện để điều trị kịp thời.
Khi cho trẻ đi chơi xa như tham quan, du lịch… cha mẹ cần nhớ mang theo các loại thuốc điều trị cần thiết cho trẻ.
Lưu ý đối với hoạt động ngoài trời
Hầu hết trẻ mắc dị tật tim bẩm sinh đều có thể sinh hoạt hay vui chơi bình thường. Trẻ có thể tham gia vào một số hoạt động có lợi cho sức khỏe như đi bộ, chạy, bơi, đi xe đạp và chơi cầu lông. Chỉ cần tránh những hoạt động đòi hỏi gắng sức quá nhiều như bóng rổ, bóng đá, đua xe đạp, chạy cự ly dài, hoặc các môn thể thao mang tính chất thi đấu đối kháng như boxing, đấu vật, võ thuật, hay những trò chơi cảm giác mạnh.
Nếu trẻ đang ở độ tuổi đi học thì gia đình cần trao đổi với nhà trường để miễn cho trẻ những hoạt động nặng cần phải gắng sức nhiều.
Nhìn chung trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh nên được động viên tham gia vào các hoạt động thể chất phù hợp, để giúp trái tim thích nghi tốt và trẻ có thể được tận hưởng cuộc sống một cách bình thường.
Tóm lại: Dị tật tim bẩm sinh cũng làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn tim mạch, để ngăn ngừa nhiễm khuẩn này thì trẻ cần được chăm sóc sức khỏe răng miệng đúng cách trong suốt cuộc đời. Cha mẹ nên hướng dẫn trẻ đánh răng sau mỗi bữa ăn và cho trẻ khám bác sĩ nha khoa định kỳ 6 tháng/lần. Ngoài ra, nếu trẻ có vết thương hở hay nhiễm khuẩn ở trên da, cha mẹ cũng nên đưa trẻ đi khám bác sĩ để được tư vấn dự phòng biến chứng lên tim mạch.
Trong sinh hoạt hàng ngày, cha mẹ cần lưu ý để phòng tránh nhiễm khuẩn cho trẻ. Trước khi cho trẻ bú hoặc ăn, mẹ cũng cần rửa tay sạch sẽ, nhớ lau kỹ vú, nhất là đầu vú bằng nước ấm. Các đồ dùng cho trẻ cũng luôn phải giữ vệ sinh sạch sẽ. Những người đang bị ho, cảm cúm, nhiễm trùng thì nên tránh xa, không nên tiếp xúc hoặc chăm sóc trẻ.