Hà Nội

4 lưu ý để phục hồi sức khỏe sau khi mổ bướu cổ

17-08-2024 15:57 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Bướu cổ còn được gọi là bướu tuyến giáp, xuất hiện khi sự phát triển to bất thường trong tuyến giáp tạo thành khối. Đây là một căn bệnh thường gặp ở nhiều người, đặc biệt là phụ nữ.

Bướu cổ không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn gây mất thẩm mỹ cho người bệnh. Một số trường hợp bướu cổ cần được điều trị bằng phẫu thuật để cắt bỏ khối u hoặc toàn bộ tuyến giáp.

Tuy nhiên, sau khi mổ bướu cổ, người bệnh cần chú ý để phục hồi sức khỏe, tránh các biến chứng và giảm thiểu sẹo. Dưới đây là những chú ý:

Chăm sóc vết mổ sau khi xuất viện

Sau phẫu thuật 4 – 5 ngày, người bệnh có biểu hiện đau từ mức độ nhẹ đến trung bình Những biểu hiện thường gặp khác bao gồm: mệt mỏi, đau họng, đau nhức, tuy nhiên mức độ đau sẽ giảm dần trong khoảng 1 – 2 tuần.

Tùy vào phương pháp phẫu thuật, người bệnh sẽ được bác sĩ hướng dẫn cách chăm sóc vết thương. Người bệnh có thể được khuyên không tắm bồn, vòi hoa sen hoặc bơi cho đến khi vết thương cổ lành hẳn. Ở cổ có thể xuất hiện vết bầm tím hoặc sưng nhẹ xung quanh vết sẹo, biểu hiện này là bình thường.

Vết sẹo mổ dần chuyển sang hồng, kèm biểu hiện cứng khi sờ. Độ cứng của vết sẹo có thể "đạt đỉnh" vào khoảng 3 tuần sau mổ, nhưng giảm dần sau khoảng 2-3 tháng. Người bệnh có thể tham khảo ý kiến bác sĩ sử dụng lượng nhỏ kem dưỡng ẩm không mùi để bôi lên vết sẹo giúp làm mềm mịn da, giảm ngứa khi vết thương lành.

4 lưu ý để phục hồi sức khỏe sau khi mổ bướu cổ- Ảnh 1.

Bướu cổ không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn gây mất thẩm mỹ cho người bệnh.

Thực hiện chỉ định của bác sĩ

Thay gạc y tế định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu gạc bị ướt hay bẩn, cần thay ngay lập tức. Không được để gạc quá lâu trên vết mổ, vì có thể gây nhiễm trùng hoặc làm vết mổ chậm lành.

Giữ cho vết mổ luôn khô ráo và sạch sẽ. Không được rửa vết mổ bằng xà phòng hay dung dịch khử trùng. Không được chà xát hay gãi vết mổ. Không được dùng thuốc bôi trị sẹo mà không có sự chỉ định của bác sĩ.

Ngoài ra, người bệnh cần tuân thủ uống thuốc theo đơn của bác sĩ, đặc biệt là thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh và thuốc bổ sung hormone giáp (nếu có). Người bệnh cũng cần tái khám định kỳ để theo dõi tình trạng vết mổ và chức năng tuyến giáp.

Tập vật lý trị liệu

Người bệnh cần kiêng tập thể dục nặng, vận động quá sức, nâng vác hàng hóa nặng. Những hoạt động này có thể làm căng vết mổ, gây đau đớn và làm ảnh hưởng đến vết mổ. Nên nghỉ ngơi đủ, tránh căng thẳng và áp lực tâm lý.

Thực hiện động tác quay đầu mà không cảm thấy đau, người bệnh có thể bắt đầu trở lại công việc hàng ngày bằng động tác nhẹ nhàng. Bác sĩ vật lý trị liệu, phục hồi chức năng có thể sẽ đề nghị người bệnh thực hiện một số bài tập nhẹ nhàng cho cổ và vai sau phẫu thuật. Những bài tập này giúp ngăn tình trạng cứng khớp có thể xảy ra. Nếu người bệnh vẫn bị đau hoặc cứng khớp, cần tái khám.

Về giọng nói, người bệnh cũng có thể gặp phải vấn đề như: không thể nói to, giọng khàn hơn, khó khăn khi nói chuyện. Nguyên nhân có thể do các dây thần kinh thanh quản bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, tình trạng này có thể khắc phục sau thời gian ngắn.

Chế độ dinh dưỡng sau mổ bướu cổ

Người bệnh sau mổ bướu cổ cần kiêng ăn các thực phẩm cay, nóng, mặn, chua, ngọt, béo, nhiều dầu mỡ, nhiều gia vị. Ăn uống đủ chất, cân bằng dinh dưỡng, tăng cường ăn các thực phẩm giàu vitamin C và protein để giúp vết mổ mau lành và hạn chế sẹo.

Người bệnh cần sử dụng thức ăn dạng lỏng như cháo, súp, nước ép hoa quả, sinh tố,… nhằm cung cấp nguồn dưỡng chất thiết yếu cho quá trình hồi phục.

Chế độ ăn cho người mổ bướu cổ

Người bệnh sau mổ bướu cổ cần kiêng ăn các thực phẩm cay, nóng, mặn, chua, ngọt, béo, nhiều dầu mỡ.

Sau ca phẫu thuật bướu cổ, người bệnh nên tránh sử dụng các loại rau họ cải như bông cải xanh, cải ngọt, cải xoăn, củ cải, bắp cải, su hào. Vì trong các loại rau đó có chứa các hợp chất lưu huỳnh (có tên glucosinolate), chất này sẽ sản sinh ra isothiocyanates khiến tình trạng bướu cổ trầm trọng hơn, đồng thời nó sẽ ngăn chặn sự hấp thụ iốt của tuyến giáp. Hạn chế cho người bệnh sử dụng thức ăn nhanh, nhiều dầu mỡ, khó tiêu hóa.

Tuyệt đối không cho người bệnh sau khi phẫu thuật bướu cổ sử dụng bia, rượu, nước ngọt có gas hay các loại đồ uống khác có chứa các chất kích thích. Những chất này có thể làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể, làm chậm quá trình phục hồi của vết mổ và tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Ngoài ra, cần kiêng tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Ánh nắng mặt trời có thể làm tăng sự sản sinh của melanin, làm cho vết mổ đậm màu hơn và khó phai. Nếu phải ra ngoài, nên che chắn vết mổ bằng khăn hoặc mũ.

Tóm lại: Sau khi mổ bướu cổ người bệnh cần chú ý đến việc chăm sóc vết mổ để tránh các biến chứng và giảm thiểu sẹo. Nếu có bất kỳ triệu chứng bất thường nào sau khi mổ bướu cổ, như sốt cao, sưng đỏ, chảy máu, mủ ở vết mổ, hoặc biến đổi giọng nói, khó thở, hay suy giáp… người bệnh cần đi khám ngay để được điều trị kịp thời.

Các phương pháp điều trị bướu cổCác phương pháp điều trị bướu cổ

SKĐS - Bướu cổ thường không gây đau, nhưng khiến người bệnh khó chịu, khó nuốt. Việc điều trị bướu cổ sớm, đúng cách có thể giúp người bệnh cải thiện chất lượng cuộc sống, giảm nguy cơ biến chứng sau này.

Ths.Bs Phạm Vũ Hiệp
Ý kiến của bạn