Để giúp người cao tuổi vượt qua mùa lạnh an toàn, chúng ta cần chú ý một số biện pháp sau:
- Chế độ ăn giúp bảo vệ sức khỏe người cao tuổi
Người cao tuổi rất cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, đủ năng lượng để có sức đề kháng tốt trong mùa lạnh. Do vậy, khẩu phần ăn phải cân đối bốn nhóm chất: tinh bột, đạm, dầu mỡ và rau xanh.
Lưu ý, mùa lạnh nên chia thành nhiều bữa ăn nhỏ để tránh khó tiêu, khó nuốt và giúp hấp thu dinh dưỡng tốt hơn. Nên ăn những thức ăn vừa nấu xong.
Buổi sáng và buổi trưa nên ăn đồ ăn giàu năng lượng, calo, còn buổi tối chỉ nên ăn nhẹ nhàng và tránh uống nhiều nước gây tiểu nhiều.
Không nên uống rượu nhằm mục đích làm ấm người vì có thể gây giãn tĩnh mạch. Nên uống đủ nước, duy trì uống 1,5 - 2 lít nước mỗi ngày giúp quá trình tiêu hoá, trao đổi chất diễn ra thuận lợi hơn, nhờ vậy chất thải được loại bỏ khỏi cơ thể, tránh gây hại cho sức khỏe. Bên cạnh nước sôi để nguội, người cao tuổi có thể dùng trà hạt sen để giúp tinh thần thoải mái, thư giãn và ngủ ngon hơn. Ngoài ra, nếu thích người lớn tuổi có thể uống trà xanh, một thức uống có tác dụng phòng bệnh tim mạch cực kỳ hiệu quả.
Cần tăng cường ăn nhiều rau xanh, hoa quả để hạn chế tối đa tình trạng táo bón, đồng thời loại bỏ chất béo thừa ra khỏi cơ thể, nhờ vậy người cao tuổi ít có nguy cơ mắc bệnh xơ vữa động mạch. Trong khi đó, hoa quả còn cung cấp vitamin và một số loại khoáng chất thiết yếu, hỗ trợ tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Nên tăng cường ăn những món được chế biến từ đậu tương hoặc lạc vì không chỉ bổ sung đạm cho cơ thể mà còn hỗ trợ phòng bệnh liên quan tới tim mạch hoặc bệnh ung thư cực kỳ tốt.
- Cần tuân thủ dùng thuốc và tái khám định kỳ
Để tránh những trường hợp đáng tiếc thì việc khám sức khỏe tổng quát định kỳ cho người cao tuổi là rất quan trọng, khám sức khỏe định kỳ vừa theo dõi được tình trạng sức khỏe của cơ thể, vừa sớm phát hiện được những bất thường xảy ra trong cơ thể để kịp thời chữa trị.
Trời lạnh là một trở ngại khiến người cao tuổi hạn chế ra khỏi nhà. Tuy nhiên người cao tuổi có các bệnh lý mạn tính hãy cố gắng tái khám định kì và duy trì thuốc đều đặn để tránh các bệnh lý trở nặng hơn.
- Tiêm vaccine cúm, phế cầu
Người cao tuổi đặc biệt đối tượng trên 65 tuổi, người có bệnh lý nền như bệnh phổi mãn tính, tim mạch, tiểu đường nên tiêm vaccine cúm và phế cầu hàng năm để giảm nguy cơ mắc bệnh do chủng loại này gây ra.
Trước khi tiêm không cần xét nghiệm nhưng trường hợp đang sử dụng thuốc hoặc đang điều trị bệnh, cần thông báo với bác sĩ ở khâu khám sàng lọc để nhận được chỉ định tiêm ngừa phù hợp nhất.
Sau tiêm, cần theo dõi ít nhất 30 phút tại trung tâm tiêm chủng và 48-72 tiếng tiếp theo tại nhà. Các phản ứng thường nhẹ và có thể tự khỏi sau 1-2 ngày, không cần điều trị.
- Chú ý đến sinh hoạt hàng ngày
Giữ ấm cơ thể là điều vô cùng quan trọng trong mùa đông ở người cao tuổi. Nên mặc đủ ấm, đặc biệt là vùng cổ, tay, chân. Sử dụng chăn ấm khi ngủ và tránh để cơ thể tiếp xúc trực tiếp với không khí lạnh.
Tập thể dục là một trong những cách an toàn và hiệu quả nhất để cải thiện sức khỏe. Sự suy giảm thể chất do lão hóa và các bệnh lý liên quan đến tuổi tác, người cao tuổi có thể hưởng lợi nhiều hơn từ việc tập luyện so với những người trẻ tuổi.
Bởi vậy, người cao tuổi cần duy trì tập luyện thể dục nhằm duy trì sức khoẻ, tăng cường sự dẻo dai và linh hoạt của cơ thể, đồng thời giảm nguy cơ mắc các bệnh lý mạn tính như tim mạch, tiểu đường và các vấn đề về cơ xương khớp,...
Việc tập thể dục thường xuyên còn giúp giảm căng thẳng, lo âu và nâng cao chất lượng giấc ngủ. Quan trọng hơn, tập luyện giúp người cao tuổi duy trì sự độc lập trong sinh hoạt hàng ngày và kéo dài tuổi thọ.
Tuy nhiên, với người cao tuổi, quá trình vận động không phù hợp với tuổi tác, cơ địa cũng sẽ gây hại đến sức khỏe, nguy cơ gây chấn thương, đột quỵ. Do đó, người cao tuổi nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn về cường độ tập luyện phù hợp với sức khỏe nhằm đạt hiệu quả tốt nhất, đặc biệt với những người mắc bệnh mạn tính.