4 luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo Kiên

30-11-2014 23:12 | Thời sự

SKĐS - Ngày 28/11, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân Tối cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa phúc thẩm, xét xử công khai bị cáo Nguyễn Đức Kiên và các bị cáo khác...

Ngày 28/11, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân Tối cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa phúc thẩm, xét xử công khai bị cáo Nguyễn Đức Kiên và các bị cáo khác về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Riêng bị cáo Nguyễn Đức Kiên còn bị xét xử thêm ba tội danh khác là kinh doanh trái phép, trốn thuế và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Phiên tòa phúc thẩm dự kiến sẽ diễn ra trong 10 ngày.

​Bị cáo Nguyễn Đức Kiên tại phiên xét xử phúc thẩm.

Hội đồng xét xử phúc thẩm gồm 4 thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao, do ông Đặng Bảo Vĩnh - làm chủ tọa phiên tòa. Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao giữ quyền công tố tại phiên tòa: ông Lê Tư Quỳnh và ông Nguyễn Hoài Nam (đều là kiểm sát viên cao cấp).

Trong buổi xét xử đầu tiên của phiên tòa phúc thẩm, hầu hết các luật sư đã có mặt để tham gia bào chữa cho 6 bị cáo có kháng cáo; riêng bị cáo Nguyễn Đức Kiên đã mời 4 luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo, gồm các ông: Nguyễn Huy Thiệp, Vũ Xuân Nam, Ngô Huy Ngọc, Bùi Quang Nghiêm (các luật sư Thiệp, Nam, Ngọc có mặt; luật sư Nghiêm vắng mặt).

Tòa đã triệu tập tới phiên tòa những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự (Công ty cổ phần Đầu tư B&B), người làm chứng, giám định viên. Có mặt tại tòa có đại diện các ngân hàng: ACB, Vietinbank, HD Bank, Đại Á bank, Techcombank...

Trước đó, bản án sơ thẩm số 219 ngày 9/6/2014, Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội đã xử phạt các bị cáo trong vụ án này gồm: Nguyễn Đức Kiên tổng cộng 30 năm tù về cả 4 tội danh nêu trên. Ngoài án phạt tù, bị cáo Kiên còn bị tuyên buộc nộp phạt hơn 75 tỷ đồng về tội trốn thuế.

Hai bị cáo: Trần Ngọc Thanh (Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội) bị phạt 5 năm 6 tháng tù; Nguyễn Thị Hải Yến (Kế toán trưởng Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội) bị phạt 5 năm tù về cùng tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Ở nhóm bị cáo bị kết tội về hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, hai bị cáo đều nguyên là Phó Chủ tịch Ngân hàng ACB gồm: Lê Vũ Kỳ bị phạt 5 năm tù và Trịnh Kim Quang bị phạt 4 năm tù; Lý Xuân Hải (nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB) 8 năm tù, Phạm Trung Cang (nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị ACB) lĩnh 3 năm tù, Huỳnh Quang Tuấn (nguyên thành viên thường trực Hội đồng quản trị ngân hàng ACB) 2 năm tù.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 6/8, bị cáo đã làm đơn kháng cáo (hai bị cáo Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” không kháng cáo).

Trong đó, bị cáo Nguyễn Đức Kiên đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm về cả nội dung bản án và mức án mà tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên. Bị cáo Kiên đề nghị tòa án cấp phúc thẩm đánh giá lại các chứng cứ buộc tội và xem xét toàn diện các chứng cứ gỡ tội.

Chiều 28/11, phiên tòa phúc thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên cùng đồng phạm tiếp tục được diễn ra tại Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân Tối cao tại Hà Nội. HĐXX tóm tắt lại bản án sơ thẩm số 219/2014/HSST ngày 9/6/2014 của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội và nội dung kháng cáo của các bị cáo, qua đó chỉ rõ những tội danh mà Nguyễn Đức Kiên cùng đồng phạm mắc phải.

Theo phân tích của Viện Kiểm sát tại phiên tòa sơ thẩm trước đó, Nguyễn Đức Kiên đã dựng lên một “ma trận” từ chuỗi quan hệ doanh nghiệp - ngân hàng - doanh nghiệp từ chính những ngân hàng, doanh nghiệp mà ông ta nắm cổ phần, sở hữu. Trong chuỗi quan hệ trên, ngân hàng là người có tiền và kinh doanh tiền, còn doanh nghiệp lại là người cần tiền để đầu tư kinh doanh, sản xuất để sinh lợi nhuận. Và khi mối quan hệ này được chi phối bởi một cá nhân hay nhóm lợi ích sẽ tạo ra sự lũng đoạn thị trường.

Cụ thể trong vụ án “bầu” Kiên cùng đồng phạm, Viện kiểm sát đã chỉ ra rằng: Các bị cáo biết rõ quy định của pháp luật nhưng vẫn làm với động cơ riêng, vì lợi ích nhóm, lợi ích cho riêng ACB. Các bị cáo là thành viên HĐQT của ACB, cùng biết sai, cùng thực hiện hành vi trái pháp luật với động cơ vụ lợi của mình nên phải chịu trách nhiệm chung.

Riêng phần đọc án sơ thẩm của chủ tọa phải tạm dừng vì ông Trần Ngọc Thanh bị ngất. Ông Thanh - nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội, một trong 6 doanh nghiệp do Nguyễn Đức Kiên thành lập. Phiên xét xử phúc thẩm tiếp tục diễn ra vào sáng thứ hai ngày 1/12/2014.

Phạm Hiếu

 

 


Ý kiến của bạn