Các triệu chứng của rối loạn tiêu hóa gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của người bệnh.
Nguyên nhân rối loạn tiêu hóa
Rối loạn tiêu hóa có nhiều nguyên nhân trong đó có thể kể đến như:
- Mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột: Các vi khuẩn đường ruột có tác dụng điều hòa quá trình tiêu hóa, lên men trong đường ruột. Khi có sự mất cân bằng hệ vi sinh vật này sẽ dẫn đến sự rối loạn quá trình chuyển hóa thức ăn.
Nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột là do lạm dụng kháng sinh, thường gặp nhất ở trẻ em.
- Chế độ ăn uống: Nạp vào cơ thể những thức ăn, đồ uống không đảm bảo vệ sinh, những chất có tác dụng không tốt đến đường tiêu hóa đều có thể gây rối loạn quá trình tiêu hóa. Ngoài ra, ăn uống không đúng bữa, không điều độ cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này.
- Sử dụng nhiều thức uống có cồn: Đây là nguyên nhân thường gặp ở người lớn. Rượu bia làm mất cân bằng pH dạ dày, rửa trôi các men tiêu hóa, gây ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa thức ăn.
- Viêm đại tràng và bệnh lý liên quan đến dạ dày: Đây là nguyên nhân hàng đầu gây nên chứng rối loạn hệ tiêu hóa. Viêm đại tràng có thể do lỵ amip, shigella,… gây nên hội chứng ruột kích thích.
Các bệnh lý như viêm dạ dày, loét dạ dày - tá tràng,… gây ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa và hấp thu các chất.
Triệu chứng rối loạn tiêu hóa
- Rối loạn đại tiện: Hầu như tiến triển chậm, nhưng với mức độ nặng dần. Người bệnh thường cảm thấy đau nặng bụng từng cơn, khi thì táo bón, lúc thì tiêu chảy, việc đi đại tiện không đều đặn như trước. Bệnh nhân có thể bị táo bón nhiều hơn tiêu chảy hoặc ngược lại, hoặc cả hai thể táo bón và tiêu chảy xen kẽ thất thường.
- Đau bụng: Cơn đau vùng bụng có thể diễn ra âm ỉ hoặc bộc phát dữ dội. Vị trí đau thường ở vùng bụng dưới bên trái, tuy nhiên cũng có khả năng ở nhiều chỗ khác nhau. Một số trường hợp cơn đau có thể lan ra phía sau lưng.
- Đầy hơi khó tiêu: Đầy hơi là một trong những triệu chứng rối loạn tiêu hóa thường gặp nhất. Bệnh nhân có biểu hiện bụng căng to, ợ hơi liên tục hoặc trung tiện nhiều.
Lời khuyên dành cho người bệnh rối loạn tiêu hóa
- Cần giữ vệ sinh cá nhân
Việc giữ vệ sinh cá nhân đúng cách là biện pháp phòng cũng như hỗ trợ trong quá trình mắc rối loạn tiêu hóa nhanh khỏi hơn. Cụ thể cần rửa tay bằng xà phòng trước khi chăm sóc trẻ nhỏ hoặc trước khi ăn uống. Vệ sinh sạch sẽ sau mỗi lần đi ngoài và nôn ói nếu là trẻ nhỏ.
- Thực hiện nghiêm túc chỉ định của bác sĩ về điều trị
Người bệnh cần sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ và tái khám đúng hẹn. Nhất là trường hợp trẻ nhỏ, người già. Không tự ý sử dụng thuốc nhất là việc bổ sung lợi khuẩn bằng các loại men vi sinh và men tiêu hóa.
- Cần có chế độ dinh dưỡng khoa học khi mắc rối loạn tiêu hóa
Cần vệ sinh thực phẩm: Ăn chín, uống sôi, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, nước uống, tránh ăn thực phẩm tươi sống, mắm tôm sống vì nguồn bệnh có thể ở trong đó và lây bệnh.
Không nên ăn gỏi, hay thức ăn còn tái, mắm tôm… Không sử dụng thức ăn không có nguồn gốc, hay đã hết hạn sử dụng. Chọn thực phẩm tươi, sống, nơi uy tín.
Không lạm dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá. Đảm bảo ăn uống hợp vệ sinh, an toàn, hợp lý.
Cần bổ sung nhiều chất xơ vào chế độ ăn uống hàng ngày. Ăn nhiều rau xanh, uống nhiều nước, nhất là đối với các bệnh nhân có dấu hiệu táo bón. Uống nhiều nước ấm, nước trái cây để bù dịch mất đi do nôn ói và tiêu phân lỏng.
Đối với trường hợp tiêu chảy cần ăn uống lỏng, dễ tiêu, chia nhiều bữa nhỏ, uống nhiều nước, không ăn thức ăn có nhiều dầu mỡ. Hạn chế uống đồ ngọt vì sẽ làm dạ dày đầy hơi, khó tiêu.
- Hạn chế căng thẳng
Căng thẳng cũng góp phần tạo áp lực lên hệ tiêu hóa như gây viêm, chán ăn, đầy bụng, chuột rút… Vì vậy, cần quản lý stress hiệu quả bằng cách thực hiện một số hoạt động như tập thể dục, yoga, thiền…Ngoài ra, trong bữa ăn nên ăn chậm nhai kỹ, tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng giảm áp lực cho dạ dày.
Nên tạo thói quen đi vệ sinh đều đặn, đúng giờ, thường xuyên vận động.